Cần Thơ xuất chính ngạch 18 tấn sầu riêng sang Trung Quốc
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Năm 2023, các doanh nghiệp cần mạnh dạn ứng dụng Khoa học công nghệ- Đổi mới sáng tạo / Cần Thơ: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Sáng 17/3, tại TP Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thành phố tổ chức Lễ xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo đó, lô hàng xuất khẩu lần này là 18 tấn sầu riêng được trồng tại Cần Thơ do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn xuất khẩu và Công ty TNHH Logistic Pan Asia Thẩm Quyến Trung Quốc nhập khẩu.
Các đại biểu cắt băng xuất khẩu chuyến sầu riêng Cần Thơ sang Trung Quốc.
Tại buổi lễ, ông Trần Thiện Thanh - Phó Giám đốc HTX Sầu riêng Trường Phát (phường Trường Lạc, quận Ô Môn) cho biết: HTX có diện tích 20ha, với 20 hộ tham gia, tuổi cây trung bình từ 5 đến 15 năm, giống sầu riêng Ri 6, ngoài ra còn trồng mới thêm khoảng 10ha.
Sau khi được phía Trung Quốc kiểm tra thực tế về sản xuất, HTX được đánh giá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và được cấp 2 mã vùng trồng xuất sang thị trường này. Đồng thời, HTX Sầu riêng Trường Phát đã thỏa thuận và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn với giá thu mua từ bằng đến cao hơn giá thị trường trong suốt vụ.
“Chúng tôi cũng rất mong được sự hỗ trợ tiếp tục của lãnh đạo các cấp, ban ngành đoàn thể, đặc biệt là doanh nghiệp liên kết tiêu thụ có những chính sách tốt nhất cho HTX trong thời gian tới”, ông Thanh mong muốn.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại buổi lễ.
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, thành phố hiện có gần 26.000ha đất trồng cây ăn quả. Trong đó, sầu riêng là một trong những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, lợi nhuận hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng/ha, nên trong những năm gần đây cây sầu riêng tăng diện tích từ 537ha năm 2015 lên gần 3000ha hiện nay, tập trung chủ yếu tại huyện Phong Điền, Thới Lai và quận Ô Môn.
Theo ông Nghiêm, diện tích cây ăn trái trên địa bàn trên địa bàn gần 26.000 ha nhưng đến nay chỉ chỉ có 47 vùng trồng liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu với diện tích chưa đến 1000ha, chỉ khoảng 4% diện tích cây ăn trái. Riêng sầu riêng có 42 vùng trồng được liên kết với quy mô 850ha, đạt khoảng 30% diện tích.
“Mặc dù sầu riêng năm nay đang hút hàng nhưng nguy cơ "dội chợ" là được nhìn thấy, vì vậy mong rằng bà con cùng doanh nghiệp thực hiện tốt hợp đồng để cùng thắng lợi trong hôm nay và cùng vượt khó trong thời gian sắp tới. Đề nghị bà con áp dụng kỹ thuật để có được sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp, chú ý thu hoạch khi trái tới tuổi, đảm cách ly thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục quan tâm khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng sầu riêng ồ ạt, nguy cơ rủi ro cao. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức các nhóm nông dân đăng ký mã vùng trồng để tạo điều kiện kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Nghiêm khuyến cáo.
Đồng quan điểm với Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị, các địa phương hết sức quan tâm khuyến cáo của ngành nông nghiệp, vận động nhân dân không đốn chặt các loại cây ăn trái có giá trị để trồng sầu riêng, mà cây sầu riêng chỉ nên được trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi và chỉ nên trồng tập trung, áp dụng tốt tiêu chuẩn chất lượng. đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Đặc biệt, thường xuyên theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp, bà con thực hiện hợp đồng, vận động bà con nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm để thu hoạch trái cây đúng độ tuổi, cách ly phân, thuốc đúng quy định. Xem việc tìm kiếm doanh nghiệp liên kết với nông dân là nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất ở địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo