Tiên Lãng và cơ hội sửa sai
Mọi sai lầm đều từ đó mà ra
"Hễ có vướng mắc nào phát sinh thì người ta lại an ủi lẫn nhau rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng mọi sai lầm đều từ đó mà ra", Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc bắt đầu câu chuyện.
Ông Nguyễn Đình Lộc cho hay, Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Chỉ đến Hiến pháp năm 1980 mới quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Quan điểm này nhanh chóng được chấp nhận, bởi lẽ đây là thời điểm người dân đang sản xuất, làm ăn theo mô hình hợp tác xã, mối quan hệ gắn bó với đất đai chưa mấy chặt chẽ, nguồn lợi từ đất đai chưa được phát huy. Chỉ đến những năm gần đây, nhiều mâu thuẫn phát sinh mới làm bộc lộ bất cập trong quy định về chế độ công hữu. Theo ông Lộc, trong lịch sử, đất đai không phải lúc nào cũng là vàng bạc, là tài sản. Đã có lúc nguồn tài sản này chưa được coi trọng đúng mức.
"Người cày có ruộng là lời hiệu triệu, nhưng nông dân đã thực sự làm chủ ruộng đất được bao nhiêu năm?", ông Lộc nói
Không riêng ông Lộc, cả hai vị khách mời tham gia cuộc tọa đàm đều thống nhất quan điểm, chế độ "sở hữu toàn dân" về đất đai đang bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải có một bước đột phá mới, tiến dần tới công nhận "đa sở hữu".
Theo ông Đặng Hùng Võ, chính quy định về thời hạn giao - thu hồi đất và hạn điền luôn treo lơ lửng trên đầu mỗi người nông dân và trước mỗi thửa ruộng. Điều đó đã hạn chế động lực làm giàu của người dân. Chưa kể, sở hữu toàn dân chứa đựng rất nhiều nguy cơ tham nhũng, mà trực tiếp nhận là ở khâu "thu hồi đất".
Từ sau 1980, Hiến pháp và Luật đất đai đã được sửa đổi nhiều, nhưng riêng điều khoản về chế độ sở hữu đất đai vẫn "dậm chân tại chỗ". Theo phân tích của ông Nguyễn Đình Lộc, nhiều người không dễ dàng "buông" quy định này, bởi cơ chế "nhà nước quản lý" mang lại không ít nguồn lợi hấp dẫn cho một bộ phận quan chức và nhà đầu tư.
Còn nói như ông Đặng Hùng Võ, nhiều nhà lý luận e sợ rằng thay đổi chế độ sở hữu về đất đai có thể gây tác động xấu đến định hướng xã hội chủ nghĩa. Xa rời sở hữu toàn dân có thể coi như xa rời linh hồn của "xã hội chủ nghĩa". Mặt khác, cũng có không ít lo ngại khi nhà nước thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng đất đai rơi vào túi một số ít người có tiền.
Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển nông thôn Đặng Kim Sơn chia sẻ thêm, chuyển hình thức sở hữu, nhiều người bày tỏ quan ngại về tình trạng bất bình đẳng xã hội. Những người từng một thời bị xem là địa chủ, chủ đồn điền cũ... có thể sẽ quay trở lại đòi quyền sở hữu đất.
Nguy cơ khác là tình trạng đất đai sẽ được thâu tóm vào tay một số ít cá nhân. Những người nông dân vô sản khác có thể sẽ phải đi làm thuê, làm mướn. Vậy là tái diễn tình trạng bóc lột.
Dẫn lại các ý kiến trên, ông Đặng Kim Sơn đồng thời khẳng định, vẫn có công cụ hữu ích để ngăn ngừa những nguy cơ trên và Việt Nam nên học các nước.
Sửa Hiến pháp: cơ hội để thay đổi.
Trước mắt, để công nhận đa sở hữu đất đai phải bắt đầu ngay bây giờ từ việc sửa đổi quy định trong Hiến pháp 1992, ông Sơn đề xuất. Bởi lẽ, ngoài đất nông nghiệp, câu chuyện về quyền sở hữu tại các nông lâm trường quốc doanh hiện nay cũng tồn tại nhiều vấn đề.
"Chuyện ai sở hữu cần phải được làm rõ, đất cần phải có chủ. Phần nào thuộc về nhà nước, phần nào thuộc về tư nhân phải rõ ràng. Ngoài ra, chế tài cũng phải rất mạnh và được quy định ngay trong Luật đất đai", ông Sơn nói. Có như vậy mới hạn chế được một số nguy cơ mà không ít người đang lo ngại, như tình trạng hồi tố đất đai hoặc tích tụ ruộng đất chỉ để đầu cơ sinh lời.
"Còn nếu cứ duy trì tình trạng như hiện nay, chỉ dẫn đến tụt lùi. Hiện chỉ có khoảng 1% trong hơn chục triệu hộ nông dân của cả nước sản xuất làm ăn ở quy mô trang trại, đây là một tỷ lệ rất thấp so với nhiều nước", ông Sơn phân tích.
Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, kể cả trong trường hợp Hiến pháp vẫn tiếp tục công nhận sở hữu toàn dân thì vẫn nên thu hẹp quyền giao đất, thu hồi đất của nhà nước. Thay vào đó, nên áp dụng quyền trưng dụng, trưng mua của người dân. Cơ chế trưng mua, trưng dụng cũng phải rất chi tiết, thận trọng và chỉ nên áp dụng với các dự án vì lợi ích quốc gia.
"Sửa ngay toàn bộ thì không đơn giản, có vẻ hơi khó. Tôi cho rằng nên tìm cách để có một bước đi thận trọng, theo hướng mở ra dần dần", ông Nguyễn Đình Lộc đề xuất.
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, điều đáng lo ngại là phải lường được trước các hệ lụy kéo theo nếu công nhận sở hữu toàn dân. Hậu quả đến đâu, như thế nào cũng cần được cân nhắc.
Lắng nghe phân tích của ông Lộc, ngay lập tức ông Đặng Hùng Võ quay sang nói: "quan trọng là nếu có ý chí quyết tâm phải làm và muốn làm bằng được". Thực tế, như ông Võ chỉ ra, hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận hai hình thức sở hữu phổ biến là sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước. Hiện chỉ còn 8 nước duy trì độc nhất sở hữu toàn dân, đó là Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Cuba và một số nước SNG.
Với Việt Nam, sửa Hiến pháp 1992 và Luật đất đai 2003 lần này chính là một cơ hội để thay đổi.
Lê Nhung (lược thuật)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc