Đề nghị Chính phủ chuyển sang mô hình thích ứng sống chung an toàn với COVID-19
Bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa 610km, giật cấp 13 / Hà Nội yêu cầu người về từ TP Hồ Chí Minh ký cam kết tuân thủ nghiêm theo dõi sức khỏe tại nhà
Làm rõ chuyển hướng trong phòng chống dịch trong năm 2022
Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong việc chuẩn bị các nội dung. Ghi nhận các kết quả đạt được trong chỉ đạo điều hành và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung cần được đánh giá, làm rõ thêm trong các báo cáo nhất là việc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận có yêu cầu báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh, do đó một mặt cần chuẩn bị sớm báo cáo này, đánh giá tình hình triển khai, đề xuất chiến lược giải pháp thời gian tới; mặt khác báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó, chủ động đánh giá việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội ủy thác theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác 24/7. Tổ công tác không thụ động, phụ thuộc mà nghiên cứu từ trước từ sớm từ xa, chủ động đề xuất cả những vấn đề Chính phủ không đề xuất và tạo được sự đồng thuận cao. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần nghiêm túc đánh giá kiểm điểm những kết quả và điểm chưa được để có báo cáo Quốc hội.
Lưu ý các nội dung thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá theo từng khu vực, lĩnh vực để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung mà Hội nghị Trung ương 3 vừa qua đã đề cập.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến giải pháp cho những tháng cuối năm 2021 cần làm rõ các nội dung tập trung ưu tiên, đồng thời đánh giá kỹ bối cảnh năm 2022 để có kịch bản phù hợp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong năm 2022 làm rõ chuyển hướng trong phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép với trọng tâm thích ứng an toàn với dịch bệnh, vì vậy kế hoạch chiến lược phòng chống dịch cần được tích hợp và tính toán bảo đảm tối ưu và cân bằng giữa yếu tố y tế và kinh tế - xã hội; quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, tính toán thời điểm nơi lỏng có kiểm soát tránh tư tưởng nóng vội, không chủ quan; thống nhất cần có chương trình tổng thể để phục hồi phát triển kinh tế và tăng tính tự chủ của nền kinh tế và có đề xuất về tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khôi phục các hoạt động xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an sinh xã hội
Nêu rõ mục tiêu quan trọng đầu tiên là phải ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an sinh xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng có thể trình Quốc hội xem xét quyết định một số văn bản như kế hoạch phát triển phục hồi kinh tế sau dịch, xử lý nợ xấu, thể chế chính sách khác có trong chương trình và định hướng chương trình nhiệm kỳ.
Toàn cảnh phiên họp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay của đất nước, vì vậy cần phải có các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đồng thời tập trung vào các chính sách tài khóa đồng bộ với chính sách vĩ mô khác, gắn với cải cách thủ tục hành chính,chuyển đổi số, chấn chỉnh thái độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thúc đẩy đầu tư xã hội.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ có kiểm tra, rà soát và làm rõ một số vấn đề nổi lên thời gian qua để có báo cáo Quốc hội như giá xét nghiệm COVID-19; vần đề từ thiện của cá nhân; việc chuyển dịch lao động nhất là tại các tỉnh phía Nam, lao động về quê; vấn đề dạy và học trực tuyến; việc duy trì các hoạt động văn hóa xã hội để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc…
Tác động của đại dịch COVID-19 đối với các nhóm yếu thế trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ và việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Có ý kiến đề nghị quan tâm đến tình hình trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh năm 2021 gia tăng một số loại vi phạm và tội phạm như không chấp hành quy định về khai báo y tế, cách ly, làm lây lan dịch bệnh, tội chốn người thi hành công vụ, tội làm giả vật tư y tế thiết bị, tham nhũng trong công tác phòng chống dịch, bệnh. Trong bối cảnh khó khăn, dự báo tình hình tội phạm gia tăng đối với nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu, đề nghị Chính phủ có dự báo và các biện pháp giải quyết, xử lý để bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Biện pháp phòng chống dịch tại một số địa phương chưa nhất quán
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và thống nhất các báo cáo sau khi tiếp thu hoàn chỉnh có đủ điều kiện trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội đạt được của các tháng đầu năm 2021. Việc kiểm soát dịch bệnh cùng nhiều chính sách được triển khai để duy trì được mức tăng trưởng khá 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64 % tạo tiền đề để thực hiện cả năm 2021. Dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân dưới 4%, thu ngân sách ước vượt dự toán, huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả năm khoảng 3,5% GDP; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục được duy trì, các cân đối vĩ mô ổn định, bội chi nợ công ước trong ngưỡng cho phép. Cơ bản đời sống nhân dân, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận trong bối cảnh khó khăn, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn tăng trưởng dương, khẳng định vai trò bệ đỡ cho tăng trưởng, một số ngành đã lợi dụng được cơ hội để tăng trưởng như thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng, chế tạo, chế biến liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết thêm, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn bất cập, hạn chế. Theo đó, còn thiếu sự chuẩn bị cho kịch bản dịch bùng phát nhanh, quy mô lớn. Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại một số địa phương chưa nhất quán, có biểu hiện cứng nhắc, cát cứ gây cản trở sản xuất kinh doanh. Tiến độ tiêm vaccine bị chậm trong giai đoạn đầu nên tỉ lệ bao phủ thấp, khi bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Cùng với đó, chưa xây dựng được chiến lược ứng phó với đại dịch gắn với hỗ trợ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ở cấp độ quốc gia và từng địa phương, dẫn đến tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng. Việc triển khai các gói hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Mục tiêu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ đến kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, công tác phân bổ vốn, giải ngân vốn đầu tư công.
Cho biết, dự báo tình hình năm 2022 còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để giải quyết. Trong đó lưu ý đến xu hướng giảm của các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư tư nhân trong nước gặp khó khăn, dư địa phục hồi tăng trưởng giảm. Các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt đã gây khó khăn cho cung ứng nguyên vật liệu, vận chuyển hàng hóa làm động lực tăng trưởng từ sản xuất, xuất nhập khẩu gặp trở ngại lớn, dư địa tăng trưởng tiêu dùng bị ảnh hưởng đáng kể, tăng trưởng kinh tế thấp. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ sẽ gây sức ép lớn ngân sách, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng, tình trạng lao động thất nghiệp, mất việc làm tăng cao, lao động đang rời khỏi các tỉnh, thành phố lớn, xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số khu vực. Chuỗi sản xuất cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số còn hạn chế trong khi xuất hiện xu hướng hình thành xã hội ít tiếp xúc đến kinh tế ít tiếp xúc.
Cần có lộ trình mở cửa lại nền kinh tế, thí điểm áp dụng thẻ xanh vaccine
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp kinh tế - xã hội năm 2022 và ngân sách nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thực hiện chuyển sang mô hình thích ứng sống chung an toàn với dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh, có kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh để có kịch bản điều hành kinh tế - xã hội, tài khóa, tiền tệ, không để xảy ra tình trạng bị động, mất kiểm soát kinh tế.
Cần phải thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, trì hoãn những nhiệm vụ có thể trì hoãn để tập trung nguồn lực phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục kinh tế. Tính toán để nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với liều lượng phù hợp trên cơ sở đánh giá kỹ và kiểm soát được kết quả, sắp xếp lại các nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối với các nguồn lực. Cần đánh giá dư địa của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ làm căn cứ điều hành và phối hợp chính sách. Rà soát dự toán 2022 để tăng dự phòng, chủ động nguồn cho phòng chống dịch bệnh và thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế
Bổ sung rõ hơn trong các báo cáo việc thực hiện quyền hạn được Quốc hội ủy thác trong phòng, chống dịch, khôi phục kinh tế theo Nghị quyết 30/2021/QH15, vai trò của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phòng, chống dịch; báo cáo làm rõ nguyên nhân, lý do của việc phải lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương; về kế hoạch tài chính 3 năm; về tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành theo kế hoạch, khả năng giải ngân đối với công trình quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia.
Đánh giá tích cực hơn về nguồn thu dầu thô, thuyết minh rõ hơn các nguồn thu để lại và tính hợp lý của phân bổ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt thấp.
Cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lưu ý các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và tập trung thực hiện một số nội dung: Đảm bảo đủ nguồn cung vaccine, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nâng cao năng lực điều trị bệnh COVID-19; có lộ trình phù hợp cho việc mở cửa lại nền kinh tế, xây dựng phương án đón khách du lịch khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thí điểm áp dụng thẻ xanh vaccine. Tăng cường giải ngân đầu tư công, đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế có phân chia theo giai đoạn phục hồi sản xuất công nghiệp, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Xây dựng các phương án, giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại một số địa phương. Quan tâm đến y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh.
Về báo cáo dự toán ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, tập trung thực hiện một số nội dung khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai để điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân vốn. Có giải pháp đảm bảo nguồn thu và vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương sớm phân bổ và các khoản chưa phân bổ chi tiết. Khẩn trương quyết định đầu tư 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Báo cáo rõ nhu cầu kinh phí phòng, chống dịch, khôi phục kinh tế để có phương án cân đối nguồn và tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Đối với kiến nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương năm 2021 của Bộ, cơ quan trung ương theo số liệu như Tờ trình của Chính phủ; giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan dự thảo Nghị quyết xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội về tỷ lệ điều tiết về kinh phí cải cách tiền lương, việc tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù điều chỉnh lại tỷ lệ phân chia nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và một số kiến nghị khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội thảo luận quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý việc chuyển nguồn phải thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; đối với chi đầu tư phải có danh mục dự án trình Quốc hội theo đúng quy định; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước để hoàn thiện các báo cáo để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng