Cứ vào cuối năm, nghĩ đến chuyện thưởng Tết là nhiều giáo viên vùng cao lại không khỏi chạnh lòng. Không lương tháng 13, có giáo viên 4 năm đi làm nhưng chỉ một lần được thưởng Tết chưa đến 100.000 đồng…
Vùng cao: Thưởng Tết lọ dầu gội
Trong căn phòng vách đất khoảng hơn chục mét vuông, cô giáo Lê Thị Hồng Hợp (Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) đang loay hoay dọn dẹp cho đỡ bừa bộn. Cô Hợp cho biết, cứ vào mùa đông là đồ đạc trong phòng lại ẩm mốc, con nhỏ ốm suốt với bệnh tai- mũi - họng. Cô giáo Hồng Hợp sinh năm 1983, quê ở Phú Thọ. Cô tình nguyện lên vùng cao Mù Cang Chải này dạy học đã 4 năm nay. Ngày lên đường, con đầu của cô chưa đầy tuổi phải để ở quê cho chồng chăm sóc.
Hiện tại, cô vừa sinh thêm con thứ hai. Do con còn quá bé, hàng tháng, cô phải nhờ người trông con hết 2 triệu đồng. Thậm chí đến cả nước sạch để dùng, cô và các đồng nghiệp ở đây cũng phải mua của người dân địa phương với giá khoảng 20.000 đồng/tháng, bởi để lấy được nước sinh hoạt, các giáo viên phải đi bộ đến gần 5km.
“Cộng tất cả các khoản, mỗi tháng em thu nhập được 6 triệu đồng, chỉ đủ sống và tiền thuốc men cho con. Đấy là chưa kể, nếu muốn về quê thăm chồng con cũng phải mất cả triệu đồng tiền vé xe và ăn uống dọc đường”, cô Hợp cho biết.
Nói về chuyện thưởng Tết hàng năm, cô Hợp tâm sự bằng giọng buồn vô hạn: “Trước khi đi vùng cao, em dạy hợp đồng ở quê 3 năm. Dù là hợp đồng, chúng em cũng được thưởng Tết 300.000 đồng. Thế nhưng lên đây, làm giáo viên chính thức 4 năm trời, chỉ duy nhất một năm em có thưởng Tết chưa đến 100.000 đồng. Gia đình học sinh cũng nghèo, thậm chí có khi cô giáo có con tép hoặc ít cá khô cũng chia cho học sinh thì lấy đâu chuyện gia đình học sinh đi Tết giáo viên”.
Thầy Giàng A Súa, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Lao Chải cho biết, hiện nhà trường có 31 giáo viên. Đây là một trong những trường nghèo nhất huyện Mù Cang Chải nên nhiều điểm trường còn rất tạm bợ. Vì vậy, thưởng Tết có năm chỉ được 50.000 đến 100.000 đồng. Thậm chí có năm thưởng Tết chỉ là một lọ dầu gội đầu.
“Thế nhưng đến chút quà nhỏ mọn này cũng rất hi hữu mới có, vì đến một số quỹ cơ bản của trường vẫn còn thiếu thốn, lấy đâu ra mà thưởng Tết. Thậm chí, giáo viên làm thêm giờ nhưng nhà trường không đủ tiền chi, nhà trường cũng phải họp giáo viên để mong anh chị em thông cảm. Nói thì ngại nhưng có năm thưởng Tết chẳng có gì, mình thì cũng nghèo nhưng thấy có những cặp vợ chồng có con nhỏ vất vả quá, cũng phải rút ví mừng tuổi cho con họ dăm chục, gọi là động viên anh em”, thầy giáo Giàng A Súa cho biết.
Thành phố: Vận động doanh nghiệp vào cuộc “Ở vùng cao, tùy nguồn lực của từng trường để có chế độ thưởng Tết cho giáo viên. Năm nào nhà trường có điều kiện, còn thừa ít quỹ gì đó thì giáo viên còn có một tí tiền thưởng Tết, nếu không thì chẳng có gì. Tết đến xuân về, chỉ mong có các tổ chức nào đó quan tâm đến giáo viên vùng cao như chúng tôi, để anh chị em giáo viên đỡ buồn tủi”.
Thầy giáo Giàng A Súa Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Lao Chải
(huyện Mù Cang Chải, Yên Bái)
Khi được hỏi về chuyện thưởng Tết cho giáo viên, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhận xét: “Giáo viên thì làm gì có chuyện thưởng Tết”. Quả thật, trong khi phần lớn các công ty, xí nghiệp đều có lương tháng 13 cho công nhân viên chức thì ngành giáo dục lại không có. Nhiều giáo viên không khỏi chạnh lòng, nhất là ở những trường khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, những năm trước, nhiều trường tại TPHCM không có thưởng Tết cho giáo viên, chỉ một số trường thuộc “quận giàu” như quận 1 thì cho giáo viên khoảng 500.000 đồng/người. Tuy nhiên, cũng chỉ là các trường mầm non, tiểu học mới có thưởng Tết như thế, còn trường THCS và THPT thì hầu như không có thưởng.
Để chia sẻ với giáo viên, năm nay Công đoàn ngành giáo dục TPHCM có kế hoạch chăm lo Tết Giáp Ngọ năm 2014 cho cán bộ, giáo viên. Theo đó, công đoàn các cấp phối hợp công khai kịp thời tiền lương, tiền thưởng để người lao động an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở phải cử cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát việc trả lương, thưởng cho người lao động. Với những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng quà và tiền mặt mức thấp nhất là 200.000 đồng/trường hợp.
Công đoành ngành cũng hỗ trợ tiền vé xe về quê cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động ngoài thành phố, là đoàn viên công đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ít nhất 3 năm liền chưa về quê. Những đối tượng cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động bị nợ lương hoặc bị thôi việc do hết hạn hợp đồng lao động trong thời điểm tổ chức chăm lo Tết nhưng đơn vị không thưởng Tết cũng sẽ được quan tâm.
Ngoài ra, ngành giáo dục TPHCM cũng vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhằm tạo nguồn kinh phí trong việc chăm lo cho cán bộ, giáo viên- nhất là các trường hợp khó khăn để đảm bảo mọi người đều có Tết.
Gia đình xã hội