Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Không phải QH không muốn xử phạt người uống rượu bia lái xe gây tai nạn
DNVN - Cho rằng, việc xin ý kiến các đại biểu hôm 03/6 có thể gây hiểu lầm là Quốc hội chưa muốn chế tài xử lý với người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn vì luật hiện hành đã quy định.
44,21% Đại biểu Quốc hội tán thành việc cấm uống rượu, bia khi lái xe / Nhiều kỳ vọng trước phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Sáng 04/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh về sự nguy hiểm của việc uống rượu, bia vẫn lái xe, đồng thời đặt vấn đề trách nhiệm của Tư lệnh ngành trước tình trạng tội phạm hoành hành gây bất an cho xã hội.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định mục tiêu cao nhất của ngành công an là xây dựng trật tự kỷ cương, an toàn xã hội, làm sao có một xã hội không có tội phạm. Theo đó, người đứng đầu Bộ Công an tuyên bố sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để giải quyết vấn đề này. Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội xây dựng Luật đảm bảo TTATGT với nhiều chế tài nghiêm minh, trong đó có chế tài kiểm soát sử dụng chất kích thích, kiểm soát người uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Sau đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý giơ biển tranh luận và nói rằng, “không đưa quy định trên vào dự luật Phòng chống tác hại bia, rượu không có nghĩa bỏ trống vì trong luật khác hiện hành đã có quy định.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn vì luật hiện hành đã quy định. Tuy nhiên, bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe vừa qua nên cơ quan soạn thảo của Chính phủ cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu đề nghị tăng chế tài như cấm tài xế uống rượu, bia khi lái xe.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 04/6.
Kết quả lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc bổ sung quy định cấm lái xe sử dụng bia rượu hay giữ theo luật hiện hành (uống vượt mức quy định mới bị xử lý) khi bàn về Luật phòng, chống tác hại của rượu bia thì cả hai phương án đều chưa nhận được 50% số đại biểu đồng tình. Điều đó có nghĩa sẽ tiếp tục áp dụng quy định hiện hành, tức có quy định về mức nồng độ cồn.
“Nói thế để không hiểu lầm rằng luật không có quy định nào để xử lý vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại.
Chiều 04/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin thêm, với dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Quốc hội trước đó chọn vấn đề còn ý kiến khác nhau để tham khảo, xin ý kiến Quốc hội.
"Việc xin ý kiến các đại biểu hôm qua là để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật chứ không phải biểu quyết thông qua Luật," Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc, một số thông tin hôm 03/6 có thể gây hiểu lầm là Quốc hội chưa muốn chế tài xử lý với người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, quy định trong lĩnh vực giao thông hiện có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi trên như Luật Giao thông đường bộ, Luật đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa,...
"Không phải là không quy định trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là không có chế tài," Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại, trong quá trình xây dựng luật, có nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội xin ý kiến để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý hoàn thiện trước khi được thông qua.
Chiều 3/6, Quốc hội xin ý kiến đại biểu về 3 nội dung của dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Nội dung thứ nhất quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông. Nội dung này có 2 phương án, trong đó phương án 1 là cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn. Kết quả biểu quyết có 214/441 đồng ý (chiếm 44,21% tổng số đại biểu Quốc hội). Phương án 2 là cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Kết quả có 240/417 đại biểu đồng ý (chiếm 49,59%). Nội dung thứ hai được lấy ý kiến là quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ. Hai phương án được đưa ra là bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau (224/440 đại biểu đồng ý, chiếm 46,28% đại biểu tán thành). Phương án không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ (214/432 đại biểu đồng ý, chiếm 44,21%). Như vậy, với nội dung thứ 2, kết quả biểu quyết vẫn chưa được quá 50% tổng số đại biểu tán thành. Nội dung cuối cùng là quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình. Phương án 1 của dự thảo luật quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18h đến 21h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em. Phương án 2 quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 19h đến 20h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em. Theo kết quả biểu quyết, có 351/442 đại biểu tham gia đồng ý (tương đương 72,52%) với phương án 1: "Quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18h đến 21h hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em. Nội dung này sẽ được thể hiện trong dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia. |
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Cột tin quảng cáo