Tín dụng muốn lên phải chờ nhu cầu
Tăng trưởng không nên vội
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 20/9, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 2,35% so với cuối năm 2011. Với đà tăng này, dự báo, tăng trưởng tín dụng cả năm nay chỉ đạt khoảng 5%, bằng một nửa mục tiêu đề ra (8-10%). Tại thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước, tính đến hết tháng 9/2012, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,3% so với cuối năm 2011. Dù đã tung ra nhiều gói hỗ trợ lãi suất, song các ngân hàng vẫn than thở không tìm được khách hàng cho vay.
Đã có một số ý kiến lo ngại cho rằng, tăng trưởng tín dụng thấp sẽ làm sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không nên quá lo lắng về con số tăng trưởng tín dụng.
Ông Nguyễn Trọng Tài, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng (thuộc Học viện Ngân hàng) nhận định: “Chúng ta hay bị cuống về tăng trưởng, trong khi tăng trưởng ở nước ta chủ yếu dựa vào vốn, chứ không dựa vào năng suất, chất lượng. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, cần phải tỉnh táo, thay đổi tư duy”.
Trong khi đó, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên quan tâm đến việc tín dụng tăng trưởng ở mức bao nhiêu, mà phải quan tâm đến chất lượng của dòng tiền, hiệu quả của các khoản vay. Ngay cả mức tăng trưởng tín dụng hiện nay là 2,35%, tiến sĩ Vũ Đình Ánh vẫn cho là “phù hợp” với tình hình kinh tế, do sức hấp thụ của doanh nghiệp chỉ như vậy.
Về phần mình, nhiều doanh nghiệp cho biết, mối quan tâm hàng đầu của họ hiện nay không phải là vay vốn, mà là mối lo về đầu ra, về giải phóng hàng tồn kho. Một khi chưa tìm được đầu ra, doanh nghiệp không có nhu cầu vay thêm vốn.
Cầu nội địa sẽ “kích” tín dụng
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC cho rằng, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh, chỉ còn 9 - 11%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, nhưng khách hàng vẫn không mặn mà vay vốn, do cầu trên thị trường còn rất yếu.
“Tăng trưởng tín dụng sẽ khó tăng mạnh trong thời gian tới, khi cầu nội địa vẫn còn ở mức thấp. Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công và giãn thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách tài khóa này sẽ phải mất một thời gian để tác động đến cầu nội địa. Khi cầu nội địa khởi sắc, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng nhanh. Nói cách khác, khách hàng sẽ chỉ đẩy mạnh vay vốn khi thấy dấu hiệu hồi phục của cầu nội địa”, ông Phạm Hồng Hải nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí cho rằng, cái được lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua là thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, song vẫn còn nhiều “cục máu đông” trên thị trường tiền tệ, như nợ xấu, cuộc đua lãi suất… Để giải quyết những điểm nghẽn này, theo tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, cách duy nhất là dùng tiếng nói của thị trường.
“Cần tái lập cơ chế thị trường ngay cho hệ thống ngân hàng, thay cho các biện pháp hành chính ngày càng dày đặc. Với biện pháp này, lãi suất trước mắt có thể tăng, song sau vài tháng, lãi suất sẽ phải giảm xuống do áp lực cạnh tranh. Khi đó, Ngân hàng nhà nước mới tìm ra được lãi suất thực của thị trường và dựa vào đó để điều hành”, tiến sĩ Phạm Đỗ Chí nhấn mạnh.
Cũng đánh giá cao sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ 9 tháng đầu năm của Ngân hàng nhà nước, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dư địa của chính sách tiền tệ với nền kinh tế đã hết. Vì vậy, Ngân hàng nhà nước không nên tiếp tục “ép” lãi suất, nới lỏng tiền tệ, mà phải tùy thuộc vào lực cầu của thị trường. Thậm chí, tại thời điểm cầu tín dụng thấp, Ngân hàng nhà nước có thể tận dụng để dỡ bỏ một số biện pháp hành chính, song hành với việc thanh tra, kiểm soát chặt chẽ sự tuân thủ pháp luật của các ngân hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động