Tìm giải pháp đột phá giải quyết các vấn đề về tài nguyên & môi trường
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà khẳng định như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành tài nguyên và môi trường ngày 8/1.
Nhiều điểm nhấn rõ nét
Một trong những điểm nhấn của ngành TN&MT trong năm 2017 là công tác cải cách hành chính đã có những bước tiến hiệu quả, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Ngành đã thực hiện tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 thủ tục; liên thông 11 thủ tục trong lĩnh vực môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã có sự chuyển biến rất rõ nét, thu tài chính từ đất tăng, chiếm khoảng 12% thu nội địa.
Bộ trưởng cho rằng, nhiều vấn đề dư luận, người dân quan tâm như lãng phí đất đai, cấp GCN đã có chuyển biến với 78.000 ha đất của các dự án chậm triển khai được đưa vào sử dụng, hơn 1,8 triệu giấy GCN được cấp mới. Trong năm 2017, công tác BVMT cũng có chuyển biến lớn, chủ động kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoàn thành kế hoạch khắc phục đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành như: Công ty Formosa tại Hà Tĩnh, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang...
Năm 2017 cũng là năm đánh dấu bước đầu triển khai có hiệu quả chủ trương kinh tế hoá trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với Việt Nam. Ngành TN&MT đã phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông, nhờ đó tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông đã giảm.
Đặc biệt, ngành TN&MT đã hoàn thành việc sơ kết, đánh giá một cách toàn diện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với 2 lĩnh vực quan trọng cho phát triển bền vững đó là đất đai và môi trường. Tổng kết, đánh giá hai chiến lược lớn là khoáng sản và biển đảo, qua đó đã xác định những bất cập, rào cản, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới để sửa đổi 2 đạo luật quan trọng là Luật đất đai, Luật BVMT và ban hành chiến lược mới về khoáng sản và biển. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, tạo động lực cho một giai đoạn phát triển mới.
Nhìn thẳng vào những thách thức
Cùng với kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức đặt ra trong công tác quản lý TN&MT, trong đó nổi lên một số vấn đề cụ thể.
Bộ trưởng đánh giá một số chính sách, pháp luật về TN&MT chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tế, chưa có đột phá lớn để thúc đẩy giải phóng các nguồn lực khác như lao động, khoa học và các nguồn vốn cho phát triển.
Vấn đề quan trọng nữa là nhiều vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp; hiệu quả sử dụng đất còn thấp so với các nước trong khu vực, quản lý đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn hạn chế, để lấn chiếm, tranh chấp.
Bên cạnh đó, an ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức quan trọng, tuy nhiên việc điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông còn chậm; vấn đề bảo vệ tài nguyên nước chưa được chú trọng đúng mức.
Một thách thức lớn nữa là ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả; rác thải chưa trở thành tài nguyên; công nghiệp xử lý rác thải chưa phát triển.
Thách thức đến từ khách quan là tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, diễn biến khó lường trong khi mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý, trang thiết bị vẫn còn lạc hậu dẫn đến chất lượng dự báo xa, dự báo chính xác trong phạm vi hẹp còn hạn chế. Ứng phó với BĐKH đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế, hoạt động điều phối các nguồn lực chưa hiệu quả.
Tìm giải pháp đột phá cho các nhiệm vụ trọng tâm
Để tạo ra được chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, có rất nhiều câu hỏi lớn cần đặt ra đối với toàn ngành mà tại Hội nghị tổng kết cần tập trung thảo luận để tìm lời giải, tìm giải pháp đột phá để thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết là về đất đai, ba câu hỏi lớn cũng là ba yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt ra cho ngành hiện nay là: tại sao hiệu quả sử dụng đất của chúng ta vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực? Làm thế nào để giải quyết có hiệu quả tình trạng lãng phí đất đai, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển KT-XH?
Theo Bộ trưởng, trong thực thi, toàn ngành cần triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý chặt chẽ đất đai, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất, đất để hoang hóa, đất sử dụng sai mục đích, chống thất thoát ngân sách nhà nước từ chênh lệch giá do quy hoạch, do đầu tư hạ tầng. Cần tập trung rà soát xử lý đất của các dự án chậm triển khai; chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định; cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, lấn chiếm, lãng phí đất công. Đồng thời, đảm bảo hoàn thành việc sắp xếp đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp. Thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền của từng cấp, không để tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp.
Bộ trưởng cũng đề nghị, tại hội nghị tổng kết, cần đề xuất những cơ chế đột phá trong sửa đổi Luật BVMT nhằm huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường; chuyển từ BVMT cuối đường ống sang BVMT ở đầu đường ống; kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau.
Một yêu cầu rất lớn đặt ra cho ngành đó là bảo vệ, sử dụng hiệu quả, đảm bảo an ninh nguồn nước; phát huy tốt tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển cho phát triển KT-XH. Về vấn đề này, Bộ trưởng chỉ rõ, cần tập trung hoàn thành việc điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; điều phối, giám sát, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực. Bên cạnh đó, cần giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện bằng công nghệ tự động, trực tuyến.
Về ứng phó với BĐKH và khí tượng thủy văn, yêu cầu về nguồn lực để chủ động ứng phó và nâng cao chất lượng công tác dự báo là rất lớn. Để giải quyết hiệu quả cần thực hiện tốt các hoạt động điều phối; thực hiện lồng ghép vào các kế hoạch phát triển KT-XH, hoạt động đầu tư; thực hiện tốt các cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hướng nghiệp sớm, hình thành đội ngũ lao động trẻ có tay nghề cao
Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng
An Giang bàn giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế
EVNCPC triển khai chương trình ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’
Giải pháp năng lượng xanh cho Đồng bằng sông Cửu Long
Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện đề án Khu thương mại tự do trình Chính phủ