Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 - Bài cuối: Cần khai thông những vướng mắc
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Rà soát mạng lưới trường lớp để huy động nguồn lực kiên cố hóa / Thương mại điện tử không được kiểm soát tốt sẽ gây mất công bằng, thất thu thuế
Nhiều cơ chế, chính sách và phương thức hoạt động vẫn chưa được tháo gỡ đang chờ tỉnh và bộ, ngành Trung ương gỡ vướng, khai thông.
Tỷ lệ giải ngân còn thấp
Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn huy động, phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở tỉnh Phú Thọ là 1.736 tỷ đồng. Đến giữa năm 2024, toàn tỉnh đã giải ngân trên 560 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và trên 200 tỷ đồng vốn sự nghiệp (bao gồm cả vốn Trung ương và địa phương).
Theo đánh giá, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển đạt tỷ lệ cao nhưng tỷ lệ giải ngân đối với nguồn vốn sự nghiệp lại thấp. Đây là nguyên nhân khiến Phú Thọ khó hoàn thành tất cả mục tiêu, kế hoạch đề ra trong giai đoạn này. Hiện trên địa bàn vẫn còn một số dự án đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp, cá biệt còn có dự án chưa thực hiện… Nguyên nhân là do một số dự án, tiểu dự án còn hạn chế ở khâu thực hiện, một số quy định về định mức hỗ trợ còn thấp, đối tượng quy định còn hạn chế nên chưa phủ rộng hết đối tượng địa bàn được hỗ trợ.
Một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy được vai trò của cơ quan chủ dự án, tiểu dự án; nội dung thành phần chưa thật sự sâu sát cơ sở nên có lúc có nơi việc nắm bắt tiến độ triển khai, khó khăn vướng mắc chưa cụ thể, kịp thời... Công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn chậm, nhất là vốn sự nghiệp nên gây khó khăn cho việc thực hiện của địa phương
Điển hình, tại Dự án 1 về Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đang có một số tồn tại như: Công tác triển khai ở một số đơn vị còn chậm, một bộ phận cán bộ thực thi chính sách ở cấp xã, khu dân cư chưa nắm được cụ thể các nội dung hỗ trợ. Không ít người dân chưa nắm vững được quyền lợi của bản thân đối với các nội dung hỗ trợ dự án; vẫn còn tình trạng bỏ sót việc rà soát đối tượng thụ hưởng do cách hiểu chưa đúng về đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ của các nội dung thuộc Dự án. Đến thời điểm hiện nay, nguồn vốn sự nghiệp tiến độ giải ngân là 0%.
Tại tiểu dự án 1, Dự án 3 về Phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân cũng đang phát sinh một số vấn đề như: Đối tượng thụ hưởng của tiểu dự án 1 là các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III và cộng đồng dân cư thuộc các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, không có đối tượng thuộc thôn đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực I dẫn đến một bộ phận người dân sinh sống ở các thôn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực I không được thụ hưởng chính sách.
Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng đang có một số vướng mắc. Cụ thể như: việc phân bổ nguồn vốn ở một số huyện còn chậm (nguyên nhân là do một số xã còn gặp nhiều khó khăn trong việc lập hồ sơ thực hiện các công trình duy tu, bảo dưỡng có sự tham gia của cộng đồng). Việc huy động nguồn lực xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân và nguồn lực từ nhân dân đóng góp để thực hiện tiểu dự án có nhưng chưa thống kê đầy đủ, nhất là việc thực hiện quy đổi ra tiền mặt các nội dung đóng góp của người dân như: hiến đất làm đường, ngày công lao động...
Đặc biệt, tiểu dự án 1, Dự án 9 về Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt (theo quy định tại điểm a, khoản 9, mục III, Chương trình). Dù đã phân bổ kinh phí thực hiện nội dung này nhưng đến nay chưa đủ căn cứ để triển khai.
Tại tiểu dự án 1 Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình không đề cập đến nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông có học sinh bán trú.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại quy định cụ thể về nội dung này dẫn đến địa phương phải xây dựng kế hoạch triển khai nội dung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhưng chưa triển khai được. Nguyên nhân là do chưa có quy định về nội dung chi tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC, ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính "quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025"...
Chờ gỡ vướng từ Trung ương
Theo ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nguồn lực của Trung ương trong việc triển khai Chương trình 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Do đó, việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đang là vấn đề bức thiết đối với tỉnh.
Trước mắt, UBND tỉnh sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện các dự án của Chương trình. Tỉnh kịp thời ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn; đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình.
Cùng với đó, Phú Thọ kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương nhanh chóng rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế các quyết định, nghị định, thông tư bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật “rõ đối tượng, rõ nội dung, rõ định mức, rõ quy trình thanh quyết toán, phù hợp điều kiện thực tế” nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp các địa phương có đủ căn cứ thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Trong đó, đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 2% xuống còn 1,2% để phù hợp với thực tiễn của địa phương khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
Tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc có phương án tháo gỡ quy định về việc thực hiện nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt (thuộc tiểu dự án 1, Dự án 9) liên quan đến đối tượng các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn để địa phương thực hiện. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có văn bản tháo gỡ liên quan đến quy định về trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục nghề nghiệp và mở rộng địa bàn thụ hưởng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Bộ Tài chính tháo gỡ quy định liên quan đến nội dung chi hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, các trường phổ thông có học sinh bán trú; bổ sung nội dung cho phép xây mới đối với các hạng mục trường học để đảm bảo mục tiêu đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất trường học...
Với những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, Phú Thọ phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào mỗi năm giảm 2%/năm. Tỉnh đặt mục tiêu trên 54% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; trên 80% thôn, bản vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 55% lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số, người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh