Chủ tịch Quốc hội gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội khóa 14
Chủ tịch Cuba thăm Việt Nam: Động lực mới cho quan hệ đặc biệt hai nước / Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp phòng, chống tham nhũng
Chiều tối 13/11, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội khóa 14.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các bộ ngành, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, TW Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam và hơn 130 nữ đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa các nữ đại biểu Quốc hội |
Trong hơn 70 năm qua, các nữ đại biểu Quốc hội đã luôn tỏ rõ trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ ưu tú, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, số lượng và chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Từ Quốc hội khóa I chỉ với 10 nữ đại biểu, đến nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV là 26,72%, một tỷ lệ khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội và 3 ủy viên Bộ Chính trị là nữ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của đội ngũ cán bộ nữ, các nữ đại biểu Quốc hội đã không ngừng nâng cao bản lĩnh, trình độ, kỹ năng hoạt động; thường xuyên gắn bó với cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; phát hiện các vấn đề bức xúc trong thực tiễn để đề xuất ý kiến, thảo luận, kiến nghị. Nhiều đại biểu nữ đã có những phát ngôn sâu sắc, mạnh mẽ trên diễn đàn Quốc hội; đóng góp không nhỏ vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội.
Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều vấn đề đặt ra đối với phụ nữ như: thu nhập bình quân của lao động nữ thấp hơn so với nam giới; tỷ lệ phụ nữ được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ còn cao; nhận thức của phụ nữ về luật pháp chính sách còn hạn chế, một bộ phận ít quan tâm đến hoạt động chính trị, xã hội; tỷ lệ phụ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo chưa đạt các chỉ tiêu đề ra...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội |
Trước thực trạng còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập đối với phụ nữ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn các nữ đại biểu Quốc hội quan tâm hơn tới vấn đề giới, lồng ghép giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong quá trình xây dựng luật, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; giữ mối liên hệ chặt chẽ với Hội, cả ở cấp Trung ương và địa phương để có các hoạt động phối hợp hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực bình đẳng giới và sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh và đánh giá cao Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội, để cùng suy nghĩ về chương trình, kế hoạch hành động, góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, hướng tới sự bình đẳng, phát triển, tiến bộ của phụ nữ.
Qua các nhiệm kỳ hoạt động, các nữ đại biểu Quốc hội đã luôn tâm huyết và trí tuệ, làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa cử tri với Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tham gia xây dựng, giám sát, phản biện các chính sách, pháp luật cũng như đại diện cho giới nữ, thể hiện tiếng nói, mong muốn đối với các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, hoàn thành tốt trọng trách của người đại biểu nhân dân; đóng góp không nhỏ vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội. Nhiều nữ đại biểu Quốc hội đã và đang giữ cương vị quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi gặp mặt |
Đặc biệt, từ nhiệm kỳ khóa XII Nhóm nữ Nghị sỹ Việt Nam (nay là Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam) đã được thành lập. Đây là một diễn đàn để các nữ đại biểu Quốc hội giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trong Quốc hội, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.
Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã cùng Hội LHPN Việt Nam và các bộ, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, như tổ chức các hội thảo khu vực chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp, đưa ra các đề xuất nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tổ chức tập huấn cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội… Sự phối hợp hiệu quả này đã góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đã xác định trách nhiệm: “Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, cán bộ, đảng viên nữ cần chủ động, tích cực tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ và giới thiệu quần chúng là phụ nữ ưu tú cho Ðảng". Nghị quyết Trung ương bảy khóa XII cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 là phải có cơ cấu nữ trong Ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỉ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.
Để thực hiện trách nhiệm được Đảng và nhân dân giao phó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu về công tác cán bộ nữ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các nữ đại biểu Quốc hội quan tâm một số nội dung như: tích cực, chủ động phát hiện cán bộ nữ ưu tú để giới thiệu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền; chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, bồi dưỡng cán bộ nữ trẻ, nhất là những cán bộ nữ dự kiến thay thế vị trí của mình; thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình trong nghị trường Quốc hội cũng như trong quá trình giám sát các chính sách liên quan đến bình đẳng giới.
“Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phát huy kết quả phối hợp trong thời gian vừa qua, chủ động, tích cực hơn nữa trong phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để tham mưu, đề xuất chính sách cho cán bộ nữ; đề xuất các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo cơ cấu cán bộ nữ; phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; xây dựng mạng lưới, câu lạc bộ dành cho nữ lãnh đạo, quản lý, để các chị em có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Chủ động giám sát và tham gia giám sát, kiểm tra, đánh giá các chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ; tích cực tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới”, bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Tại cuộc gặp mặt, các nữ đại biểu Quốc hội đã thảo luận về những vấn đề bất cập đang đặt ra đối với phụ nữ, vai trò nòng cốt của Hội LHPN Việt Nam trong công tác phụ nữ, đặc biệt là tập trung vào đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước