Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng pháp luật không chạy theo số lượng
Xây dựng pháp luật cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra.
Hà Nội mức độ dịch COVID-19 cấp độ 2, lễ cưới không tập trung quá 30 người/thời điểm / Hà Nội từng bước “bình thường mới”, đưa học sinh đi học lại
Sáng nay (3/11), tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ban bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Ủy viên Bộ chính trị: Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng; Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội đến 62 điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, trong kết luận số 19, Bộ Chính trị xác định mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá 15 là “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội 13 của Đảng đề ra.
Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng nêu 5 vấn đề lớn cần chú trọng trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy. Trong quá trình xây dựng pháp luật phải bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh; tuy nhiên, phải bình tĩnh, nghiên cứu, dự báo thấu đáo, khoa học những vấn đề của thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận xã hội. Chỉ những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm. Đã có 9 báo cáo tham luận của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng, đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Các định hướng và nhiệm vụ lập pháp đề ra trong Đề án đã bao quát toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đó là “ưu tiên xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển trong các lĩnh vực, kịp thời ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu, tài chính ngân sách, thuế; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng, hoàn thiện khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả gắn với đẩy mạnh phân quyền, phân cấp hợp lý, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.
“Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã có kết luận cho định hướng xây dựng pháp luật cho cả một nhiệm kỳ. Những định hướng này hết sức quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây dựng pháp luật hằng năm và định hướng dài hạn, để Quốc hội vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan liên quan để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng của công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo”. Theo tinh thần như Đảng ta đã quán triệt và đồng chí Tổng bí thư đã phát biểu nhiều lần, cái gì mà đã chuẩn bị kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học thực tiễn, có cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cấp thiết thì xem xét thực hiện. Còn cái gì, mặc dù có thể là cấp bách, nhưng chuẩn bị chưa đủ rõ, chưa kịp mà cứ chèn vào trong chương trình xây dựng pháp luật. Cái này làm cho chất lượng công tác xây dựng pháp luật sẽ không đảm bảo. Thể chế mà đã không tốt thì rõ ràng, không những không thúc đẩy được phát triển kinh tế xã hội, đôi khi còn kìm hãm sự phát triển”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ lập pháp được giao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các vị đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra trong quá trình tổng kết, xây dựng Đề án.
Tiếp tục tìm tòi, đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội. Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật.
Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc không hoàn thành nhiệm vụ để báo cáo Quốc hội, cấp có thẩm quyền và coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
“Chúng ta yêu cầu Chính phủ liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp, thì bản thân công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính, không được để cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào trong quá trình xây dựng pháp luật. Đảng đoàn Quốc hội các nhiệm kỳ và nhiệm kỳ này cũng tiếp tục nhấn mạnh việc đó. Kiên quyết không trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội những dự án, dự thảo không đảm bảo chất lượng và tiến độ. Chúng tôi khẳng định lại một lần nữa, với một tinh thần làm việc ngày đêm để đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển, nhưng tất cả các dự án luật và dự thảo nghị quyết mà không đảm bảo chất lượng dứt khoát là trả lại cho cơ quan trình. Chúng ta không thể chấp nhận những dự án luật sơ sài, rồi đưa ra để biểu quyết và sau một thời gian ngắn, chúng ta lại phải sửa, không đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận hội nghị.
Ngay từ bây giờ, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các bộ ngành liên quan hết sức quan tâm việc triển khai nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, đặc biệt là trong năm 2022, có thể coi là năm bản lề triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Theo tiến độ xác định trong Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua, có 95/137 nhiệm vụ lập pháp cần phải hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu trong thời gian từ nay đến hết năm 2022. Trong đó có 40 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022, 55 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Đây là một thách thức không nhỏ, vì trong thời gian ngắn phải hoàn thành số lượng nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu rất lớn, chiếm 69% tổng số nhiệm vụ lập pháp được xác định của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
“Để hoàn thành khối lượng công việc rất đồ sộ này, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, các cơ quan, nhất là người đứng đầu, cần trực tiếp chỉ đạo và khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ lập pháp được giao. Hiện nay, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022 đều đã được Quốc hội thông qua, nhưng số lượng các dự án trình Quốc hội còn khá khiêm tốn, nhất là các dự án để “gối đầu” cho năm tiếp theo. Tôi đề nghị lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành công tác rà soát, nghiên cứu đúng tiến độ, nếu được thì đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để kịp thời đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và cho việc lập Chương trình năm 2023, đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo