Tin tức - Sự kiện

Thương nhớ Tết rừng

Tôi bỗng nổi cáu với cử chỉ của thằng con tôi. Bởi, trước mâm cơm ngổn ngang thức ăn- thịt chân giò luộc, cá rô phi rán, đậu phụ nhồi thịt…Vậy mà nó mè nheo, chống đũa, khẽ than phiền: “Chẳng có gì ăn!”. Tôi quắc mắt nhìn nó: “Chắc con muốn ăn “gan trời”, “trứng trăng” phải không? Đúng là đài các rởm!”.

Thương nhớ những cái Tết ở miền rừng xa lơ xa lắc với gian nguy, thiếu thốn nhưng đầy ắp nghĩa tình đồng đội, đồng chí anh em. (Ảnh: VOV)

Vợ tôi đỡ lời, nhẹ nhàng thanh minh: Không phải vậy đâu! Đừng mắng oan cho nó! Tại nó lây cái  “máu khổ” của anh thời ở rừng. Hai hôm nay đi chợ, đều quên cái món cá khô”. Trời ơi! Tôi khẽ thốt lên trong lòng rồi ngước nhìn vợ, nhìn con, bỗng khóe mắt cay cay. Tôi trách sự vô tâm của mình. Nào phải cao lương mỹ vị gì đâu, sực nhớ ra, món khoái khẩu của thằng con tôi đó là khoai tây chiên (rán) hoặc xào và cá khô. Có hai thứ đó thì mâm cao cỗ đầy mấy nó cũng không ngó ngàng tới. Không ngờ, trong bữa cơm một ngày giáp Tết, từ sở thích của thằng con và lời trách nhẹ nhàng của vợ đã đánh thức trong tôi bao kỷ niệm về những cái Tết ở núi rừng Tây Bắc và ở chiến trường miền Nam xa xưa.

Khắc họa thực đơn thuở ấy

Tôi đi bộ đội (diện nghĩa vụ quân sự), năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Lính pháo binh thuộc Tiểu đoàn 10 – F335 Quân khu Tây Bắc. Đóng quân tại vùng thảo nguyên Mộc Châu, thuộc xứ “Sơn La âm u núi khuất trong sương mù”. Nhiều hôm, giữa ban ngày mà ô tô phải bật đèn mới dám chạy. Thời hạn nghĩa vụ 3 năm. Song với riêng tôi phải kéo dài tới 4 năm, bởi Tiểu đoàn trưởng Phạm Phước Thuần giữ và đưa tôi vào diện đào tạo sĩ quan tại chức.

Vậy mà tôi đã phụ lòng tốt của ông, nằng nặc xin rời quân ngũ, chuyển ngành. Nếu như bây giờ, nghiêm túc tự kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TW4 thì đó là tư tưởng cầu an, sợ gian khổ chứ còn gì nữa!.

Bốn năm ở Tây Bắc, tôi được một lần nghỉ phép về thăm quê. Thời đó, đi Sơn La, Lai Châu chỉ duy nhất có Quốc lộ 6. Con đường vừa nhỏ, vừa xấu, toàn “ổ trâu, ổ voi”. Ấy là chưa kể cái cảnh qua phà Hòa Bình, Suối Rút gặp mùa mưa lũ, xe xếp hàng nằm chờ mấy ngày mới qua được. Rồi cái nạn xếp hàng mua vé – được tấm vé trong tay, mất cả ngày chờ đợi. Vì thế, 15 ngày nghỉ phép, nướng trên đường mất nửa thời gian. Quân lệnh như sơn, đâu có thể đổ cho khách quan mà tự động kéo lùi ngày trả phép.

Ngày đó, đơn vị chúng tôi vừa chuyển về doanh trại mới. Từ nhà lá, chuyển lên nhà xây, thật oách. Vì doanh trại mới nên cơ sở vật chất chẳng có gì. Tăng gia sản xuất, chăn nuôi đều bạch định. Tất cả trông vào chế độ cung cấp của Nhà nước và nhân dân không để cho bộ đội đói. Mỗi chiến sĩ được 21 cân gạo một tháng, trong khi cán bộ, viên chức chỉ 13 cân. Về thực phẩm, mỗi người 1,2kg thịt/tháng, trong khi viên chức chỉ 0,5kg. Vì Tây Bắc xa xôi nên chủ yếu là thịt ướp. Mỗi năm chỉ có 2 lần được ăn thịt tươi. Đó là ngày Quốc khánh và Tết Nguyên đán. Gọi là 3 ngày Tết nhưng chỉ có 2 bữa có thịt, đó là chiều 30 và trưa ngày mùng 1. Mà cũng chỉ là những bữa thịt thòm thèm.

Mâm cỗ ngày Tết lèo tèo vài ba món, còn từ ngày mùng 2 trở đi, nó trở lại như ngày thường, với thực đơn gần như bất di bất dịch – bữa trưa: bí ngô, cá khô; bữa chiều: cá khô, bí ngô. Cái điệp khúc ấy cứ nối từ tuần này tới tháng kia, triền miên cả cái năm đầu của đời lính chúng tôi. Mà cá khô thời đó có như bây giờ đâu. Nó mặn đến co lưỡi.

Có lần, anh em vui đùa với cấp dưỡng: “Này, đồng chí anh nuôi ơi! Chắc hôm nay đồng chí cho anh em chén cái món cá khô hầm muối phải không?”. “Đường sá xa xôi, người ta không làm mặn thế thì đem cá thối lên đây à!”. Có tiếng vui đùa của ai đó, như là một câu khẩu hiệu thật hài hước: “Cảnh giác với bí ngô, đề phòng cá khô ngóc đầu dậy”. Không ngờ câu vui đùa ấy trở thành câu cửa miệng mỗi khi anh em xếp hàng xuống nhà ăn.

Tết chay

Đó là cái Tết Kỷ Dậu (1969). Mấy năm cuối thập niên 60, căn cứ của đơn vị Cụm Tình báo B48 chúng tôi bám trụ địa bàn đông bắc Sài Gòn thuộc tỉnh Bình Dương. Từ Châu Thành, Bến Cát tới Tân Uyên (cửa ngõ chiến khu D) vùng hoạt động của Phân khu 5 (một đơn vị chủ lực của ta). Sau Tết Mậu Thân, địch phản kích dữ dội chiến trường đông bắc nên cứ xoay đi, xoay lại cũng chỉ 3 nơi đó. Nó đánh tới mức không còn đất dung thân.

Các cơ quan, đơn vị đổ dồn về Bình Cơ, Bình Mỹ rồi chạy sâu vào rừng chiến khu “D”, lại rơi vào cái túi bom B52, pháo chụp, pháo bầy của địch. Mọi sinh hoạt bị xáo trộn. Có khi cả tuần lễ không tắm giặt gì. Cái sự ăn uống mới gian nan vất vả. Vùng dân cư bị phong tỏa bởi âm mưu cực kỳ thâm độc của địch “tách cá khỏi nước”. Đòn thâm hiểm đó đánh vào sức mạnh đoàn kết quân dân: “Quân với dân như cá với nước”. Tách cá ra khỏi nước thì cá sẽ chết.

Thời đó, ở chiến trường vùng yếu, vùng giáp ranh các cơ quan, đơn vị đều sống tự lực, đều phải dựa vào dân, nhờ dân giúp đỡ. Từ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác đều nhờ dân mua giúp. Đơn vị nào cũng có hầm dự trữ lương thực, thực phẩm. Chủ yếu là gạo và cá khô. Bởi đó là thực phẩm mang ý nghĩa “chiến lược”. Song, vào giai đoạn căng thẳng triền miên như thế, nhiều khi trở thành vô nghĩa bởi bom, pháo hủy diệt; bởi những trận càn của địch vào căn cứ, thoát ra khỏi vòng vây an toàn đã khó, tâm trí đâu mà lo di chuyển cái hầm lương thực, thực phẩm.

Âm mưu phong tỏa của địch đã gây cho ta bao khó khăn, kể cả hy sinh tính mạng. Không ít bòng lương thực, thực phẩm đem về tới căn cứ còn nhuốm máu của đồng đội. Những trận càn triền miên mang tính chất hủy diệt của địch nằm trong âm mưu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với công thức: Hỏa lực Mỹ cộng với bộ binh của quân lực Việt Nam Cộng hòa nhằm gây thanh thế khi Mỹ chuẩn bị rút quân.

