Thương lái Trung Quốc giả danh khách du lịch mua gom vải thiều
Thương lái Trung Quốc mua tận vườn
(antđ) Tại vựa vải thiều lớn nhất miền Bắc - huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), trung bình mỗi ngày có tới 1.500-2.000 tấn quả vải tươi được đóng thùng, ướp đá lạnh chở ngược lên hai cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Dọc từ trung tâm thị trấn Chũ vào tận các xã Phượng Sơn, Hồng Giang… khoảng 400 điểm thu gom vải lúc nào cũng tấp nập. Giá bán tại điểm thu gom từ 15.000-20.000 đồng/kg, riêng vải loại 1 lên tới 20.000-26.000 đồng, thậm chí 30.000-38.000 đồng/kg (loại trồng theo tiêu chuẩn VietGAP).
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, mặc dù năm nay bị mất mùa nhưng tổng sản lượng toàn tỉnh vẫn đạt khoảng 140.000 tấn quả tươi. Nếu những năm trước, việc tiêu thụ phải trông cậy cả vào thị trường nội địa thì năm nay chỉ đủ để xuất khẩu. Vì thế, ở các thị trường như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không thể có vải thiều Lục Ngạn mà chủ yếu là vải từ các vựa mới như Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ…
Mặc dù vui nhưng vẫn có nỗi lo, đó là việc hàng loạt thương lái Trung Quốc đang thao túng thị trường vải thiều ở miền Bắc. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, ông Đào Xuân Cường, mỗi năm có khoảng 100-200 thương lái Trung Quốc vào tận Lục Ngạn để thu mua vải. Toàn bộ giá cả, sức mua, thị trường vải thiều hàng năm cao hay thấp hầu như do chính thương lái nước ngoài quyết định.
Ông Triệu Văn Hội, chủ một trạm thu mua tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho biết, ông chỉ là “trung gian” lo việc gọi hàng, thuê người bốc xếp, cân đo còn chủ thu mua trực tiếp là người Trung Quốc. “Họ trực tiếp xem hàng, giám sát cân đong, vải đẹp mới lấy, không đạt là loại ra ngay, sau đó đóng thùng chuyển thẳng lên cửa khẩu Tân Thanh” - ông Hội cho hay. Trong khi đó, theo những nông dân trồng vải, việc xuất hiện hàng trăm thương lái Trung Quốc gần như ngay tại vườn ở Lục Ngạn đã giúp thúc đẩy sức tiêu thụ trôi chảy hơn.
Ra khỏi cửa khẩu, mất ngay thương hiệu
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ, thương nhân Trung Quốc có mặt ở đây đã từ nhiều năm nay. “Họ tới đăng ký tạm trú đàng hoàng, thuê khách sạn ở và thông qua các đại lý, trạm cân để thu mua vải của bà con”.
Tuy nhiên, theo quy định mới nhất của Bộ Công Thương thì việc thương lái nước ngoài vào nội địa, trực tiếp thu mua vải là trái quy định. Theo đó, thương nhân nước ngoài chỉ được phép mua nông sản (như vải thiều) tại cửa khẩu do các thương nhân Việt Nam xuất sang.
Song do quy định vẫn chưa chặt chẽ, nên hiện tại hàng trăm thương lái Trung Quốc vẫn đang lách luật, sử dụng chiêu “núp” dưới danh nghĩa khách du lịch để vào mua hàng thông qua các điểm cân ở huyện Lục Ngạn. Tiền được họ chuyển khoản nhờ vào các tài khoản ngân hàng của chủ đại lý ở TP Bắc Giang. Sau đó, khi sang tới Việt Nam, họ rút tiền ra để thu mua vải, và lại thuê chính các đại lý ở Bắc Giang chở lên Tân Thanh (Lạng Sơn) để chuyển qua cửa khẩu.
Còn ông Nguyễn Quang Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cho hay, điều đáng buồn là từ nhiều năm nay, vải thiều Việt Nam không hề được gắn nhãn mác, thương hiệu của Việt Nam, mà chỉ cần ra khỏi cửa khẩu là bị lột mác, bóc thùng để gắn thương hiệu vải Trung Quốc. “Ngay tại vựa vải cũng như ở cửa khẩu, thương lái Trung Quốc không chịu mua hàng đóng gói sẵn mà chỉ mua hàng đóng thùng xốp, sau đó mang về bên kia mới đóng gói lại, mang thương hiệu của Trung Quốc để bán được giá cao hơn, họ không chấp nhận để chỉ dẫn địa lý của Việt Nam”.
Được biết, ở Trung Quốc hiện nay cũng trồng khá nhiều vải thiều, nhưng chất lượng và độ ngon của vải Trung Quốc kém xa vải Thanh Hà, Lục Ngạn của Việt Nam.
Tuyết Nhung
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc