Tin tức - Sự kiện

Thực hiện xóa nợ cần công bằng

Phản hồi dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1-7-2007 vừa được Bộ Tài chính công bố, ý kiến chuyên gia kiến nghị quá trình thực hiện xóa nợ cần minh bạch, chính xác, đảm bảo sự công bằng.
Là nợ “bất khả kháng”
 
Theo dự thảo, những khoản tiền thuế nợ, tiền phạt phát sinh trước ngày 1-7- 2007 đến nay chưa nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ được xóa. Trong đó, tiền thuế được xóa bao gồm: thuế Môn bài, thuế Doanh thu, thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế XK, thuế NK, thuế Nhà đất, thuế Lợi tức, thuế Thu nhập DN, thuế Thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế Tài nguyên, thuế Sử dụng đất nông nghiệp, thuế Chuyển quyền sử dụng đất, thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, khấu hao cơ bản, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước (trừ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).
 
Các khoản tiền phạt bao gồm: Tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Khi xóa tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 1-7-2007 cũng được xóa khoản tiền phạt chậm nộp phát sinh từ khoản nợ thuế được xóa. Theo Dự thảo, đối tượng xóa nợ bao gồm: Hộ gia đình, cá nhân; DN Nhà nước đã giải thể (bao gồm cả tiền nợ thuế, tiền phạt của các chi nhánh, cửa hàng của DN); DN Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa, bao gồm cả DN cổ phần hóa từ đơn vị hạch toán phụ thuộc của DN Nhà nước; DN Nhà nước chuyển đổi sở hữu theo hình thức giao, bán; DN Nhà nước đã hoàn thành việc giao, bán và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1-7-2007 của thời kỳ DN Nhà nước do các cơ quan chức năng thực hiện điều tra, thanh tra, kiểm tra, truy thu sau thời gian đã chuyển đổi hoặc do không hạch toán vào báo cáo tài chính, quyết toán thuế khi xác định giá trị doanh nghiệp để giao, bán...
 
Đưa ra quan điểm của mình về dự thảo này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trước hết phải nhận thấy rằng đây là những khoản nợ không có khả năng thu hồi. Xét ở tầm vĩ mô và tính lâu dài của chính sách cũng như thực hiện chủ trương của cơ quan quản lý là luôn mong muốn tạo mọi điều kiện trong khuôn khổ pháp luật cho phép nhằm hỗ trợ DN phát triển, vượt qua khó khăn, Chính phủ đã dự thảo quyết định này. “Không phải DN cố tình nợ thuế mà phải xem xét vấn đề ở khía cạnh tác động của nền kinh tế, nguyên nhân khách quan để nhìn nhận.
 
Ví dụ như một DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư nhưng do tác động của nền kinh tế là chủ yếu khiến cho DN hoạt động kém hiệu quả dẫn tới nợ thuế. Đây là những khoản nợ bất khả kháng của DN” - Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên cho biết thêm.
 
Không để xóa “nhầm”
 
Ở góc một luật sư lĩnh vực tài chính, luật gia Vũ Xuân Tiền, Giám đốc Công ty tư vấn VFAM cho rằng, khi thực hiện quyết định này, cơ quan chức năng cần phải có điều tra, đánh giá chính xác danh sách những DN được áp dụng theo quy định này, sau đó là phải có tiêu chí rõ ràng, quá trình thực hiện đúng quy định, không để xảy ra trường hợp xóa “nhầm”.
 
“Đối với DN Nhà nước đã chuyển đổi thành công ty cổ phần, chủ trương xóa nợ là đúng, đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhưng đối với trường hợp DN Nhà nước sau cổ phần hóa mà đại diện Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, ban lãnh đạo vẫn là những con người cũ thì nên chăng vẫn để những con người cũ ấy tự chịu trách nhiệm với hậu quả mà mình đã gây ra” - luật gia Vũ Xuân Tiền phân tích.
 
Về vấn đề này, quan điểm của TS. Kiên lại cho rằng, không nên tách bạch khái niệm DN Nhà nước, hộ gia đình hay DN Nhà nước đã cổ phần hóa trong dự thảo, bởi loại hình DN nào cũng đều hoạt động trong một môi trường pháp luật và chịu tác động của các luật thuế. Nếu cứ phân chia thì vô hình trung đã tạo một tư duy không chuẩn về các DN.
 
Ở góc độ của một DN cũng là đại diện cho một hiệp hội ngành hàng, ông Phạm Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sufat Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Ôtô - Xe máy -Xe đạp Việt Nam (Vaboma) lại cho rằng, dự thảo đã không công bằng với các DN tư nhân khi loại hình DN này không có trong đối tượng được xóa nợ.
 
Quãng thời gian 2004-2007, thực hiện chủ trương nội địa hóa ô tô, xe máy của Chính phủ, trong quá trình thực hiện, một số DN tư nhân lĩnh vực này cũng có số nợ thuế tồn đọng không giải quyết được, Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị được xóa số nợ thuế trên nhưng chưa được giải quyết. Với dự thảo quyết định của Chính phủ mới ban hành này, ông Cường tiếp tục kiến nghị bổ sung DN tư nhân vào đối tượng được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt.  
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo