Thực hiện Thông tư 02 để “gần” hơn với thế giới
Tuy đã được NHNN cho lùi thời gian thực hiện so với dự kiến ban đầu, nhưng không ít TCTD hiện vẫn còn lấn cấn, không muốn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro. Ngay tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 2014 hồi đầu năm, có nhiều ý kiến nghiêng về phía đề nghị NHNN cho lùi tiếp thời hạn thực hiện Thông tư 02 (tháng 6/2014). Từ những ý kiến này, cuộc tranh luận về thời điểm áp dụng Thông tư 02 lại được hâm nóng.
Theo kết quả thăm dò nhỏ trong giới chuyên gia tài chính - ngân hàng và lãnh đạo các NHTM, được Thời báo Ngân hàng thực hiện, “phiếu thuận” áp dụng Thông tư 02 theo đúng thời hạn đã định vẫn chiếm đa số. Cũng theo nguồn tin của Thời báo Ngân hàng, sau khi có ý kiến từ Hội nghị Ngành, ban lãnh đạo NHNN đã có cuộc họp về vấn đề này và thống nhất quan điểm là áp dụng Thông tư 02 đúng ngày 1/6/2014, nhưng có thể điều chỉnh một số điều kiện trong Thông tư cho “mềm mại” hơn.
Phó tổng giám đốc một NHTMCP cho rằng, khi có khó khăn do chính sách mới ban hành thì chắc chắn lại có không ít người “bàn lùi”, như một thói quen tự vệ. Nhưng với đa số các ý kiến, khi mà bảng tổng kết tài sản của hệ thống ngân hàng đang ở quy mô vừa phải thì nên áp dụng sớm Thông tư 02, tránh để khi nó đã quá lớn thì bong bóng tài sản xấu sẽ to lên, nếu vỡ sẽ nguy hiểm hơn.
Trong một lần gặp gỡ báo giới, khi đề cập tới hiệu lực điều chỉnh và thời điểm áp dụng Thông tư 02, ông Đặng Văn Thảo, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho rằng, không nên tiếp tục trì hoãn áp dụng Thông tư 02. Nếu không áp dụng chuẩn mực mới thì tiếp tục kéo dài tình trạng ngành Ngân hàng ngày càng tụt hậu với quốc tế.
Đồng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho biết, trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, việc rất quan trọng mà nhiều nước trên thế giới vẫn làm là cơ quan quản lý phải quy định chặt chẽ hơn về cấp phép, phân loại nợ, phòng ngừa rủi ro... Khi thực hiện tái cơ cấu, chấn chỉnh công tác quản lý rủi ro của các ngân hàng, nhiều tổ chức quốc tế mong muốn cơ chế phải minh bạch, rõ ràng. Việc này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam muốn kêu gọi đầu tư nước ngoài, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược thì phải đảm bảo chuẩn mực quốc tế.
“Việt Nam muốn mở cửa tài chính ngân hàng khi thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rồi Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) thì bao giờ yếu tố minh bạch cũng được đặt lên hàng đầu”, TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu thì phân tích, NHNN đã áp dụng Quyết định 780/QĐ-NHNN về việc phân loại đối với nợ, đã hỗ trợ tích cực cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, một số ngân hàng và DN lo lắng nếu áp dụng các tiêu chí của Thông tư 02 là bởi, sẽ có rất nhiều khoản nợ trở thành nợ xấu. Vì vậy, để “mềm mại” hơn khi áp dụng Thông tư 02 vẫn có thể áp dụng cách thức khoanh nợ.
Chẳng hạn, một công ty nào đó khi áp dụng Thông tư 02 thì nợ xấu là 10 tỷ đồng, ngân hàng có thể khoanh nợ xấu lại và tất cả tài sản thế chấp cũng được đặt ra một bên và cho vay mới. Nợ mới đó không phân loại là nợ xấu và các tài sản phát sinh từ nợ mới xếp vào nhóm riêng. Sở dĩ như vậy vì theo Thông tư 02, DN nào có nợ xấu rồi mà được Trung tâm Thông tin tín dụng NHNN (CIC) thu nhập thông tin đó và phân loại nợ xấu thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay vốn mới của DN. Vì vậy, điều kiện này có thể xem xét điều chỉnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khoanh nợ ở đây khác với tái cơ cấu nợ. Tái cơ cấu nợ là trong khi DN đó vẫn tiếp tục gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng muốn có con số đẹp, muốn cứu DN thì phải đưa khoản nợ đó trở lại trạng thái bình thường. Với khoanh nợ thì nếu có nợ xấu, ngân hàng để qua một bên, tất cả sổ sách vẫn ghi là nợ xấu, nhưng nợ mới được phân ra và cho vay bình thường.
“Hiện nay, theo tôi được biết các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) rất muốn Việt Nam thực hiện các quy định về trích lập dự phòng theo Thông tư 02”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. Bên cạnh đó, một số ngân hàng như ANZ, HSBC cũng ủng hộ việc thực hiện Thông tư này.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Các tổ chức quốc tế bao giờ cũng đặt vấn đề minh bạch lên trên. Do vậy, thực hiện Thông tư 02 đúng lộ trình thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc hướng tới các chuẩn mực quốc tế”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển