‘Tỉ phú’ ve chai
Mua về một chiếc thùng sắt, đập ra thấy 5 triệu yen Nhật (khoảng 1 tỉ đồng), chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) bỗng dưng được nhiều người mặc định là “tỉ phú”.
Một năm trôi qua, ngày chị Hồng được nhận “lộc trời” đang đến gần. Họ hàng, người thân và cả vợ chồng chị đang hồi hộp đếm ngược từng ngày.
“Có tiền vừa vui nhưng lại đâm lo”
6 giờ một ngày đầu tháng 4, chúng tôi có mặt tại căn nhà ở hẻm 84 Trần Văn Quang (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã thấy chị Hồng trong bộ quần áo lao động cũ mèm, chuẩn bị một ngày làm việc như thường lệ. Mặc dù biết mình có thể sắp được sở hữu một số tiền lớn nhưng hằng ngày chị vẫn làm việc cật lực từ sáng sớm tới đêm khuya, bắt đầu bằng việc phân loại đống ve chai thu mua từ tối qua.
|
“Đồ đạc trong phòng tôi bây giờ từ nồi cơm điện, quạt, tủ, nệm, chiếu... ngay cả chiếc bát ăn cơm cũng là đồ lượm lại từ đống ve chai. Người ta giàu có, đồ hơi cũ đã thay, mình mua về rửa sạch... xài đỡ. Vậy mà so với nhiều người ở quê vẫn còn sang lắm rồi”, chị Hồng cười rồi lỉnh kỉnh đẩy xe ra khỏi nhà.
Chúng tôi hỏi: “Nếu được nhận số tiền cả tỉ đồng, chị có ý định bỏ nghề?”. Không chần chừ, chị Hồng đáp ngay: “Vợ chồng tôi ít chữ, tôi còn đỡ chứ ông xã thì hoàn toàn mù tịt, vậy bỏ nghề này chúng tôi sẽ làm gì đây?”.
Rồi chị kể: “Mới 19 tuổi, tôi đã theo chồng, gồng gánh vào Sài Gòn mưu sinh. Ít chữ lại nghèo nên chọn nghề thu mua ve chai là phù hợp nhất. 16 năm làm bạn với đồ hỏng, đồ cũ đã thấy quen. Nghề nó nuôi mình, bây giờ bỏ... thì không biết làm gì!”.
Từ Quảng Ngãi vợ chồng chị Hồng khăn gói vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Thuê nhà ở cùng cả chục người đồng hương, ngày ngày vắt mồ hôi, sức lực lấy công làm lãi tích góp gửi từng đồng về quê nuôi con ăn học.
Vợ chồng chị chưa bao giờ dám nghĩ một ngày mình lại được sở hữu một số tiền lớn “mơ còn không thấy” như vậy. Suốt hơn một năm từ ngày nhặt được số tiền, chị khắc khoải, mong mỏi... và nhiều đêm thức trắng vì hồi hộp.
“Càng tới gần ngày công an định đoạt số phận của 5 triệu yen tôi càng căng thẳng. Mấy đêm nay tôi toàn thức trắng. Phần vì lo lắng không biết số tiền nhận lại sẽ được là bao nhiêu. Sau khi nhận lại rồi không biết có được yên ổn không...
Không khéo tưởng phúc nhưng lại gặp họa. Cứ miên man nghĩ thế nên mấy ngày này tôi nuốt cơm không trôi. Tối nào cũng thao thức tới khuya, gần sáng mới ngủ được. Có tiền vừa vui nhưng lại đâm lo”, chị Hồng thổ lộ.
Suốt buổi sáng, chúng tôi cùng chị Hồng đi qua nhiều con hẻm ở P.10, Q.Tân Bình. Giữa trưa, trời nắng gắt, một người đàn ông gọi chị lại để bán một đống sắt phế liệu.
Sau khi thỏa thuận giá cả, chị Hồng nâng đống sắt khá nặng cao tới ngang hông, chưa kịp đặt vào xe thì người đàn ông bảo chị hạ xuống không bán nữa vì “bán 150.000 đồng rẻ quá”.
Chị Hồng từ từ hạ sắt xuống, mặt đầm đìa mồ hôi, tái đi vì cái nóng hầm hập. Thấy thế, một số người buôn bán gần đó nói chen vào: “Thôi bán cho chị ấy đi, phụ nữ yếu đuối mà bắt mang lên vác xuống hoài tội nghiệp, có đáng bao nhiêu đâu...”.
Nhưng người đàn ông này vẫn không chịu bán: “Mấy cô không biết chứ bây giờ nó là tỉ phú đấy, thiếu gì tiền mà phải bán rẻ...”. Nghe vậy, chị Hồng cúi mặt đẩy xe đi, nước mắt rưng rưng.
Chia “lộc trời” cho người cùng khổ
Ngày 28.4 là tròn một năm chị Hồng giao 5 triệu yen Nhật cho công an. Đến ngày này, nếu không có chủ nhân số tiền đến nhận, số tiền sẽ thuộc về chị Hồng. Nhiều người bảo chị rằng số tiền đó không phải do mình đổ mồ hôi nước mắt làm ra thì nếu có nhận được cũng đừng nên vui, không nhận được cũng chẳng nên lấy đó làm buồn.
Còn chị nghĩ: “Khi tôi nhặt được cái ly, cái tách người ta bỏ đi tôi cũng lấy làm vui, tại gia đình mình nghèo, đến nỗi cái nồi cơm điện trong nhà cũng là đồ lượm được rồi gửi về quê nên chưa bao giờ tôi mơ thấy mình có được một trăm triệu. Khi may mắn nhặt được số tiền này tôi vui lắm.
Tôi không nghĩ được gì khác ngoài việc mái nhà của mẹ tôi sẽ được thay ngói mới, cái nhà vệ sinh xa tít ngoài vườn sẽ được chuyển vào trong nhà để lúc trái gió hai cụ không phải dìu nhau ra xa tận cuối vườn”.
Chị Hồng cũng cho biết, nếu nhận được số tiền “trời cho”, chị sẽ mua thật nhiều gạo tặng những người khuyết tật và trẻ mồ côi. “Họ khổ mình cũng khổ, chi bằng chia nhau chút lộc trời. Mua cho họ một số gạo giúp cải thiện bữa ăn hằng ngày. Họ no thì mình vui”, chị Hồng chia sẻ.
Trong căn phòng trọ lẫn lộn đủ thứ mùi không lấy gì làm dễ chịu, chị Hồng bộc bạch: “Ve chai là nghề rất cực, chân tay quần áo không lúc nào được sạch sẽ, nhà cửa cũng không được thơm tho, nhưng nó là nghề chân chính. Nó cho con tôi nét chữ, dạy tôi biết quý trọng từng đồng tiền mình vất vả làm ra.
Nó khiến tôi dễ đồng cảm, chia sẻ hơn với những người nghèo khó, bất hạnh. Những đồng tiền nghề này đem lại là tiền sạch, tiền mồ hôi nước mắt. Nếu được cho nhận lại số tiền nhặt được tôi vẫn sẽ làm việc chăm chỉ như khi chưa có số tiền này”.
Có người tới nhận lại, tôi sẽ trả ngay! Nhớ lại hôm tìm được tiền trong cái thùng sắt, chị Hồng xúc động: “Nhặt được tiền mà mình cứ tưởng ấy là tiền giả vì lâu nay cũng chưa biết đồng tiền nước ngoài tròn dẹt thế nào. Ai đi qua ghé vào xin tôi cũng cho, người một tờ, người hai ba tờ. Biết là tiền thật người ta bảo là yen Nhật tôi vẫn cho vì nghĩ là chia sẻ. Chỉ đến khi người ta kéo vào đông quá, họ đứng bít hết căn nhà thuê đến nỗi tôi phải chạy vào trong góc trốn và tôi tự giao nộp tiền cho cơ quan công an để họ tìm lại chủ số tiền. Nếu có người tới nhận lại, tôi sẽ trả lại ngay...”. Chúng tôi hỏi: “Trả rồi chị có tiếc?”, người phụ nữ lam lũ thật thà: “Tiếc chứ, nhưng cái gì không phải của mình thì không nên tham”. |
Theo Thanh Niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo