Tiếng Việt trên đất Thái
Chị Pa chỉ tay về phía bảng hiệu phía trước một nhà hàng Việt Nam ở Bangkok và hỏi tôi: “Nhà báo nhìn bảng hiệu đó có thấy gì không?”. Tôi ngơ ngác vì tấm bảng chả có gì đặc biệt ngoài cái tên bằng tiếng Việt và những dòng giới thiệu các món ăn.
Chị nhìn tôi cười rồi nói: “Những dòng chữ Việt đơn giản như thế nhưng phải trải qua một chặng đường khá dài mới xuất hiện được ở mảnh đất này đấy!”. Câu nói của chị càng làm tôi ngạc nhiên bởi hàng chục năm nay nhà hàng Việt Nam xuất hiện rất nhiều trên đất Thái, không xa lạ gì với cộng đồng cũng như các du khách.
Như đọc được những suy nghĩ của tôi, chị Pa nói ngay: “Để tôi nói cho nhà báo nghe. Ngày trước không ai dám giới thiệu là người Việt, tiếng Việt càng không dám dùng vì sợ...”.
Thân phận người xa quê
Nhiều người tin rằng người Việt có mặt ở Thái Lan khá lâu vì có một nhà thờ ở vùng đông bắc nước này được cho là của cộng đồng người Việt xây dựng hơn 300 năm về trước. Tuy nhiên, người Việt ở Thái Lan với số lượng lớn kể từ thời kỳ Pháp thuộc, họ di cư sang đây chủ yếu để lánh nạn.
Đến thời kỳ chống Mỹ, người Việt sang Thái Lan nhiều hơn, đông hơn. Nhờ vị trí thuận lợi, Thái Lan được chọn làm “hậu phương” cho cách mạng Việt Nam bên cạnh miền Nam Việt Nam. Với tinh thần yêu nước, bà con kiều bào ở Thái Lan đóng góp nhiều cho cách mạng ở quê nhà.
Chính vì vậy kiều dân Việt bị chính quyền Thái Lan thân Mỹ thời đó đóng cho cái mác “theo cộng sản”, và sử dụng nhiều chính sách để khống chế. Người Việt bị dồn sống tập trung vào 5 tỉnh ở miền đông bắc, không được phép ra khỏi làng, nơi cư trú, mỗi lần đi đâu phải xin phép kể cả qua làng bên. Họ không được học tiếng Thái cũng như tiếng mẹ đẻ và chỉ là công dân hạng hai trên đất Thái.
Chị Pa cho biết chính phủ Thái Lan thời kỳ đó không quan tâm nên kinh tế ở các tỉnh có người Việt sinh sống kém phát triển, cuộc sống khó khăn, vì vậy nhiều người trốn vào Bangkok. Chị Pa nằm trong số những người đó. Chị kể, chị phải cải trang thành người Thái, lấy tên Thái khi trốn vào Bangkok.
Chị mở tiệm may để không bị ai dòm ngó. Chị giải thích chỉ có người “tàng đao” (từ chỉ người di cư, tị nạn của người Thái) mới không có nghề nghiệp ổn định và thường bị chú ý. “Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ bị phạt và buộc quay trở về chỗ ở cũ. Có người còn bị giam trong tù cả tháng trời”, chị Pa chia sẻ.
Không dám nói tiếng Việt
Chị Trần Ánh Tuyết, một người Thái gốc Việt ở tỉnh Pathum Thani, cho biết lúc bấy giờ chính quyền Thái Lan cô lập người Việt nhằm gây khó khăn, nếu không chịu được thì hồi hương, còn nếu ở lại thì phải từ bỏ “quan hệ với cộng sản”.
Chị kể ở mỗi làng xã đều có bọn mật thám theo dõi. Ngay cả những người không có quan hệ gì với phong trào đấu tranh trong nước cũng rất sợ bọn này. Chính sách o ép của chính quyền Thái Lan thời kỳ trước khiến người Việt sợ hãi. Trừ phi ở trong làng, kiều bào không dám nhận là người Việt mỗi khi đi đâu. Họ cũng không dám sử dụng tiếng Việt để giao tiếp trong cộng đồng.
Ông Châu Kim Quới, một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ giải thích, thân phận người Việt không khác kẻ ăn nhờ ở đậu, bị tước bỏ nhiều quyền của một công dân dù sống trong một xã hội dân chủ, vì vậy phần lớn không thừa nhận bản thân. “Cũng vì lý do đó không ai dám nói tiếng Việt kể cả trong gia đình”, ông Quới bộc bạch.
Thăng trầm con chữ
Theo ông Châu Kim Quới, tiếng Việt ở Thái Lan trải qua 3 giai đoạn: thời kỳ bị cấm đoán, bị chối bỏ và được công nhận. Chính sự phát triển chính trị xã hội ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt ở Thái Lan và hình thành nên những giai đoạn này của tiếng Việt.
Trong giai đoạn đầu, dù bị cấm đoán nhưng tiếng Việt vẫn được sử dụng và dạy trong cộng đồng. Giai đoạn tiếp theo vì sợ hãi nên tiếng Việt không còn được coi trọng, bị chính cộng đồng chối bỏ. Tuy nhiên ngày nay tình hình đã khác khi tiếng Việt không chỉ được giới trẻ người Việt yêu thích mà còn là ngôn ngữ thời thượng của người Thái khi nói đến cộng đồng ASEAN. Tiếng Việt được dạy ở trường trung học, đại học và cho cả các giới chức Thái Lan. (Còn tiếp)
Ngôn ngữ được lựa chọn nhiều nhất trong ASEAN Tiến sĩ Sophana Suchampa - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phương Đông thuộc trường ĐH Mahidol, cũng là một trong những giáo viên dạy tiếng Việt đầu tiên ở Thái Lan - nhận định: “Tiếng Việt được xem là một ngôn ngữ được lựa chọn nhiều nhất trong các ngôn ngữ thuộc ASEAN hơn cả tiếng Indonesia, Malaysia. Thái Lan và Việt Nam có nhiều tương đồng về văn hóa, vì vậy ngôn ngữ Việt cũng dễ nghiên cứu đối với sinh viên”.
Bà Sophana thông tin: “Kinh tế Việt Nam đang phát triển cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ Thái Lan quan tâm và muốn học tiếng Việt, nhất là những người có định hướng làm ăn thương mại và đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, tiếng Việt chỉ mới dừng ở mức độ là môn học trong các trường ĐH lớn ở Thái Lan như Chulalongkorn, Thammasat, Mahidol... chứ vẫn chưa phát triển thành khoa nghiên cứu như các ngôn ngữ phổ biến khác như tiếng Anh, Hoa hay Nhật”. |
Theo Thanh Niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Top 10 loài động vật dài nhất thế giới: Vị trí số 1 lên tới 55 mét
Vàng đến từ đâu và được hình thành như thế nào?
Top 5 con ‘quái vật’ bí ẩn gây ám ảnh nhất cho người Việt Nam: Con thứ 2 hoàn toàn có thật trên đời!
Einstein là thiên tài nhưng tại sao con trai ông lại mắc bệnh tâm thần?
Người đàn ông thông minh nhất thế giới với chỉ số IQ 210 tuyên bố không ngờ về những gì xảy ra sau khi con người chết