Thực trạng "thừa mà lại thiếu" giáo viên ở Hà Tĩnh
Thừa mà lại “thừa - thiếu”
Tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước và có ở tất cả các cấp học từ mầm non tới phổ thông.
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh dôi dư gần 800 giáo viên, tập trung ở bậc THCS và THPT như ở TP.Hà Tĩnh, huyện Hương Khê, Hương Sơn, nhưng lại thiếu ở các đơn vị như thị xã Kỳ Anh thiếu 188 giáo viên bậc tiểu học và mầm non, huyện Kỳ Anh 84 giáo viên bậc tiểu học và mầm non (quy định mầm non 2GV/lớp, tiểu học 1,5GV/lớp.
Theo quan điểm của ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, đối với bậc tiểu học, nhiều nơi dôi dư nhưng khó điều chuyển vì họ đã an cư.
Với dư luận thì cho rằng, việc Sở GD&ĐT không chủ trương điều chuyển vì lí do “an cư” thực chất là đẩy quả bóng trách nhiệm cho Sở Nội vụ. Tuy nhiên, Sở Nội vụ lại lực bất tòng tâm trong việc tham mưu đưa ra một phương án giải quyết khi chuyện thừa hơn 800 giáo viên vẫn còn tồn tại. Chuyện “lạc nghiệp” ở nơi thiếu giáo viên một lần nữa rơi vào bế tắc.
Phương án, giảm dôi dư, ngành chức năng Hà Tĩnh chỉ tham mưu được là dừng tuyển dụng. Còn nơi thiếu giáo viên, thì đề nghị chủ trương tuyển thêm.
Quả bóng trách nhiệm giải quyết khâu thiếu giáo viên, một lần nữa được đẩy về huyện. Trường nào thiếu, trường đó tự đứng ra ký hợp đồng và tự luôn việc thu chi. Thế nhưng ngân sách trường lấy đâu ra khi không thu thêm khoản phí từ học sinh? Đẩy giáo viên hợp đồng luôn nơm nớp trong cảnh, cuối tháng ai trả lương?
Trong khi các đơn vị thừa giáo viên “ngồi mát ăn bát vàng” với đầy đủ chế độ, tiền lương và hệ số chi thường xuyên thì ở các đơn vị thiếu phải “oằn mình” hứng chịu mọi thiệt thòi như phải tự trích ngân sách thuê giáo viên dẫn đến hụt nguồn chi thường xuyên vì nguồn phân bổ theo đầu người. Để đảm bảo quyền lợi giáo viên hợp đồng, dẫn đến nhiều trường phải đẻ ra một loại phí – gọi là phí “trả lương giáo viên”?!
Chuyện nơi thừa, chốn thiếu giáo viên ở Hà Tĩnh xảy ra đã nhiều năm nay nhưng qua nhiều kì họp HĐND đưa ra bàn luận vẫn không giải quyết được vấn đề. Dư luận cho rằng, đây là lỗi hệ thống của các ngành chức năng từ việc quy hoạch, tuyển dụng ồ ạt dẫn đến hậu quả xấu. Việc không thể điều chuyển, cân đối lại nguồn lực thể hiện sự yếu kém của cả Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ trong công tác tham mưu.
Cần cung ứng đủ ngân sách cho nơi thiếu
Quay lại trường hợp thị xã Kỳ Anh, hiện đang thiếu 188 giáo viên bậc mầm non, tiểu học. Riêng mầm non, thiếu 93 giáo viên (quy định 2GV/lớp), trong đó các trường mầm non hợp đồng giáo viên là 70 người. Để chi trả tiền lương, các trường phải tự thu, tự chi. Từ đó đẻ ra một khoản phí nằm ngoài quy định “phí trả lương giáo viên hợp đồng”. Tình trạng này diễn ra nhiều năm liền tại các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn.
Đến khi Sở GD - ĐT “tuýt còi” vì thu trái quy định thì các trường rơi vào thế bí, không biết lấy ngân sách từ đâu để trả lương giáo viên hợp đồng, trong khi trường lại thiếu giáo viên theo quy định được giao.
“Để đảm bảo chất lượng số giáo viên đứng, chất lượng giáo dục, trường phải tuyển giáo viên hợp đồng ngắn hạn. Khi không thu phí từ học sinh, giáo viên hợp đồng, đồng nghĩa không có lương. Gần 1 năm nay, 13 giáo viên tại trường đi dạy không lương” – cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Kỳ Thịnh cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch thị xã Kỳ Anh trả lời tại cuộc họp ngày 13/3 về việc giải quyết lương giáo viên mầm non, tiểu học trên địa bàn là cuối tháng 3 này sẽ trích ra 2 tỷ đồng từ ngân sách thị xã cấp đủ cho các trường để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng.
Ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh phân tích, trả nợ gần 2 tỷ đồng tiền lương cho giáo viên hợp đồng mầm non từ ngân sách thị xã chỉ là phương án tạm thời, về lâu dài tỉnh cần bổ sung ngân sách đối với những đơn vị thiếu giáo viên như thị xã.
Như vậy, tỉnh Hà Tĩnh cần có một giải pháp lâu dài để giải quyết lương giáo viên hợp đồng là trích một nguồn ngân sách bổ sung cho các huyện và đơn vị thiếu giáo viên. Thậm chí, cắt nguồn chi thường xuyên của các đơn vị thừa giáo viên để bổ sung cho các đơn vị thiếu vì trên thực tế, giáo viên chưa làm đủ số giờ quy định vẫn được hưởng nguyên lương và các chế độ khác một cách bất hợp lí.
Sở Tài chính trả lời, nguồn ngân sách của tỉnh chỉ được giao theo chỉ tiêu biên chế. Ví như thị xã Kỳ Anh, chỉ tiêu biên chế giáo viên bậc mầm non là 269 giáo viên, thì nguồn ngân sách chỉ cấp đúng con số quy định. Nói như Sở này, hóa ra những giáo viên hợp đồng ngắn hạn, họ mãi đi làm không công?
Cần luân chuyển giáo viên ngay ở bậc học
Theo ông Trần Đình Liễu, Phó giám đốc Sở Nội vụ, nhiều lần Sở đề xuất lên tỉnh cho phép được tuyển dụng thêm những nơi thiếu giáo viên. Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển giáo viên từ chỗ thừa về thiếu. Đồng thời, yêu cầu ngành giáo dục cụ thể từng đơn vị nào còn thiếu giáo viên đứng lớp, giáo viên bộ môn để Sở tham mưu lên tỉnh.
Vấn đề dôi dư giáo viên tại Hà Tĩnh cần có một biện pháp căn cơ. Ví như, tỉnh Nghệ An, Đà Nẵng thực hiện phương án điều chuyển giáo viên THCS xuống tiểu học và mầm non, điều này Hà Tĩnh chưa thực hiện được.
Theo đó, các giáo viên sẽ học thêm văn bằng 2. Họ sẽ được đào tạo một chương trình bồi dưỡng bài bản, căn cơ, gắn với thực tiễn cho thầy cô đang dạy trung học chuyển sang mầm non.
Được biết, Bộ GD&ĐT đang giao cho các trường sư phạm xây dựng chương trình văn bằng 2, trong đó có những môn có tính liên thông, thực hành tốt để nhanh chóng triển khai trên toàn quốc, khắc phục thừa thiếu cục bộ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo