Chính phủ thấu hiểu và sẽ tạo điều kiện để công nhân vượt qua khó khăn
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một' / Dấu ấn từ chuyến công tác “3 trong 1” của Thủ tướng tại Hoa Kỳ
Sáng 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại trực tiếp và trực tuyến với hơn 4.500 công nhân lao động tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố, Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bí thư Thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn; Bí Thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái;đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề; lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa công nhân và Thủ tướng diễn ra trong bầu không khí sôi động, nhiều ý kiến đưa ra tập trung vào 10 nhóm vấn đề lớn như: vấn đề tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới; Việc rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động; Công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động; Vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; Về chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động; công tác đào đào tạo nghề; Về tăng cường kiểm tra, tranh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động; Về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm; Vấn đề giá nhà trọ, giá điện; việc tăng giá sách giáo khoa; vấn đề con công nhân khó tiếp cận các trường học công trên địa bàn do không có hộ khẩu thường trú…
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước đã xác định nhất quán quan điểm xuyên suốt và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của giai cấp công nhân. Giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng là tư tưởng nhất quán trong suốt quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng.
Thủ tướng cũng bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông đối với những mất mát, nhọc nhằn, khó khăn, vất vả mà công nhân, người lao động phải chịu đựng trong hơn 2 năm qua do dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu và sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh chị em sớm vượt qua những khó khăn, trở lại lao động, làm việc, ổn định đời sống.
"Phải nói đời sống nhiều công nhân còn rất vất vả. Tôi vừa đi thăm khu nhà trọ công nhân tại Bắc Giang và thời gian qua cũng đã đi nhiều nơi để gặp gỡ, tìm hiểu đời sống công nhân. Chúng ta cùng đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp với nguyện vọng anh chị em cong nhân và phù hợp với tình hình thực tiễn”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng thông báo trong sáng nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Lắng nghe thông tin này, các đại biểu công nhân dành tràng pháo tay kéo dài để hoan nghênh chính sách mới này của Chính phủ.
Thủ tướng mong cuộc đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở, gần gũi, thân tình, các công nhân chia sẻ suy nghĩ thoải mái, các bộ ngành trả lời thể hiện trách nhiệm của mình về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng của công nhân.
Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, công nhân Nguyễn Thúy Hà đặt câu hỏi:“Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhânmới 40 - 45 tuổi. Đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động.”
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lao động Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm qua, Bộ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ và những công việc của công nhân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ.
Ông Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội theo hướng: giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội, trước đây quy định 25 nămtrong Dự thảo rút dần xuống còn 15 năm và tiến tới để đảm bảo cho người lao động có thể tiếp cận được. Thứ hai,sẽ tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm chính sách bảo hiểm xã hội với nhau để đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia. Thứ ba,là chia sẻ về bảo hiểm này giữa ngườicó đóng bảo hiểmnhiều vớingười đóng thời gian ngắn.
Bổ sung phần trả lời về BHXH, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Thủ tướng cho rằng, vừa qua, pháp luật về bảo hiểm xã hội có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp, trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Liên quan đến chính sách với người lao động, công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy, TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách cho công nhân lao động bị nhiễm COVID-19;chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại Khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động vì đến nay còn nhiều người chưa được hưởng, nhất là tiền hỗ trợ thuê nhà.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Bộ LĐTB&XH đã phối hợp rất chặt chẽ với Uỷ ban Xã hội của Quốc hội và các Bộ ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ người lao động.
Hiện nay, ở các địa phương đã bắt đầu triển khai hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số lý do: Thứ nhất, đề nghị thì rất nhanh, rất gọn nhưng nhiều địa phương thêm thủ tục niêm yết công khai. Thứ hai, là chính sách pho phép có thể nhận theo tháng hoặc nhận một lần 3 tháng nhưng có một bộ phận người lao động hoặc doanh nghiệp muốn nhận 3 tháng, như vậy từ tháng 4 đến nay thì hết tháng 6 mới nhận một lần. Thứ ba,một số địa phương đề nghị Trung ương cho ứng nguồn, theo đó tổng số tiền dự kiến 6.600 tỷ sẽ lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho người lao động.
Bổ sung nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà và các chính sách hỗ trợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, thực hiện một cách rất khẩn trương, hỗ trợ hơn 55 triệu người với tổng số tiền hơn 80.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách này.
Thủ tướng cho biết hôm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ. Thủ tướng đề nghị hai Bộ phối hợp với các địa phương, các địa phương chủ động hơn thực hiện việc này tại địa phương mình. "Tiền đã có rồi, các địa phương căn cứ các quy định để triển khai sớm, tiếp tục hoàn thiện thủ tục, không để anh chị em công nhân lao động băn khoăn, lo lắng".
Về nhà ở cho công nhân, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo, làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần về vấn đề này. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng làm rõ về những việc đã làm được, chưa làm được, những giải pháp thời gian tới, có bước đi phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động nói chung, trong đó có công nhân.
Phát biểu kết luận chương trình đối thoại với công nhân, Thủ tướng nhấn mạnh:"Chúng ta đã có 1 buổi làm việc khẩn trương, hiệu quả với rất nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, thẳng thắn, cởi mở, sát thực, xây dựng của anh chị em công nhân, đại diện công đoàn trong cả nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thông tin, trao đổi, giải đáp. Những vấn đề thảo luận rất trúng và đúng đối với vai trò, vị trí cũng như thực tiễn xây dựng và phát triển của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cũng là vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất quan tâm, trăn trở".
Thông qua cuộc đối thoại hôm nay, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những niềm vui cũng như sự lo lắng của công nhân, người lao động; tiếp nhận các kiến nghị, qua đó tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với công nhân, người lao động.
Thủ tướng cũng tin tưởng rằng, công nhân, người lao động nắm bắt được rõ hơn chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người lao động; yêu cầu và nhiệm vụ phát triển KTXH giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là tác động đa chiều của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19; từ đó tiếp tục phát huy tích cực hơn vai trò, trách nhiệm của cá nhân để đất nước sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Do thời gian có hạn, đối với những vấn đề, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chưa được nêu hôm nay, anh chị em có thể thông qua các cơ quan hữu quan để gửi tới các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực, chủ động xử lý hoặc phối hợp xử lý.
Thủ tướng đề nghị ngay sau buổi đối thoại này, các Bộ, ngành và địa phương bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch, lộ trình để giải quyết từng vấn đề, có sản phẩm và kết quả cụ thể, thông báo tới công nhân lao động.
Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm tốt công tác đôn đốc, giám sát và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cùng giải quyết. Thủ tướngkỳ vọng lần gặp gỡ, đối thoại sau sẽ báo cáo lại với anh chị em công nhân cả nước nhiều kết quả tích cực.
Thủ tướng khẳng định rằng, giai cấp công nhân ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng đặc biệt quan trọng duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
*** Trước khi đối thoại với công nhân,Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm nơi ở và tặng quà công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Thủ tướng đã tới thăm gia đình anh Sùng Mí Ná, sinh năm 2002, quê Hà Giang, đang làm việc tại Công ty TNHH in bao bì Sunny Việt Nam. Vợ chồng anh có 1 con nhỏ 07 tháng tuổi, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm, còn bà nội 85 tuổi sống một mình ở quê. Gia đình công nhân Sùng Mí Ná đang ở trọ tại thôn An Định, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng.
Thủ tướng tìm hiểu, thăm hỏi đời sống sinh hoạt, thu nhập, công việc của gia đình công nhân Sùng Mí Ná và các công nhân tại khu trọ; mong muốn các công nhân đoàn kết, tương trợ, không ngừng nâng cao tay nghề, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, lập thân, lập nghiệp; đề nghị chủ trọ quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các công nhân ở trọ trong công việc và đời sống, nhất là về vệ sinh môi trường.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nghe chủ nhà trọ nói "xem các công nhân như con cháu trong nhà"; gửi gắm chủ nhà trọ "chăm lo đời sống cho các cháu cả về vật chất và tinh thần, nhất là những lúc ốm đau”.
Thủ tướng cũng tới thăm khu nhà ở xã hội dành cho công nhân do Công ty TNHH Fuji xây dựng tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển