Tin tức - Sự kiện

Cá nhân vận động từ thiện phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động

Vá những “lỗ hổng” của Nghị định 64/2008/NĐ-CP, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ra đời được cho là hành lang pháp lý đưa từ thiện về đúng thực chất sau những “ồn ào” của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng….

“Bộ Y tế tập trung phân bổ, bảo đảm đủ vaccine cho ĐBSCL và Tây Nguyên” / Ngày 3/11, thêm 6.192 ca mắc COVID-19 mới

Trước những “ồn ào” về hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (gọi tắt là Nghị định 93), thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP, với những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện của cá nhân.

Liên quan tới Nghị định này, ông Vũ Đức Hội, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với báo chí về trách nhiệm của các cá nhân khi kêu gọi, vận động, tiếp nhận và phân phối tiền từ thiện, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Ông Vũ Đức Hội, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính)
Ông Vũ Đức Hội, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính)

PV: Trong thời gian qua, việc minh bạch trong huy động đóng góp từ thiện của cá nhân được dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã quy định như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch?

Ông Vũ Đức Hội: Đây là điểm mới trong quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch khi cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định đã quy định cụ thể như sau:

Khi vận động, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên phương tiện truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (với tiền), địa điểm tiếp nhận (với hiện vật), thời gian cam kết phân phối; đồng thời, người vận động gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú thông báo về nội dung này. Chính quyền xã sẽ lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cá nhân tham gia vận động phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp; bố trí địa điểm tiếp nhận, bảo quản hiện vật đóng góp; có biên nhận các khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật tiếp nhận được nếu người đóng góp yêu cầu và không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết; có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Cá nhân vận động quyên góp thông báo đến địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, nhóm người cần hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ. Chậm nhất 3 ngày làm việc, chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ phải hướng dẫn các nội dung trên; cử lực lượng tham gia phân phối cùng người vận động khi cần thiết hoặc theo đề nghị của người đó. Nếu số tiền đóng góp tự nguyện còn dư thì người đứng ra vận động thống nhất với những người đóng góp để có phương án sử dụng; hoặc chuyển cho Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện chính sách an sinh xã hội đảm bảo phù hợp với mục tiêu đã cam kết.

 

Cá nhân đứng ra vận động cứu trợ phải tự chi trả toàn bộ các chi phí liên quan, như chi phí tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp... Trường hợp tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân vận động được trích kinh phí từ nguồn vận động được nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, phân phối để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, người vận động cần mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về quá trình này, từ khâu tiếp nhận đến khi phân phối xong; công khai trên truyền thông và gửi kết quả đến UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết tại trụ sở trong 30 ngày. Các nội dung công khai gồm: văn bản vận động cứu trợ; kết quả tiếp nhận (tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận); kết quả phân phối... Trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu, người vận động cứu trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin.

PV: Để đảm bảo nguồn đóng góp tự nguyện được sử dụng kịp thời, hiệu quả, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã quy định như thế nào về thời gian vận động, tiếp nhận, phân phối, thưa ông?

Ông Vũ Đức Hội: Nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể về thời gian vận động, tiếp nhận, phân phối.

Theo đó, cuộc vận động được phát động ngay sau khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra. Thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp).

 

Thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp).

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân khi thực hiện vận động nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử hoặc phương tiện truyền thông về thời gian vận động, tiếp nhận và thời gian cam kết phân phối. Đối với các khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể thì các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân thực hiện theo đúng cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.

PV: Xin cảm ơn ông!.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm