Bầu cử trong điều kiện có dịch Covid-19: Chủ động các kịch bản ứng phó Bầu cử trong điều kiện có dịch Covid-19
Quy trình bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 / Cả nước sẽ có 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 – sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm sắp diễn ra trong khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở nhiều địa phương và diễn biến hết sức phức tạp. Nhiệm vụ kép được đặt ra hiện nay là vừa phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa không quên nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo công tác an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội và chuẩn bị thật tốt cho công tác bầu cử. Với diễn biến dịch như hiện nay, các địa phương trên toàn quốc phải sẵn sàng cho một cuộc bầu cử trong điều kiện có dịch, không thể chủ quan, lơ là hay bị động.
Thời gian từ nay đến ngày bầu cử 23/5 cũng là giai đoạn cao điểm Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở các địa phương trong cả nước tổ chức để những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương đã quyết định cho các ứng viên vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến.
Tại thành phố Đà Nẵng, mặc dù đã thông báo cắt giảm số cuộc tiếp xúc và số lượng cử tri tại các buổi tiếp xúc của ứng cử viên, tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau đó, địa phương này đã quyết định tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, Ủy ban Bầu cử thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án, bố trí trang thiết bị, kỹ thuật nhằm bảo đảm tín hiệu đường truyền được kết nối an toàn và thông suốt.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đã đề nghị sẽ giảm số người trong hội trường còn 50% khi ứng viên tiếp xúc cử tri, còn lại trực tuyến để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; có thể thống nhất cách làm trong tuyên truyền là ghi hình lại nội dung các buổi tiếp xúc cử tri rồi phát trên các trang web của địa phương để nhân dân tìm hiểu.
Nhiều địa phương khác, việc tổ chức tiếp xúc cử tri cũng hết sức sáng tạo. Tại Thái Nguyên, không chỉ cho các ứng viên tiếp xúc trực tuyến, Đài PT-TH tỉnh còn tổ chức diễn đàn ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV. Theo đó, 13 ứng cử viên tại địa bàn này đều có cơ hội trình bày chương trình hành động và những việc làm cụ thể, thiết thực nếu trúng cử đại biểu Quốc hội.
Tại văn bản số 640, ngày 4/5, Hội đồng Bầu cử quốc gia lưu ý đối với những địa phương có đường biên giới trên đất liền, những địa phương đã phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19 trong cộng đồng và những địa bàn khác có nguy cơ cao vì bùng phát dịch bệnh thì số lượng cuộc tiếp xúc cử tri cần được cân nhắc tổ chức hợp lý và phải thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19.
Hội đồng Bầu cử quốc gia đề nghị, các đơn vị bầu cử cần chú trọng hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử để đăng tải chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử.
Còn theo Hướng dẫn mới nhất từ Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thể cắt giảm, thay đổi số lần và cách thức tổ chức vận động bầu cử để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Vớitrường hợp người ứng cử bị mắc Covid-19đang điều trị tại cơ sở y tế hoặc đang được cách ly thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp về cách thức tổ chức vận động bầu cử, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Nghị quyết số 64 của Hội đồng bầu cử Quốc gia, trên toàn quốc có 184 đơn vị bầu cử, trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có số đơn vị bầu cử nhiều nhất – 10 đơn vị.
Từ ngày 10/4, các thành viên Ủy ban bầu cử trực tiếp đi kiểm tra công tác niêm yết danh sách các ứng cử viên, công tác chuẩn bị bầu cử, kịp thời phát hiện các thiếu sót để khắc phục.
Việc chủ động chuẩn bị kịch bản bầu cử và ứng phó với dịch bệnh về cả vật chất lẫn tinh thần là bước chuẩn bị cần thiết trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường như hiện nay. Thực hiện phương châm đó, tỉnh Hải Dương đã xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 ở nhiều cấp độ khác nhau như phong tỏa ở diện hẹp, phong tỏa cả một huyện, thành phố. Tình huống xấu nhất cũng được đặt ra.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Hải Dương cho hay, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng, đặc biệt là các tuyến đầu chống dịch có phương án với các cấp độ khác nhau để chống dịch từ nay đến ngày bầu cử và hết ngày bầu cử. Cùng với đó là chuẩn bị các khu cách ly, các tổ phản ứng nhanh của trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện tỉnh.
"Chúng tôi cũng tổ chức các hòm phiếu phụ để nếu dịch bệnh xảy ra thìthành viên tổ bầu cử tới tận nhà người dân để cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử, vừađảm bảo công tác chống dịch, vừakhông để xảy ra gián đoạn trong ngày 23/5" - bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐNDthành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Nguyễn Thị Lệ cũng đã yêu cầu phải xây dựng kịch bản chi tiết cho công tác tổ chức bầu cử trong trường hợp thành phố chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các Tiểu ban chuyên môn của Ủy ban Bầu cử thành phố phối hợp cùng Sở Y tế thành phố bàn thảo công tác tổ chức bầu cử tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế phòng, chống Covid-19 trên địa bàn như thiết kế hòm phiếu riêng, chuẩn bị các điều kiện phòng dịch cho người bỏ phiếu…để đảm bảo hoạt động bầu cử được thực hiện đúng pháp luật, vừa đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.
Để chủ động đảm bảo an toàn cho cử tri và nhân dân, đặc biệt trong ngày bầu cử 23/5 tới trong bối cảnh dịch bệnh, Quảng Ninh đã lên phương án phòng chống dịch cho từng tổ bầu cử trong 1.438 điểm bầu cử trên toàn tỉnh.
Mới đây, khi đi kiểm tra công tác bầu cử tại một tỉnh ở khu vực Đông Bắc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra là phải tổ chức thành công cuộc bầu cử.Tất cả các khâu phải tổ chức đúng pháp luật, tuyệt đối an toàntrong điều kiện hết sức phức tạp của dịch Covid-19.
“Chúng ta không thể để cho các địa điểm bầu cử trở thành những nơi lây nhiễm dịch bệnh” - Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh đây là yêu cầu bắt buộc. Những việc đã và đang triển khai là để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đều vì mục tiêu cao nhất là chọn được những đại biểu xứng đáng nhất tham gia cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và tham gia cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Người đứng đầu Quốc hội cũng lưu ý việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và áp dụng các phương tiện truyền thông trong việc hỗ trợ cho các ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐNDtiếp xúc cử tri.
Nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình tiếp xúc với cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan Trung ương, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan ở Trung ương sẽ tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho người ứng cử chuyên trách trước khi về vận động bầu cử ở địa phương. Các cơ quan khác và các tỉnh, thành phố cũng phải ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho các ứng cử viên, nhất là vùng có rủi ro cao theo thứ tự ưu tiên./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế