Pháp luật

Tiền sử bệnh tâm thần có giúp Hào Anh thoát tội?

Người bào chữa cho Hào Anh hiện đang làm các thủ tục đề nghị không truy tố mà thay vào đó sẽ đưa đi chữa bệnh do Hào Anh có tiền sử bệnh tâm thần.

Công an huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã bắt giam Nguyễn Hoàng Anh (19 tuổi, tức Hào Anh) để điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản. Người bào chữa cho Hào Anh hiện đang làm các thủ tục đề nghị không truy tố mà thay vào đó sẽ đưa đi chữa bệnh do Hào Anh có tiền sử bệnh tâm thần. Đề nghị này có đúng luật hay không?  Ông Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) trả lời: 

- Thưa ông, tiền sử bệnh tâm thần có “giúp” Hào Anh thoát tội trộm?

Tiền sử bệnh tâm thần không phải là căn cứ mặc định loại trừ trách nhiệm Hình sự cho các bị can, bị cáo. Một người mắc bệnh tâm thần chỉ được miễn đi tù khi có đủ hai điều kiện sau:

Hào Anh và đồng bọn bị bắt vì hành vi trộm cắp
Hào Anh và đồng bọn bị bắt vì hành vi trộm cắp

Thứ nhất, thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.

Thứ hai, có kết luận giám định đang mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS).

- Người bào chữa cho biết sẽ đề nghị Tổ chức giám định pháp y tâm thần tỉnh Cà Mau cấp giấy chứng nhận về tình trạng bệnh lý tâm thần của Hào Anh?

Kết quả giám định hay giấy chứng nhận tâm thần do người bào chữa tự đề nghị một tổ chức giám định cung cấp, là không có giá trị pháp lý. Lý do như sau: BLTTHS quy định cơ quan tiến hành tố tụng “bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ”.

Như vậy, chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới có thẩm quyền yêu cầu tổ chức giám định thực hiện giám định tâm thần đối với Hào Anh.

 

- Muốn trưng cầu giám định tâm thần cho Hào Anh, phải qua thủ tục gì?

Theo BLTTHS, thủ tục tiến hành trưng cầu giám định thần được tiến hành như sau:
Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định.

Sau khi đã tiến hành giám định, nếu người được giám định và những người tham gia tố tụng khác yêu cầu thì cơ quan đã trưng cầu giám định phải thông báo cho họ về nội dung kết luận giám định.

Người được giám định, những người tham gia tố tụng khác được trình bày những ý kiến của mình về kết luận giám định, yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Những việc này được ghi vào biên bản.

Trong trường hợp Cơ quan điều tra không chấp nhận yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại  thì phải nêu rõ lý do và thông báo cho họ biết. 

 

- Ông có thể nêu ra các tình huống pháp lý sau khi có kết luận giám định tâm thần của Hào Anh?

Tuỳ thuộc vào kết quả kết luận giám định, sẽ xảy ra ba trường hợp sau:

Thứ nhất, Hào Anh không mắc bệnh thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Khi đó, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục điều tra, truy tố, xét xử Hào Anh theo quy định.

Thứ hai, Hào Anh mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vitrong khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Trường hợp này, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Hào Anh do thuộc trường hợp “hành vi không cấu thành tội phạm”. Cụ thể, hành vi trộm cắp tài sản của Hào Anh được thực hiện trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Sau đó, Hào Anh phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Thứ ba, Hào Anh mắc bệnh tâm thần sau khi gây án. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra. Tiếp đó, Hào Anh cũng sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. 

 

- Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh?

Khoản 2 Điều 311 BLTTHS quy định: “Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án”. Vụ án đang trong giai đoạn điều tra nên thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thuộc Viện kiểm sát.

- Trường hợp Hào Anh vẫn phạm tội nhưng phải buộc phải đi chữa bệnh tâm thần, thì sau khi khỏi bệnh sẽ có những thủ tục nào được thực hiện?
Căn cứ Điều 12 và Điều 13 Nghị định 64/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì những thủ tục sẽ được thực hiện gồm:
- Khi đối tượng đã khỏi bệnh, Thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thông báo cho cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để yêu cầu Hội đồng giám định pháp y tâm thần tiến hành giám định về tình trạng bệnh.
- Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, Viện kiểm sát sẽ ra quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này. 
- Sau khi có Quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, sẽ phục hồi các hoạt động tố tụng đã tạm đình chỉ, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng, tiếp tục điều tra xét xử
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đêm một ngày giữa tháng 5 Hào Anh chở em họ Phan Thảo Duy (20 tuổi) đến cơ sở mình làm thuê. Trong khi Duy ở ngoài canh chừng, Hào Anh lẻn vào trong lấy bộ máy vi tính mang về nhà trọ cất giấu.

Hôm sau, nam thanh niên vẫn đi làm nhưng nửa chừng bỏ về. Nghi ngờ Hào Anh liên quan, chủ cơ sở báo công an. Khi cảnh sát đến phòng trọ của cậu đã tìm thấy tang vật. Hào Anh và cô em họ thừa nhận hành vi. Mẹ Hào Anh cho hay, trước đó, thông qua một người quen đang làm công nhân tại cơ sở nước tương ở huyện Đơn Dương, người mẹ gửi con đến làm việc.

 

"Tôi muốn Hào Anh cách ly với nhóm bạn xấu ở gần nhà. Nhưng không ngờ khi lên đó rồi nó lại càng hư hơn", bà nghẹn giọng.Bảy năm trước, Hào Anh làm thuê tại trại tôm giống Minh Đức ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Cậu bé 14 tuổi nhiều lần bị ông bà chủ ép uống nước tiểu, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người...

Hai năm sau, Hào Anh được giải cứu đưa đi điều trị với thương tích gần 70%. Khi tròn 18 tuổi, cậu nhận được hơn 700 triệu đồng các nhà hảo tâm hỗ trợ, và lập tức sa vào con đường ăn chơi phá phách. Hồi tháng 8 năm ngoái, sau khi đập phá đồ đạc và đuổi bà cùng cha dượng ra khỏi nhà, Hào Anh bị địa phương xử phạt hành chính, đã xin lỗi cha mẹ trước bà con làng xóm. Cậu sau đó tuy có sửa đổi tính tình, nhưng vẫn thường tụ tập bạn bè về nhậu nhẹt thâu đêm, thường xuyên đi vũ trường, quán bar…  

Theo Báo Pháp luật VN
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo