Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN: Đổi mới đã làm thay đổi một dân tộc
Theo ông, thành tựu lớn nhất sau gần 30 năm đổi mới là gì?
Đó là đổi mới phương thức phát triển, biến VN từ nền kinh tế nông nghiệp khép kín, lạc hậu sang nền kinh tế thị trường, không phải thị trường manh mún mà thị trường mở cửa. Thành tích đó thể hiện qua thành tích về tăng trưởng GDP, thu hút đầu tư, tỷ lệ thoát nghèo…
Kinh tế VN bao nhiêu năm nay với hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau, con người đi sau rốt" nhờ đổi mới đã thoát khỏi hình ảnh đó. Chuyển sang nền kinh tế mở, bước đầu tiếp thu công nghệ thế giới. Đó là sự đổi đời ghê gớm. Cũng nhờ đó VN đã vào nhóm nước có thu nhập trung bình, thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp. Dù ai có thể phàn nàn gì nhưng sự thay đổi đó đã thay đổi số phận một dân tộc.
VN có thể làm nhiều hơn thế không, thưa ông?
Chúng ta có thể làm được nhiều hơn cái ta có thể làm. Ta so với ta thì thấy bước tiến là vĩ đại, nhưng so với mức tiến của thế giới thì ta tụt ở mức rất xa. Như Hàn Quốc, cũng là một nước xuất phát từ chỗ rất khó khăn, cũng bước ra khỏi chiến tranh mới 30 năm nhưng họ đã thành một nước phát triển, có năng lực sáng tạo, làm chủ được công nghệ, kể cả năng lực quản lý hiện đại. Ta chưa tận dụng hết cơ hội phát triển, có những vấn đề trong cách phát triển. VN thực sự có khát vọng phát triển rất lớn và các điều kiện phát triển không phải không có thuận lợi, không thua kém, nhưng vì sao chưa đạt? Nếu trả lời những câu hỏi đó một cách nghiêm túc, tỉ mỉ thì sẽ mau chóng hơn tìm ra lời giải cho phát triển trong giai đoạn tới.
Điều gì đã khiến quá trình đổi mới chưa hoàn toàn thành công như ông vừa phân tích?
Ta đổi mới trong giai đoạn đầu là tốt. Nguồn lực nào bị trói khi được cởi đã bung rất mạnh, như bùng nổ hoạt động doanh nghiệp, nông dân tự do sản xuất… tất cả chứng minh tiềm năng của nền kinh tế là lớn. Nhưng phương thức chỉ giúp giai đoạn đầu, giai đoạn sau lẽ ra phải thay đổi. Ta lại cứ tưởng dễ thế mãi mà không biết rằng, tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, xuất khẩu nông sản thô, bơm tín dụng… chỉ là mô hình tăng trưởng đẳng cấp thấp. Việc duy trì thể chế cũ quá lâu, phân bổ xin - cho quá lâu, phân bổ quyền lực trung ương - địa phương đã làm phân tán nguồn lực... Ta phân bổ nguồn lực sai. Phân bổ ban đầu chỉ chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo nhưng để leo tiếp lên những bậc thang thì ta chưa làm được. Có vẻ như ta quên mất việc đã chuyển qua thị trường thì phải để thị trường hoạt động. Nếu thị trường hoạt động tốt, nó sẽ làm được việc phân bố nguồn lực có hiệu quả.
Trong giai đoạn tới, theo ông quá trình đổi mới cần tập trung giải quyết những vấn đề gì, theo cách thức nào?
Chúng ta phải xác định, cấu trúc kinh tế giờ là kinh tế thị trường, lực lượng lớn nhất là kinh tế tư nhân, có thành phần đầu tư nước ngoài lớn mạnh… thì phải làm chính sách phục vụ. Nhà nước phải lãnh đạo quá trình hội nhập, luôn thay đổi theo luật chơi thế giới nên năng lực, cấu trúc, bộ máy phải thay đổi. Ta chuyển sang kinh tế thị trường nhưng ta vẫn còn quá e ngại thị trường, sợ nó tuột khỏi tầm tay, sợ tư nhân quá nhiều không kiểm soát được nên cố tình làm cho quá trình thị trường hóa chậm đi mà không hiểu rằng, thị trường càng mạnh thì càng thúc đẩy kinh tế phát triển.
Do việc đổi mới mô hình tăng trưởng chậm, kinh tế những năm gần đây khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa nhiều... nên đã thành áp lực tự nhiên cho cải cách. Chính phủ đã có những tín hiệu rõ ràng hơn như thúc ép, đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thay đổi cơ chế đầu tư công, rà soát, loại bỏ các quy hoạch kém để nhà nước chỉ làm dự án lớn, đảm bảo nguồn lực và tiến độ... Đây là những hướng đi mới, rất đúng đắn nhưng phải làm mạnh hơn nữa, song song với những giải pháp để thoát khỏi những điểm tắc nghẽn hiện nay như nợ xấu, thị trường bất động sản đóng băng…
Trong giai đoạn tới, tôi nghĩ, có nhiều điều ta phải thay đổi để tiến vượt lên. Ví dụ, tư duy về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải thay đổi. Thu hút FDI không phải chỉ tạo ra sản lượng, việc làm mà phải kéo kinh tế VN vào sâu hơn nền kinh tế thế giới, với công nghệ hiện đại. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ta phải là nhân lực công nghệ cao hướng tới công nghệ cao trong chuỗi của thế giới. Chúng ta phải xác định lại mô hình công nghiệp hóa, một định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là thế nào cho rõ ràng, cụ thể vì chưa rõ hình hài thì không thể có một chiến lược, một chương trình hành động cho đúng.
Trong giai đoạn tới, có nhiều điều ta phải thay đổi để tiến vượt lên. Ví dụ, thu hút FDI không phải chỉ tạo ra sản lượng, việc làm mà phải kéo kinh tế VN vào sâu hơn nền kinh tế thế giới, với công nghệ hiện đại. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ta phải là nhân lực công nghệ cao...
Cần cải cách nhanh hơn, mạnh hơn
Quá trình đổi mới cần phải tiếp tục với tốc độ lớn hơn. Tôi nghĩ rằng nên mở rộng cuộc cải cách một cách toàn diện cả về chính trị, văn hóa, kinh tế và giáo dục để đạt được sự tăng trưởng một cách căn bản. Vì nếu không cải cách giáo dục thì không có lực lượng lao động cho giai đoạn mới. Nếu không cải cách văn hóa thì xã hội không được động viên, xã hội không có môi trường tinh thần tốt, mà như thế thì không thể nào cải cách chính trị được. Không có cải cách chính trị tức là không có sự sửa đổi một số yếu tố cơ bản của thể chế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Trần Bạt
Chủ tịch InvestConsult Group
Phải dứt khoát trong tư duy
Công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu, như trong lĩnh vực kinh tế đã từng bước cởi trói cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thu hút được đầu tư nước ngoài... bước đầu hình thành một môi trường kinh tế có cạnh tranh. Nhưng nhìn lại gần 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa rõ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào. Trong nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn là chủ đạo, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi dù hoạt động trì trệ, kém hiệu quả. Gần đây, ta có nhiều cố gắng đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng thực chất, nhà nước vẫn muốn giữ vai trò điều hành. Không có quốc gia nào để công chức điều hành doanh nghiệp mà thành công được. Hiện nay, đang có rất nhiều bế tắc trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, môi trường... tất cả do những yếu kém trong quản lý mà ra. Cho nên, trong giai đoạn cải cách tới, cần phải có sự dứt khoát trong tư tưởng, đặc biệt là cải cách trong quản lý nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất