Tin tức - Sự kiện

Chuyện tình bi thương của những phụ nữ tí hon ở Tây Ninh

Dù tự dặn lòng không yêu, những người phụ nữ “tí hon” này vẫn rơi vào vòng xoáy tình trường. Tình yêu của họ có khởi đầu như cổ tích nhưng rồi kết lại bằng những niềm đau.

Xôn xao chuyện cậu bé tí hon có cha mẹ cùng huyết thống / Đề xuất phạt 1-3 triệu đồng nếu không giúp người khuyết tật

Tự dặn lòng không yêu

Cơn mưa chiều vừa dứt, chị Phạm Thị Anh Thy (44 tuổi, ngụ phường 2, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) lần theo chiếc chõng tre ra ngoài hiên nhà ngồi chải tóc. Mái tóc suôn dài của chị bất chợt khiến bà Nguyễn Thị Cúc (67 tuổi, mẹ chị Thy) nhớ thời xuân sắc của mình.

Bà ném ánh nhìn về phía chân trời tím ngắt rồi kể với PV chuyện tình đẹp như cổ tích. Bà nói: “Với mọi người, tình yêu là điều rất đỗi bình thường. Nhưng với chúng tôi, tình yêu là điều xa xỉ, ước mơ xa vời. Tôi và chị em của mình từng dặn lòng không yêu để không bao giờ đau khổ”.

Bởi, bà và các chị em gái luôn tự ti về thân hình tí hon của mình. Dù đã lớn tuổi, ngoại hình của bà và người chị Nguyễn Thị Mai (69 tuổi) và cô em gái Nguyễn Thị Hà (66 tuổi) vẫn như những đứa trẻ lên 8. Họ chỉ cao khoảng 1,1m, thân hình dúm dó, xiêu vẹo.

Chuyện tình bi thương của những phụ nữ 'tí hon' ở Tây Ninh
Mẹ con chị Thy sống nương tựa vào nhau trong căn nhà trống trước hở sau. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Mang thân hình dị biệt, bà và các chị em bị người đời chê cười, khinh khi. Đau đớn hơn, lắm lúc, bà còn bị người khác ghẻ lạnh và cho rằng, bà mang đến sự xui rủi. Đau lòng, sợ hãi trước ánh mắt kì thị của người đời, 3 người phụ nữ đáng thương nhốt mình trong nhà, cùng nhau khóc cho sự bất công phải gánh chịu.

Tuổi xuân thì, khi con tim bắt đầu biết thay nhịp đập trước người khác phái, chị em bà Cúc tự dặn lòng không được yêu. Họ không muốn tình yêu đến để rồi tự chôn mình trong nỗi sầu muộn tình trường.

Bà Cúc kể: “Biết mình thua thiệt người đời, chúng tôi sợ chuyện yêu đương. Chúng tôi sợ lỡ thương ai đó rồi sẽ đau lòng vì không dám đến với người ta. Sống như thế còn đau khổ hơn vạn lần bị người đời ghẻ lạnh. Thế là chúng tôi tự dặn lòng không được thương ai hết, cũng không cho ai có cơ hội thương mình”.

Nhưng tình yêu vẫn đến như một điều hiển nhiên không thể cưỡng lại. Bà Cúc kể: “Năm 24 tuổi, tôi đi bán khoai lang ở chợ. Lúc này có một người đàn ông cao lớn thường xuyên đến chỗ tôi mua khoai. Lâu dần, anh ta bắt chuyện làm quen”.

“Thế rồi một ngày, ông ấy bất ngờ tỏ tình. Tim tôi chưa kịp hạnh phúc đã đau thắt lại. Tôi lo ông ấy chỉ đang bỡn cợt mình và cảm thấy mình không xứng với người ta. Tôi cự tuyệt đến cùng tình yêu ấy”, bà Cúc nói thêm.

Thế nhưng, người đàn ông ấy không lùi bước, quyết đến nhà người tình ở rể. Trước tấm chân tình của người đàn ông, bà gật đầu đồng ý thành vợ thành chồng.

Ngày chồng bà qua nhà bà ở rể, ba mẹ người này cũng sang đòi bắt con trai về. Họ mắng chửi ông ngu dại “đi cưới vợ tí hon, bệnh tật”. Họ nói, bà Cúc dặt dẹo, sau này sinh con, cháu nội của họ cũng dặt dẹo, tật nguyền.

“Nghe thế, chồng tôi chỉ nói: “Nếu chẳng may vợ con bệnh tật, con nguyện xin chết trước để vợ con đỡ phải chăm nom”. Ấy thế mà ông ấy đi trước tôi thật. Cưới nhau không bao lâu, ông ấy ra đi. Năm đó, ông ấy mới 38 tuổi, tôi tròn 40”, bà Cúc kể thêm.

Chuyện tình bi thương của những phụ nữ 'tí hon' ở Tây Ninh
Bà Cúc cho biết, phải khó khăn lắm, bà mới có được tình yêu nhưng hạnh phúc lại chẳng được bao lâu. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Phát hiện nhân tình có thai, người đàn ông trốn biệt

Nghe chị kể chuyện tình, bà Hà không kìm được cảm xúc, liên tục lấy tay quệt nước mắt. Bà khóc không chỉ vì thương tiếc cho niềm hạnh phúc ngắn ngủi của người chị gái. Bà khóc cho chính mối tình nghiệt ngã, bẽ bàng của mình.

Không như bây giờ, thời hương sắc, dù thân hình “tí hon” nhưng bà Hà “được gái” nhất trong các chị em. Vượt qua mặc cảm, bà đi làm công cho một tiệm may. Thời điểm này, bà lọt vào mắt xanh của một anh đạo tỳ (người làm nghề khiêng quan tài -nv).

Bất chấp lời cự tuyệt của cô gái, người này vẫn quyết tâm theo đuổi. “Mỗi ngày, anh ta đều đợi tôi ngoài ngõ để chở tôi đến tiệm may rồi đón về. Tôi không chịu lên xe, anh ta cứ chạy xe bên tôi cho đến khi tôi vào tiệm may”, bà Hà kể.

Sự kiên trì của anh đạo tỳ dần đánh tan lớp phòng vệ trong trái tim người con gái tật nguyền. Bà chấp nhận lên xe người đàn ông rồi yêu người này lúc nào không biết.

Thấy con gái thân thiết với người đàn ông lạ, mẹ bà ra sức khuyên can.

Không thể lay chuyển trái tim đang yêu của con,người mẹtìm đến chàng trai với hy vọng anh ta từ bỏ mối tình sẽ khiến con gái bà đau khổ. Thế nhưng, cũng như con bà, anh đạo tỳ quyết chiếm giữ trái tim cô gái tí hon vừa biết yêu lần đầu.

Bà Hà kể: “Lúc mẹ tôi khuyên ông ta từ bỏ tôi để yêu một người con gái khác, ông ta nói chỉ yêu tôi rồi vẫn đưa đón tôi như mọi ngày. Thế rồi tôi có bầu. Khi tôi nghĩ đây sẽ là quả ngọt của cả hai cũng là lúc tôi nhận lấy sự bẽ bàng, đau đớn. Nghe tin tôi có thai, ông ta lặng lẽ bỏ trốn về quê cưới vợ”.

Chuyện tình bi thương của những phụ nữ 'tí hon' ở Tây Ninh
Đến bây giờ, bà Hà vẫn xót xa cho thân phận của mình và câu chuyện tình đẫm nước mắt. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Đau đớn, bẽ bàng, nhiều lúc bà muốn quên đi cuộc đời sớm chịu nhiều đau khổ bằng cái chết. Thế nhưng, những lúc ấy, bà lại nhớ đến đứa con vô tội trong bụng. Bà cắn răng nuốt nước mắt vào lòng, nhận lấy bao điều cay đắng từ người đời và đợi ngày sinh nở.

Bà kể: “Bị bội tình, tôi đau đớn. Mẹ tôi dường như đã biết trước ngày này nênkhông trách mắng tôi một lời. Những lúc tôi ốm nghén, một tay mẹ tôi chăm. Đến kỳ sinh nở tôi cũng chỉ có mẹ bên cạnh. Bà luôn bên tôi lúc tôi cô độc và khóc cùng tôi lúc tôi đau đớn nhất”.

Ngồi dưới mái hiên phủ đầy rêu, chị Thy đợi mẹ và dì kể xong chuyện tình buồn mới luồn tay cột lại mái tóc ướt mưa. Cũng như mẹ, thân hình chị cũng dúm dó, dặt dẹo, bệnh tật triền miên. Mới 40 tuổi, răng chị đã rụng hết.

Chị nói, chị không dám mơ chuyện hạnh phúc lứa đôi dù đã có người đến xem mặt.

Chuyện tình bi thương của những phụ nữ 'tí hon' ở Tây Ninh
Chị Thy quyết “tắt lửa lòng” để không làm khổ bản thân, người thương mình. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Bà Cúc kể, người này cũng khuyết tật và được người ta mai mối. Họ đã đến nhà xem mặt chị Thy và ưng lòng nhưng con gái bà một mực từ chối.

Chị Thy lý giải: “Không phải tôi chê người ta. Mình có hơn gì người ta đâu. Tật nguyền, ốm đau như thế có chồng con chỉ khổ cho người thương mình, người mình thương. Sau này có con, nếu nó như cha mẹ thì tội cho nó lắm. Tôi không muốn làm khổ thêm bất kỳ ai nữa”.

Bà Châu Ngọc Mai, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu phố 4, Phường 2, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cho biết, chị em bà Cúc đều thuộc diện khó khăn tại địa phương. Do đó, chính quyền địa phương luôn ưu tiên chăm lo. Ngoài ra, bà Cúc và các chị em của mình đã được đưa vào diện người khuyết tật, hàng tháng đều hưởng bảo trợ xã hội.


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm