Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ trả lời về dự án của Đỗ Gia Capital tại vịnh Hạ Long
Thu hút sinh viên Việt Nam thử sức làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản / Các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng
Tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề vai trò của Bộ Khoa học công nghệ trong thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, các công trường xây dựng. Ví dụ như việc xây dựng của Đỗ Gia Capital đang triển khai ở Quảng Ninh, vịnh Hạ Long, Bộ Khoa học & Công nghệ đã vào cuộc chưa?
Sáng 8/11, trả lời vấn đề, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thanh Đạt cho biết, theo quy định của Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật, Bộ có trách nhiệm phối hợp với các bộ quản lý ngành trong việc thẩm định quy chuẩn Việt Nam và thẩm định công bố quy chuẩn Việt Nam do các bộ chuyên ngành chủ trì.
Đến nay Bộ Khoa học & Công nghệ đã thẩm định hơn 800 quy chuẩn Việt Nam quốc gia, thẩm định và công bố hơn 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có 70 quy chuẩn Việt Nam và khoảng 700 tiêu chuẩn Việt Nam về lĩnh vực môi trường.
Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thanh Đạt
Cũng theo ông Đạt, công tác thẩm định của Bộ tập trung vào các tiêu chí chính sau: Sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan; tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam. Thứ ba là việc tuân thủ các yêu cầu nghiệp vụ trình tự, thủ tục xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam. Tiếp theo, việc tổ chức thực hiện các quy chuẩn Việt Nam do các bộ quản lý ngành tổ chức thực hiện thanh tra và kiểm tra. Đối với các quy chuẩn Việt Nam, ngoài pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn cần tuân thủ pháp luật về môi trường.
Với trường hợp của Đỗ Gia Capital, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh cần xác định cụ thể hành vi không tuân thủ quy chuẩn Việt Nam về môi trường nếu có.
"Trách nhiệm chính thuộc về bộ quản lý ngành, Bộ Khoa học & Công nghệ sẵn sàng phối hợp với các bộ quản lý ngành trong việc tiếp tục hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về môi trường cũng như trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện", ông Đạt cho biết.
Trước đó vào 6/11, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu khẩn trương có biện pháp bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long.
Cụ thể, để giảm thiểu tác động có nguy cơ ảnh hưởng đến di sản, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo cơ quan liên quan và hướng dẫn chủ đầu tư việc thực hiện dự án cần rà soát và bảo đảm tuân thủ quy định về: quy hoạch, xây dựng, quy hoạch đô thị, môi trường, di sản, quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa-thể thao...
Bộ VHTTDL cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, Ban quản lý Vịnh Hạ Long và các cơ quan chức năng, trong quá trình triển khai Dự án thường xuyên giám sát, kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp nhằm tránh tác động tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên và các giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học của Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long...
End of content
Không có tin nào tiếp theo