Tin tức - Sự kiện

Án tín dụng kéo dài dẫn đến nhiều vướng mắc về tài sản bảo đảm

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thời gian qua, VNBA đã nhận được nhiều phản ánh từ các tổ chức tín dụng (TCTD) đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi từ các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng.

Dự báo thời tiết ngày 23/6/2022: Hà Nội ngày nắng nóng, mưa tập trung vào chiều tối / Đà Nẵng: Lịch công bố điểm thi và điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023

Nhiều giao dịch bảo đảm của các tổ chức tín dụng có liên quan đến quyền sử dụng đất bị Tòa án tuyên vô hiệu. Ảnh: TTXVN.

“Có một số vụ án sau khi nhận được văn bản của Hiệp hội, tòa án đã xem xét, thậm chí hoãn xét xử để điều tra bổ sung. VNBA nhận thấy nhiều phát sinh vướng mắc do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại tòa án các cấp còn rất khác nhau, chưa có sự thống nhất”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội cho biết: Trong số 5.419 vụ án mà Tòa án Hà Nội đang giải quyết trong 6 tháng đầu năm 2022, có tới 1.223 vụ án tranh chấp tín dụng, chiếm 23%. Trong số 2.400 vụ kinh doanh thương mại mà TAND TP Hà Nội thụ lý, thì có 778 vụ việc tranh chấp về đầu tư tài chính, ngân hàng, chiếm 32,5%.

Trong quá trình giải quyết án tín dụng nổi lên một số vấn đề như: Có sự khác biệt về quan điểm giữa Tòa án nhân dân TP Hà Nội và ngân hàng; thống kê lượng án tín dụng không thể xử ngày càng tăng; việc giải quyết các vụ án của tòa án đối với các vụ án tín dụng có phần chậm, chưa kịp thời với các vụ việc khiếu kiện, có những vụ tồn hàng năm.

“Thực tế xét xử, nhiều giao dịch bảo đảm của các TCTD, trong đó tập trung vào tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất bị Tòa án tuyên vô hiệu do giao dịch liên quan đến tài sản trước đó bị tuyên vô hiệu (giao dịch về mua bán, thừa kế, tặng cho… do bên bảo đảm thực hiện)”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng thuộc VNBA cho biết.

Khi ngân hàng nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất, các TCTD căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp để xác định chủ sở hữu tài sản và thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

 

Ông Nguyễn Thành Long cho rằng: Các TCTD không thể biết, không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa bên bảo đảm và chủ sở hữu cũ. Không có quy định nào của pháp luật quy định TCTD phải có trách nhiệm thẩm tra các giao dịch chuyển giao trước khi tài sản được cơ quan Nhà nước cấp GCN; cũng như quy định TCTD có chức năng, thẩm quyền để thẩm tra nguồn gốc hình thành tài sản theo GCN đó.

Do đó, ông Nguyễn Thành Long đề nghị Tòa án áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các tình huống cụ thể: Giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên cơ sở ủy quyền, đại diện; mở rộng áp dụng đối với các loại tài sản khác mà giao dịch chuyển nhượng đã tuân thủ quy định về chuyển nhượng đối với loại tài sản đó, trường hợp bên chuyển nhượng thực hiện giao dịch chuyển nhượng tài sản do bị lừa dối, ép buộc, nhầm lẫn. Đồng thời, đề nghị TAND tối cao xem xét về việc nâng các nội dung hướng dẫn trong Công văn số 64 để ban hành thành Nghị quyết; có đính chính, hủy bỏ tình huống về xác định “người thứ ba ngay tình” tại Văn bản số 02.

Đại diện một ngân hàng cho biết, ngân hàng gặp nhiều khó khăn, chậm trễ trong quá trình thụ lý vụ án. Hồ sơ khởi kiện ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ theo quy định pháp luật nhưng Tòa án vẫn yêu cầu ngân hàng cung cấp giấy xác nhận địa chỉ mới nhất của bị đơn trong khi nhiều nơi chính quyền địa phương cho rằng đây không phải trách nhiệm của họ. Nhiều trường hợp khách hàng sử dụng thủ tục phá sản để kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp, né tránh nghĩa vụ trả nợ, gây khó khăn cản trở cho việc xử lý các vụ án.

Trước những vấn đề trên, đại diện Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiến nghị: TAND TP Hà Nội, lãnh đạo TAND các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội xem xét, xử lý kịp thời, theo thẩm quyền các ý kiến của NHNN tại các văn bản đã gửi các đơn vị này; xem xét giải quyết một số vụ việc liên quan đến các TCTD, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các TCTD, thống nhất việc áp dụng quy định pháp luật.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm