Tin tức - Sự kiện

Tiếp tục xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm với 2 mức

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, đa số cử tri cho rằng để 3 mức tín nhiệm là không thực chất và đề nghị chỉ hai mức "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp".

Tờ Tuổi trẻ đưa tin, để chuẩn bị công tác lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Trước các thảo luận, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương sẽ trình bày báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm.
 
Qua lần lấy phiếu đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm được dư luận đánh giá cao, coi đây là một hình thức giám sát hiệu quả đối với những người giữ vị trí cao trong bộ máy công quyền.
 
Đại biểu Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
 
Tuy vậy, tổng hợp góp ý sau kỳ lấy phiếu cho thấy còn nhiều ý kiến khác nhau đối với công tác này.
 
Bản tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân của MTTQ VN gửi đến Quốc hội cho thấy nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên có hai hình thức là “tín nhiệm” hoặc “tín nhiệm thấp”, thay vì ba mức như trong lá phiếu đang được thực hiện là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” hoặc “tín nhiệm thấp”.
 
Trước đó, tại phiên họp rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, cũng phản ảnh lại ý kiến của cử tri, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor cho biết, nhóm đại biểu thuộc dân cử tín nhiệm đều cao, còn nhóm chính quyền thấp hơn.
 
Vì vậy, ông đề nghị không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với đại biểu dân cử vì đây là những người ít va chạm với dân. Nếu gặp dân, tiếp xúc với dân thì cũng nói theo luật, theo nghị quyết nên tỷ lệ sai phạm rất hiếm, trừ khi người đó tham ô, nhận hối lộ, đạo đức có vấn đề...
 
"Mục đích của việc lấy phiếu không phải để ca ngợi nhau mà là hàn thử biểu để đánh giá tín nhiệm của người thực thi công vụ", ông nói.
 
Ông cũng đề nghị nên thiết kế phiếu chỉ có hai hình thức là “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, hoạt động cơ quan lập pháp, dân cử là hoạt động tập thể nên người đứng đầu không thể đưa ra quyết định có tính trách nhiệm cá nhân. Điều này khác với bên Chính phủ và các bộ trưởng.
 
"Đấy là thực tế và trên thế giới cũng chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm với cơ quan hành pháp", ông Hiển nói.
 
Theo báo cáo của Ban Công tác đại biểu, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, tổng số 47 người được lấy phiếu, không có người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50%.
 
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân có số phiếu tín nhiệm cao đạt tỷ lệ cao nhất với 372 phiếu, người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cao nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình với 209 phiếu.
 
Còn việc lấy phiếu ở HĐND cấp tỉnh, 2 người ở Gia Lai có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50%. Con số này ở cấp huyện là 12 người (0,2%), cấp xã là 396 người (0,8%) trong đó có 5 người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo