Tìm “chìa khóa” tài chính cho DN nhập khẩu
Đối với các DN nhập khẩu (NK), việc chủ động được nguồn ngoại tệ để linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ quyết định thành công. Để hiện thực hóa điều này, sử dụng dịch vụ của ngân hàng một cách hợp lý sẽ giúp DN tìm được “chìa khóa” cho vấn đề.
Không có nguồn ngoại tệ
Theo quy chế cho vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại chỉ cấp tín dụng cho DN có nguồn ngoại tệ tái tạo trong tương lai, chứng minh có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ. Vì vậy, các DN NK không có nguồn thu ngoại tệ sẽ không được vay USD với lãi suất thấp gần bằng một nửa so với lãi suất cho vay VNĐ. Chị Hoàng Thanh Mai, Giám đốc Công ty CP Viễn Đông (Hà Nội) cho biết, DN của chị nằm trong số những DN chỉ NK, không XK. Mặc dù thật sự có nhu cầu vay USD để phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng sản phẩm làm ra chỉ bán trong nước nên không chứng minh được là có ngoại tệ để trả, do đó, mỗi khi cần ngoại tệ để thanh toán hợp đồng, DN buộc phải mua USD của ngân hàng.
Để gỡ cái khó này cho DN, hệ thống ngân hàng thương mại hiện đã có khá đầy đủ các công cụ hỗ trợ hoạt động XNK của DN. Một cách khá tiện ích cho DN chuyên NK là bao thanh toán: Sau khi DN có hợp đồng NK, các ngân hàng sẽ cho DN vay vốn bằng cách thanh toán tiền mua hàng hóa cho đối tác nước ngoài, sau đó, DN sẽ từng bước trả nợ cho ngân hàng.
Ngoài ra, đối với DN chuyên NK nên tham gia các dịch vụ, chuyển tài khoản tiền gửi thanh toán… tại các ngân hàng để “lọt” vào đối tượng vay vốn với lãi suất thấp bởi ngân hàng có thể theo dõi và kiểm soát được quá trình hoạt động cũng như khả năng trả nợ của DN. Hiện nay nhiều ngân hàng cũng đã thiết kế chuỗi sản phẩm tín dụng liên hoàn dành cho DN XNK, từ khâu thu mua cho đến khâu bao thanh toán hàng hóa. Vấn đề là DN tạo điều kiện cho ngân hàng kiểm soát toàn bộ dòng tiền, tạo dựng cho ngân hàng niềm tin trả nợ để dễ dàng tiếp cận vốn.
Giải pháp lợi đôi đường
Vượt trội hơn về tính năng sử dụng so với những sản phẩm truyền thống, gần đây, một số ngân hàng đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu và giới thiệu với nhóm DN NK sản phẩm thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay (UPAS L/C).
UPAS L/C là giải pháp hoàn hảo với chi phí cạnh tranh cho các DN NK có nhu cầu mở L/C trả ngay/trả chậm bằng vốn vay ngoại tệ của ngân hàng. Với sản phẩm này, bên XK được thanh toán tiền hàng trước ngày đáo hạn của L/C và DN NK được phép trả tiền hàng chậm với thời hạn trả chậm có thể lên tới 360 ngày. Khi DN NK Việt Nam thực hiện phương thức này cũng sẽ có được giá tốt trong hợp đồng mua bán với nhà XK do nhà XK nhận được tiền trước ngày đáo hạn của L/C từ ngân hàng chiết khấu đồng thời được ngân hàng cấp UPAS L/C tài trợ vốn dưới hình thức L/C trả chậm với chi phí thấp.
Một trong những ngân hàng triển khai sớm nhất sản phẩm này là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB). Theo MB, những DN đáp ứng điều kiện của MB sẽ nhanh chóng được cấp UPAS L/C. Cụ thể, DN là nhà NK theo L/C, khách hàng loại A của MB, đã có hạn mức tín dụng với MB, không phát sinh nợ quá hạn trong vòng 12 tháng, đã được MB cấp hạn mức tín dụng. Cùng với MB, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN NK không có nguồn thu ngoại tệ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây cũng triển khai sản phẩm UPAS L/C.
Với sản phẩm này, DN còn nhận được nhiều lợi ích khi hầu hết ngân hàng đưa ra sản phẩm đều có thỏa thuận hợp tác với những ngân hàng lớn trên thế giới. Ví dụ như OCB phát hành UPAS L/C có sự tự động xác nhận của ngân hàng tài trợ JP Morgan Chase (JPM), theo đó DN NK chỉ phải trả các khoản phí tương đương lãi suất cho vay ngoại tệ cực kỳ ưu đãi thay vì lãi suất VNĐ. Hoặc sản phẩm của MB được phối hợp giữa ngân hàng này và một loạt ngân hàng chấp nhận hối phiếu UPAS L/C của MB như Wells Fargo, Scotia Bank, Citibank, Deutsche Bank, ING Bank, JP Morgan, ANZ, UniCredit, Standard Chartered Bank, Credit Agricole, Landesbank và Intesa Sanpaolo.
Một trong những ưu việt của UPAS L/C đối với DN là tìm được địa chỉ thanh toán tin cậy để chủ động trong các phương án kinh doanh. Còn đối với ngân hàng, các ngân hàng sẽ thu được phí dịch vụ UPAS L/C với thu nhập tương đương với dịch vụ cho vay ngoại tệ đối với khách hàng, thúc đẩy hoạt động thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ và dịch vụ khác. Tuy nhiên, xét về góc độ của DN, đây thực sự là một giải pháp tài chính tốt cho DN NK không có nguồn thu ngoại tệ, chủ động được hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế biến động và cạnh tranh hiện nay.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Cột tin quảng cáo