Tin tức - Sự kiện

Chủ tịch TP Đà Lạt: Văn hoá là động lực để phát triển bền vững

DNVN – Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO giúp tăng thêm giá trị cho Đà Lạt trong hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, phát triển công nghiệp văn hóa, hợp tác đầu tư và du lịch. Đà Lạt xem văn hoá là động lực để phát triển bền vững.

130 năm Đà Lạt: Khởi nguồn thành phố sáng tạo / Đà Lạt kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO

Chia sẻ tại Hội nghị thường niên lần thứ XVI Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN), ông Đăng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng), cho rằng, năm 2023, Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển (1893-2023). Đây không chỉ là niềm vui, sự tự hào mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (thứ 7 từ trái sang) cùng đại diện các thành phố sáng tạo tham dựHội nghị thường niên lần thứ XVI của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN)

Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (thứ 7 từ trái sang) cùng đại diện các thành phố sáng tạo trên thế giới tham dự hội nghị thường niên của UCCN tại Braga, Bồ Đào Nha.

Theo ông Tú, nghệ thuật ở Đà Lạt bao gồm nhiều loại hình đa dạng như nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ ca, hội họa, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ. Nhiều nhà hát, hội quán âm nhạc, phòng trưng bày và những sân khấu nghệ thuật đã được xây dựng để thu hút du khách đến thưởng ngoạn và cảm nhận những nét đẹp của Đà Lạt.

Ngoài ra, Đà Lạt cũng được biết đến với các hoạt động nghệ thuật như Festival Hoa Đà Lạt, lễ hội cồng chiêng, lễ hội văn hóa trà... Các sự kiện này đã giúp quảng bá cho các hoạt động nghệ thuật của thành phố được biết đến và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.

Là thành phố sáng tạo âm nhạc đầu tiên của Việt Nam, ông Đặng Quang Tú cho biết, từ lâu, âm nhạc được xem như một phần làm nên bản sắc rất riêng của Đà Lạt. Bởi, âm nhạc có khả năng kết hợp một cách hài hòa vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu và cả lối sống thanh lịch của con người Đà Lạt.

Đến nay đã có nhiều tác phẩm âm nhạc liên quan đến Đà Lạt được mọi người yêu mến và được trình diễn khắp nơi, cả trong và ngoài nước.

Đà Lạt có nhiều sự kiện âm nhạc được thường xuyên tổ chức, đặc biệt là trong các dịp lễ hội và các ngày lễ lớn. Các sự kiện này bao gồm các buổi biểu diễn âm nhạc đa dạng, từ dân nhạc đến đương đại, đi cùng với những vũ điệu đầy màu sắc.

Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, trong buổi chia sẻ với các thành phố sáng tạo tại Braga.

Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, trong buổi gặp gỡ, chia sẻ với các thành phố sáng tạo trên thế giới.

Cùng với những nhạc quán xưa và nay, hiện Đà Lạt có nhiều không gian âm nhạc, nghệ thuật được tổ chức chuyên nghiệp, như Phố bên đồi, Mây lang thang, Lululola, Stop and Go, Hey storm art space... đã góp phần tạo ra những góc phố nghệ thuật, với sự góp mặt của những nghệ sỹ nổi tiếng trong nước và quốc tế.

“Cùng với những đêm phố lạnh nghe dương cầm ngân vang, những ‘đêm nhạc trên mây’, sự hòa điệu của violin và piano, không gian nhạc cổ điển, những nhóm ‘du ca’ phố núi và những chương trình thể thao kết hợp âm nhạc, tất cả đã tạo nên những món ăn tinh thần đặc biệt cho người dân địa phương và du khách”, Chủ tịch TP Đà Lạt chia sẻ và gửi lời mời đến lãnh đạo UNESCO cùng các thành viên của UCCN đến Đà Lạt để cùng nhau hội đàm, giao lưu trong thời gian tới.

Đồng thời, ông Đặng Quang Tú cũng cho biết, Đà Lạt cam kết tiếp tục thực hiện nghiên cứu, lưu trữ có hệ thống kho tàng kiến thức và thực hành âm nhạc truyền thống của các nhóm dân tộc địa phương với sự nghiên cứu của cộng đồng. Nâng cao năng lực và kỹ năng mềm cho cộng đồng về bối cảnh phát triển đương đại, kể chuyện, khả năng diễn xướng và thử nghiệm sáng tạo từ chất liệu âm nhạc truyền thống.

Giáo dục âm nhạc vì cộng đồng được thực hiện xuyên suốt nhằm cải thiện hệ thống giáo dục đào tạo âm nhạc của Đà Lạt; hợp tác với các nhạc viện, học viện âm nhạc… thực hiện các giải pháp giáo dục đào tạo âm nhạc; thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận giáo dục và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật giữa các nhóm xã hội tại thành phố.

Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (giữa), khẳng định ủng hộ Tuyên bố chung Braga của UCCN.

Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (giữa), tán thành và cam kết thực hiện "Tuyên bố Braga" của UCCN.

Bên cạnh đó sẽ củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo như xây dựng bản đồ nghệ thuật Đà Lạt đa phương tiện làm cơ sở dữ liệu thúc đẩy hoạt động thông tin, quảng bá, đầu tư, kết nối cho các bên liên quan trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Xây dựng Trung tâm nghệ thuật Đà Lạt trên nền một không gian sáng tạo hiện có thành một tổ hợp sáng tạo trọng điểm của thành phố.

“Tham gia UCCN, Đà Lạt có cơ hội tiếp nhận những kinh nghiệm hay từ các thành phố sáng tạo khác, mở ra cơ hội hợp tác tạo dựng không gian sáng tạo và đổi mới cho địa phương. Đồng thời tăng thêm giá trị cho thành phố trong hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, phát triển công nghiệp văn hóa, hợp tác đầu tư và du lịch”, Chủ tịch TP Đà Lạt khẳng định.

Tuyên bố Braga

Từ ngày 1 – 5/7, các đại biểu từ 350 thành phố sáng tạo tại hơn 100 quốc gia đã về Braga - Thành phố sáng tạo Nghệ thuật truyền thông từ năm 2017 của Bồ Đào Nha, để tham dự Hội nghị thường niên lần thứ XVI của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN). Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập mạng lưới.

Trong khuôn khổ hội nghị, các thành viên UCCN đã thông qua Tuyên bố Braga, công nhận vai trò của văn hóa như một động lực cho sự phát triển bền vững.

Tuyên bố Braga vạch ra các cam kết trên 6 lĩnh vực ưu tiên thực hiện, gồm: tăng cường quyền tiếp cận và thụ hưởng văn hóa của cá nhân và tập thể; giải quyết vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo; tăng cường đóng góp của văn hóa cho hành động vì khí hậu; phát triển ngành công nghiệp văn hoá; bảo vệ di sản văn hóa trong thời kỳ khủng hoảng; tăng cường sự phối hợp giữa văn hóa và giáo dục.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm