Thuốc tiêu độc cũng có thể gây độc
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các loại thuốc và thực phẩm chức năng được quảng cáo có nguồn gốc thảo dược có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, thải độc và điều trị được nhiều loại bệnh mạn tính khó chữa như bệnh gan, dị ứng, mẩn ngứa…
Các thuốc này được bán rộng rãi trên thị trường và có thể mua không cần đơn. Tuy nhiên, phần lớn thuốc tiêu độc không có tác dụng với các bệnh dị ứng.
Càng chữa, càng nặng
Cháu Nguyễn Thị H., 7 tuổi, (quận Đống Đa, Hà Nội) bị mẩn ngứa mạn tính kéo dài hơn 3 năm nay. Cháu đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh chỉ ổn định một thời gian rồi lại liên tục tái phát. Mới đây, bố mẹ cháu đã tự cho cháu dùng một loại thuốc được giới thiệu là có tác dụng tiêu độc, chữa mẩn ngứa, dị ứng.
Tuy nhiên, sau khi dùng khoảng 3 ngày theo hướng dẫn ghi trên lọ thuốc, tình trạng mẩn ngứa của cháu không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng, 2 mắt sưng nề, nổi nhiều dát đỏ khắp người, ngứa ngáy rất nhiều.
Gia đình đã đưa cháu đi khám tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, cháu được chẩn đoán là nhiễm độc da dị ứng do thuốc. Sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện, tình trạng dị ứng của cháu dần ổn định và cháu đã được xuất viện.
Điều trị cho bệnh nhân dị ứng thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Trần Minh
Đây chỉ là một trong hàng chục ca nhập viện với nguyên nhân nhiễm độc các loại thuốc được cho là có tác dụng tiêu độc, thải độc. Không chỉ có nguy cơ làm nặng bệnh, việc tin tưởng quá mức vào thuốc tiêu độc hoặc hỗ trợ điều trị còn có thể khiến bệnh nhân không được điều trị kịp thời, bệnh diễn biến dai dẳng, nặng lên và gây nhiều khó khăn cho việc điều trị sau này.
Thực tế cho thấy, khả năng điều trị các bệnh dị ứng phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn của bệnh, bệnh diễn biến càng kéo dài thì khả năng đáp ứng điều trị càng kém, thời gian điều trị càng lâu và chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng càng bị ảnh hưởng.
Thuốc tiêu độc không có tác dụng với bệnh dị ứng
Theo quan niệm dân gian, các bệnh dị ứng, mẩn ngứa đều gây ra do “nóng gan” hoặc do nhiễm độc. Đây cũng là một nguyên nhân khiến người mắc các bệnh dị ứng mạn tính thường tự điều trị bằng các thuốc được cho là có tác dụng “mát gan”, thải độc, tiêu độc…
Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm do phần lớn các biểu hiện dị ứng có nguồn gốc từ các rối loạn hoạt động của hệ thống miễn dịch, không liên quan đến các bệnh lý gan mật hay nhiễm độc tố, do đó, việc dùng thuốc thải độc, tiêu độc là không cần thiết trong phần lớn các trường hợp dị ứng.
Thực tế tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, phần lớn những bệnh nhân mắc các bệnh dị ứng mạn tính đến khám và điều trị tại trung tâm đều đã tự điều trị trước đó bằng các loại thuốc kể trên nhưng không cải thiện được tình trạng bệnh, thậm chí một số trường hợp còn làm bệnh trầm trọng thêm bởi các phản ứng dị ứng, đặc ứng, nhiễm độc do thuốc.
Lời khuyên cho bệnh nhân dị ứng
Các loại thuốc và thực phẩm chức năng được cho là tiêu độc thường có giá thành tương đối rẻ, được bán rộng rãi và có thể mua không cần đơn. Bên cạnh đó, sự quá tải và những khó khăn khi đi khám chữa bệnh tại một số cơ sở y tế công, cùng với tâm lý ngại đi khám và sự tin tưởng vào tính an toàn của các thuốc có nguồn gốc thảo dược, nên trong thực tế, nhiều người khi mắc các bệnh gan mật hoặc dị ứng mạn tính thay vì đi khám tại các cơ sở y tế lại lựa chọn điều trị bằng những loại thuốc này. Song, thuốc tiêu độc không có tác dụng với bệnh dị ứng. Chính vì thế mà hậu quả là bệnh càng nặng hơn. |
Theo Sức khỏe & Đời sống
End of content
Không có tin nào tiếp theo