Song, còn một nguyên nhân thứ hai mà hồi đó được giữ bí mật, không phổ biến tới cấp dưới, đó là sự đầu hàng phản bội của một số cán bộ của ta khi bị địch bắt (thời đó gọi là chiêu hồi). Điển hình trong đó có Trung tá Tám Hà, Năm Sinh (tự Năm Ngọt), Thượng tá Phân khu trưởng Phân khu 5. Những kẻ như thế mà trở thành chỉ điểm cho địch thì quả là nó chỉ đâu đánh trúng đó.
Hàng tháng trời, đơn vị chúng tôi bị đứt liên lạc với các lưới điệp báo nội thành. Vì vậy, cấp trên quyết định chuyển đơn vị chúng tôi về Bắc Bến Cát, thuộc chiến trường Tây Bắc Sài  Gòn, nhập vào Cụm B49, căn cứ bám trụ tại khu vực Bến Chùa-Thanh An.

Cuối năm đó, tình hình đông bắc có vẻ dịu hơn. Xét thấy cần phải có một cụm tình báo đứng chân tại đó, nên cấp trên quyết định thành lập một cụm mới, lấy tên là “V8”. Tôi được giao trách nhiệm phụ trách bộ phận căn cứ, đưa anh em từ Bắc Bến Cát trở về. Đơn vị mới, toàn lính mới. Trong đó có 2 chiến sĩ thông tin vô tuyến điện quê miền Bắc là Vũ Xuân Mùi (Hải Phòng) và Nguyễn Văn Giới (Phú Thọ). Tuổi trẻ rất hăng hái. Khi tôi nêu vấn đề: “Ta tranh thủ về địa bàn sớm. Có thể đi trong dịp Tết sẽ an toàn hơn. Có điều…như thế anh em mình mất Tết”. Anh em lao nhao phát biểu: “Đi! Đi  ngay anh ạ. Ta mất Tết này, khi nào miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, sẽ ăn Tết bù, lo gì!”.

Dự tính của chúng tôi, hành quân tới đâu, đúng đêm giao thừa sẽ dừng nghỉ ăn Tết với bà con thôn ấp. Nào ngờ, năm đó quân đội Sài Gòn “tử tế” quá, trước Tết họ cũng tỏa về các làng quê, thôn ấp, khu gom dân để thực hiện cái gọi là bảo vệ cho bà con ăn Tết, đề phòng “Việt Cộng gây rối”. Họ còn giăng tàu án ngữ sông Sài Gòn. Đã mấy lần chúng tôi về An Phú, chờ đêm tối sẽ vượt sông về An Nhơn Tây nhưng đều phải quay lại, bám trụ ở mấy khu rừng chồi trên đất Củ Chi.

Ở đó có một số hầm bí mật và hầm tránh phi pháo đơn vị bạn nhường cho. Về lương thực thì tạm ổn. Riêng thực phẩm thì quá kẹt. Bình quân mỗi người có 5 hộp thịt dự phòng thì đã chén hết rồi. Còn lại mấy lọ chao (đậu phụ ngâm tương). Ngày mùng 1, chúng tôi ăn Tết bằng rau rừng (lá kim cang) chấm tương chao. Đang ăn, một cậu trinh sát trẻ bỗng thốt lên: “Thế mà hay. Năm nay anh em mình ăn Tết chay, đúng với đời sống nhà Phật. Đợi ngày hòa bình…”.

Tôi ngồi lặng đi, bỗng thốt lên tự trách mình: “Tiếc quá, hôm đi, có mấy con khô cá lóc mà mình lại để quên…”

Mới đó mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Thương nhớ đồng đội tôi! Thương nhớ những cái Tết ở miền rừng xa lơ xa lắc với gian nguy, thiếu thốn nhưng đầy ắp nghĩa tình đồng đội, đồng chí anh em. Ôi! Có một thời như thế! Nó đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi và trở thành những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời chinh chiến của mình.

 

Khổng Minh Dụ - ANTG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo