Tín dụng cần Chính phủ gỡ vướng
Chỉ có Chính phủ mới đủ lực tăng sức cầu cho nền kinh tế. Trong khi ngành Ngân hàng đang nỗ lực thực hiện giảm lãi suất, giảm khó khăn cho doanh nghiệp tiếp nhận vốn, nhưng một số ngành khác như xăng dầu, than điện… lại chủ trương tăng giá bán, mà nếu tăng dồn dập và cao quá… sẽ đẩy lạm phát tăng cao, từ đó cản trở quá trình giảm lãi suất...
Tín dụng toàn hệ thống ngân hàng, đến hết quý I/2013 chỉ tăng có 0,1% so với cuối năm 2012. Ngay như TP. Hồ Chí Minh, địa bàn chiếm đến hơn 30% thị phần tín dụng cả nước tháng 1 tín dụng giảm 0,01%, tháng 2 giảm 0,53%; riêng tháng 3 tăng 0,81% so với cuối tháng 2, nên tính chung cả quý I tín dụng mới tăng đạt 0,26% so với cuối năm 2012.
Ngược với tăng trưởng cho vay, mức huy động vốn trong toàn ngành Ngân hàng quý I vẫn tăng trưởng 3,86%. Điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục duy trì ổn định nguồn vốn; ổn định thanh khoản và là cơ sở tốt để tiếp tục thực hiện cơ chế lãi suất của NHTW.
Cơ chế đó, như Thống đốc NHNN đã nêu rõ, là tiếp tục điều hành tích cực, phấn đấu đưa lãi suất cho vay xuống quanh mức 10% trong năm nay.
Theo các chuyên gia, thực tế thị trường, nhất là khả năng lạm phát năm nay ở mức 6-6,5% là hoàn toàn khả thi, thì lãi suất vẫn có thể giảm tiếp. Nhưng so với nhiều năm trước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ khó khăn hơn, vì tín dụng đang bị chặn trước nhiều thách thức vượt tầm giải quyết của bản thân nó.
Đó là tổng cầu của nền kinh tế hiện đang rất yếu. Biểu hiện suy yếu của sức cầu là nợ xấu và hàng tồn kho, đặc biệt là tồn kho bất động sản (BĐS) đã khiến thị trường có quan hệ mật thiết với tín dụng ngân hàng này đóng băng lâu nay.
Tín dụng ngân hàng vướng nợ xấu, nhất là nợ xấu BĐS, đã đến quy mô, mà ai cũng biết là nếu chỉ ngân hàng tự giải quyết, thì sẽ rất khó giải quyết được. Giải pháp cho vấn đề, như việc cần và phải sớm thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), thì hiện vẫn đang chờ quyết định của Chính phủ.
Ngân hàng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp tự giải quyết như cơ cấu lại nợ, xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro… thậm chí có thể áp dụng hình thức tạm khoanh nợ cũ để tiếp tục cho khách hàng vay mới. Tuy nhiên, sản xuất suy yếu, hàng tồn kho nhiều, sức mua của nền kinh tế suy giảm, nên DN cũng giảm vay, là những vướng cản tăng trưởng tín dụng mà ngành Ngân hàng khó có thể giải quyết được.
Chỉ có Chính phủ mới đủ lực tăng sức cầu cho nền kinh tế. Thí dụ như giảm giãn… một số loại thuế liên quan đến thu nhập của cá nhân và DN chẳng hạn. Đây là việc cũng đã có chủ trương, nhưng quyết định thế nào để thực hiện thì từ lâu vẫn chờ.
Bên cạnh đó, trong khi ngành Ngân hàng đang nỗ lực thực hiện giảm lãi suất, giảm khó khăn cho DN tiếp nhận vốn, nhưng một số ngành khác như xăng dầu, than điện… lại chủ trương tăng giá bán, mà nếu tăng dồn dập và cao quá… sẽ đẩy lạm phát tăng cao, từ đó cản trở quá trình giảm lãi suất.
Nguy hiểm hơn là nó sẽ khiến chi phí sản xuất của DN tăng lên, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả giảm lãi suất, đến niềm tin của thị trường. Sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các ngành trong nhiệm vụ giảm giá bán, tăng sức mua, tăng tổng cầu của nền kinh tế, chỉ có thể thực hiện được bởi Chính phủ.
Điều cả nền kinh tế mong chờ hiện nay là đầu tư công rất cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là khâu giải ngân. Vừa qua, do dư vốn nên các NHTM đã mua một lượng khá lớn trái phiếu Chính phủ (TPCP). Thông tin của Kho bạc Nhà nước cho thấy, quý I/2013 huy động TPCP đạt 65.449,5 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm 2013. Riêng Kho bạc đã huy động được 52.857 tỷ đồng qua hình thức đấu thầu, vượt 76% kế hoạch quý I.
Thế nhưng, đầu tư từ khu vực Nhà nước trong quý I chỉ đạt 74,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Trong khi đầu tư công tăng sẽ có tác động thiết thực kích cầu tiêu dùng, gia tăng sức cầu cho nền kinh tế… nhờ đó mà hỗ trợ cho tín dụng tăng trưởng hiệu quả hơn.
Minh Trí
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo