Tin tức - Sự kiện

44,21% Đại biểu Quốc hội tán thành việc cấm uống rượu, bia khi lái xe

DNVN - Dù phải biểu quyết lần thứ hai nhưng có tới 43,80% ý kiến ĐBQH vẫn không đồng ý đưa nội dung "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Xâm hại tình dục trẻ em báo động sự suy đồi về đạo đức / Quảng Bình: Bị sóng cuốn xa bờ, 2 thanh niên tử vong trên biển

Chiều 03/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bằng hệ thống điện tử đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có bố cục gồm 7 chương, 36 điều quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung đầu tiên liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, có 02 Phương án được đưa ra là: Phương án 01: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn. Phương án 02: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Với phương án 1, biểu quyết bằng hệ thống điện tử có 48,76% ý kiến đồng ý và 36,36% ý kiến không đồng ý. Với kết quả này, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bấm nút xin phát biểu để giải thích thêm rằng phương án này có thể hiểu một cách đơn giản là "đã uống rượu bia thì không lái xe". Sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã xin Quốc hội cho biểu quyết lại đối với phương án này.
Tuy nhiên, ngay cả ở lần biểu quyết thứ hai, phương án 1 vẫn chỉ nhận được 44,21% đại biểu đồng ý và 43,80% ý kiến không đồng ý đưa vào nội dung "cấm uống rượu bia khi lái xe" vào dự thảo luật.
Với phương án 2, tỷ lệ đồng ý và không đồng ý cũng không đạt quá bán khi chỉ 49,59% ý kiến đồng ý và 34,92% ý kiến không đồng ý.
Các Đại biểu biểu quyết. (Ảnh: VPQH)

Các Đại biểu biểu quyết. (Ảnh: VPQH)

Nội dung thứ hai lấy ý kiến của ĐBQH là quy định về hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ ở Điều 5 của dự thảo luật. Với nội dung này, ĐBQH có thể chọn phương án 1 "bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau" hoặc phương án 2 "không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ".
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 46,28% đại biểu Quốc hội đồng ý với việc bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Trong khi đó, ý kiến cho phương án 2 cũng không đạt kết quả quá bán khi chỉ có 44,21% đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung “không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ”.
Các đại biểu Quốc hội cũng biểu quyết thông qua quy định về quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia. Theo đó, hai phương án để lựa chọn bao gồm: “Quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em" hoặc "quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 19 giờ đến 20 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em".
Kết quả 72,52% ý kiến ĐBQH đồng ý với quy định về khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em. Theo đó, nội dung này sẽ được thể hiện trong dự thảo luật.
Dự kiến, toàn bộ dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ được thông qua vào ngày làm việc cuối cùng (ngày 14/6) của kỳ họp.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm