Thị trường

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài

(DNVN) - Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1513/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020.

Mục tiêu chung của Đề án là thực hiện tập trung, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp hàng hóa của Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài của các tập đoàn phân phối đa quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tăng quy mô kim ngạch, đa dạng chủng loại các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các hệ thống phân phối nước ngoài; Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài trên tổng giá trị xuất khẩu của cả nước tăng dần qua từng năm.

Cụ thể, tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là các hệ thống phân phối đã có hiện diện tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác.

Tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài theo từng năm của những nhóm hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh (như dệt may, da giầy, thủy sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ nội thất,...).

Phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp

 

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án là xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Cụ thể, tập hợp, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ về các hệ thống phân phối nước ngoài, chú trọng tại các thị trường trọng điểm như Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam để cung cấp cho khách hàng nhập khẩu. Xây dựng chuyên mục trong cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương về đầu mối nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trong các hệ thống phân phối nước ngoài để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, khai thác.

Tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu để kịp thời cập nhật, có những điều chỉnh cần thiết về cơ cấu, năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.

Phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam áp dụng các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng của các hệ thống phân phối nước ngoài. Trước mắt, ưu tiên đối với các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu vào các hệ thống phân phối lớn tại các thị trường trọng điểm.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại

 

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài, trong đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài.

Bên cạnh đó, ưu tiên thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo quy định của pháp luật; Tăng cường hoạt động của các Thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu, kết nối và xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.

Đồng thời, tổ chức Chương trình Tuần hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối nước ngoài; trước mắt tập trung tại các hệ thống phân phối lớn tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á đã có hiện diện thương mại tại Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mang hàng hóa trưng bày, giới thiệu tại các Chương trình Tuần hàng Việt Nam theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, chú trọng hoạt động truyền thông quốc tế và đổi mới phương thức truyền thông theo hướng đưa thông tin trực tiếp trên các kênh truyền thông, báo chí của nước ngoài;...

Nhiệm vụ, giải pháp khác thực hiện Đề án là thúc đẩy doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối tham gia đầu tư sản xuất để xuất khẩu hàng hóa vào hệ thống phân phối ở nước ngoài; khuyến khích, tạo điều kiện thành lập kho ngoại quan để cung ứng hàng hóa kịp thời cho các hệ thống phân phối nước ngoài; nâng cao năng lực các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Đề án.
Thực hiện nghiệm vụ tổ chức tuyên truyền, phổ biến Đề án đến các hiệp hội, doanh nghiệp và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, Bộ Công Thương thông báo tới các đơn vị.

 

VĂN HẢI
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo