Tin tức - Sự kiện

Tiến sĩ trả tiền để tháo chạy vì bị đặt nhầm ghế

Dù là tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài, song về làm việc tại một sở với nhiều vai và 5 lần chuyển vị trí khiến vị tiến sĩ này chọn cách ra đi. Đó là trường hợp của tiến sĩ V.Đ.Q. (33 tuổi) - tốt nghiệp ngành công nghệ hóa học tại Trường ĐH Ulsan (Hàn Quốc).

Điều chuyển thử thách nhân tài

Với kỷ lục một năm, 5 lần điều chuyển, Tiến sĩ Q. không còn đủ kiên nhẫn để trụ lại làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu.

Các quyết định thuyên chuyển công việc của ông Q

Vốn tốt nghiệp ngành công nghệ hóa học tại Trường ĐH Ulsan (Hàn Quốc) năm 2011, Tiến sĩ Q về Bạc Liêu theo tiếng gọi của chính sách thu hút nhân tài. Sau đó ông được Sở Nội vụ Bạc Liêu tiếp nhận, bố trí công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ.

Khi vừa nhận công tác tại Bạc Liêu (tháng 6/2011), ông Q. được Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này ký hợp đồng làm việc tập sự tại văn phòng sở.

Hơn một tháng sau, ông Q. lại được điều chuyển qua làm chuyên viên văn phòng quản lý khoa học cơ sở.

Tổng cộng trong thời gian hơn một năm (tháng 6/2011 đến tháng 7/2012) ông Q. được điều chuyển 5 lần qua các nhiệm vụ: chuyên viên phòng quản lý sở hữu trí tuệ, chuyên viên văn phòng sở, phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Sở Khoa học và công nghệ.

Đáng chú ý, lần điều chuyển làm Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng, ông Q. “rớt” từ ngạch công chức xuống viên chức.

Ngày 4/1/2013, ông Huỳnh Minh Hoàng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với ông Q. để bố trí công tác khác.

Lý giải về việc thuyên chuyển nhiều lần, ông Hoàng giãi bày: “Đó là thử việc chứ không phải điều chuyển. Thử việc vòng vòng như vậy để hiểu về hoạt động của sở, xong mới bố trí vào các vị trí công việc được”.

Khi được "thu hút" về Bạc Liêu, ông Q được nhận hỗ trợ theo chính sách là 200 triệu đồng nhưng sau đó ông đã hoàn trả số tiền này cho tỉnh và công tác đến tỉnh khác (Cà Mau).

‘Hút’ bằng lương chưa đủ

Theo kết luận của Sở Nội vụ Bạc Liêu, việc sử dụng một số chức danh tại Sở Khoa học và Công nghệ chưa phù hợp, phân công trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chưa đúng sở trường, sử dụng nhân lực văn phòng chưa đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể, có trường hợp một thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh, một thạc sĩ chuyên ngành bệnh học thủy sản về công tác theo diện thu hút nhân tài đều đã được phân công làm chuyên viên tại...văn phòng sở.

Việc xin chuyển công tác của người được thu hút là do cá nhân đó chưa hài lòng trong nhiệm vụ được phân công. Kết luận của Sở Nội vụ cũng nêu: “... Sở chưa xác định đúng vị trí việc làm cho công chức viên chức nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Trong thời gian ngắn có sự phân công nhiều vị trí, làm cho các cá nhân được thu hút không ổn định công tác, chưa tạo tâm lý để người được thu hút phát huy chuyên môn”.

Hiện chính sách thu hút nhân tài của tỉnh Bạc Liêu, chuyên gia giỏi về tỉnh được hỗ trợ đến 1 tỉ đồng, giáo sư - tiến sĩ là 500 triệu đồng, phó giáo sư - tiến sĩ 400 triệu đồng, tiến sĩ là cán bộ công chức nơi khác chuyển về là 300 triệu đồng, tiến sĩ tốt nghiệp sau đại học chính quy là 200 triệu đồng... cùng hỗ trợ về nhà ở công vụ.

Được biết, theo chính sách thu hút nhân lực của tỉnh Cà Mau - nơi ông Q. về làm việc, tiến sĩ được hỗ trợ 300 lần mức tương tối thiểu chung, tức 312 triệu đồng, cao hơn ở Bạc Liêu trên 100 triệu đồng.

Mới đây nhất, Hà Nội cũng đưa ra chính sách đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu (mức 1,05 triệu đồng/tháng) tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận, xét đặc cách không qua thi tuyển, cho phép mua nhà, thuê nhà theo chính sách ưu tiên, hỗ trợ việc học sau đại học cho những người thuộc đối tượng trọng dụng nhân tài.

Nếu đào tạo sau đại học trong nước, người học được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1,5 mức lương tối thiểu, hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng 30 lần mức lương tối thiểu và luận án tốt nghiệp tiến sĩ bằng 80 lần mức lương tối thiểu.

Tuy nhiên, giới chuyên môn từng cảnh báo nhiều lần rằng lương quan trọng, song đó chưa phải là điều kiện quyết định để nhân tài thực sự phát huy được hiệu quả và gắn bó.

Bài học của Bạc Liêu đã một lần nữa minh chứng điều này.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo