Nên hay không một chính sách riêng cho những người tiêm 2 mũi vaccine COVID-19?
Người dân đi lại giữa vùng không có dịch của Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 / Hà Nội bỏ quy định hành khách đi máy bay từ TP Hồ Chí Minh về phải cách ly tập trung 7 ngày
Ưu tiên cho những người được tiêm chủng là rất cần thiết
Tấm thẻ xanh COVID-19 trở nên rất quan trọng. Những người sở hữu tấm thẻ này đã được tiếp cận với tấm lá chắn vaccine. Họ sẽ là một trong những đối tượng trực tiếp khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến thời điểm này, đã có gần 55 triệu người ở Việt Nam được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó có hơn 14 triệu người tiêm đủ 2 mũi, chiếm khoảng 20% dân số từ 18 tuổi trở lên - một nguồn lực rất lớn đã cơ bản được bảo vệ trước dịch bệnh. Nhưng dường như nguồn lực này chưa được phát huy tối đa lợi thế.
20% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi.
Thực tế, người tiêm đủ 2 mũi vaccine đã được các chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo là không được chủ quan vì vẫn có thể mắc bệnh và làm lây lan dịch bệnh.
Phân tích về điều này trong chương trình Vấn đề hôm nay, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - cho biết: "Kết quả quan trọng nhất có được của vaccine COVID-19 là khi người đã tiêm vaccine đủ mũi có bị nhiễm có thể không có triệu chứng hoặc có những triệu chứng gì nhẹ, không phải vào viện. Quan trọng nhất là không quá tải hệ thống y tế. Chúng ta cũng phải lật ngược lại là nếu như người được tiêm chủng mà nhiễm COVID-19 cũng có thể lây cho những người chưa tiêm vaccine. Ưu tiên cho những người được tiêm chủng tôi cho rằng rất cần thiết. Nhưng chính sách đó phải gắn với khi họ đi lại tới địa bàn nào mới là quan trọng".
Về quan điểm cho rằng việc tiêm 2 mũi vẫn có thể mắc bệnh và lây bệnh khiến một số địa phương e dè về chính sách, ông Vũ Tú Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN đánh giá: "Nếu như chúng ta chiếu tỷ lệ rủi ro theo con số công bố của các chuyên gia về y tế so với tỷ lệ rủi ro đe dọa tính mạng của các loại bệnh khác hay của các nguyên nhân gây tử vong khác như tai nạn giao thông, chúng ta thấy nó thấp hơn rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta lại cứ tập trung vào nhóm rủi ro này mà thực ra nó không phải là cao để mà chúng ta cứ phải đóng lại như thế này".
"Đây là một sự lãng phí về mặt nguồn lực rất lớn. Bởi vì chúng ta đã thấy trên thế giới ở những nước xa xôi cũng như những nước trong khu vực đã áp dụng nguyên tắc "sống chung với virus" trên cơ sở đã có độ phủ vaccine nhất định và có các biện pháp an toàn tăng cường như 5K của Việt Nam hay kết quả xét nghiệm âm tính. Khi chúng ta có được tất cả những yếu tố để giảm thiểu rủi ro mà vẫn không coi tác dụng của các yếu tố đấy thì bao nhiêu nguồn lực đổ ra cuối cùng không để giải quyết được vấn đề gì" - ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.
Trên thế giới, người tiêm chủng đầy đủ được cho phép những gì?
Sống chung an toàn với COVID-19 sẽ là mục tiêu của tất cả các nước. Để thực hiện được điều đó, tiêm chủng đầy đủ là điều kiện tiên quyết. Tiêm phòng vaccine COVID-19 đầy đủ hiện đang là điều kiện bắt buộc để trở lại làm việc ở một số nước. Ngoài ra, đây cũng là điều kiện cho phép mọi người tham gia các hoạt động thường ngày như đến nhà hàng, tập thể dục thể thao.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), những người đã tiêm chủng đầy đủ có thể tham gia vào nhiều hoạt động mà họ đã làm trước đại dịch. Họ được phép du lịch nội địa và không cần phải xét nghiệm trước hoặc sau khi đi du lịch và không phải tự cách ly sau khi đi du lịch. Họ cũng không phải xét nghiệm trước khi ra nước ngoài (trừ khi điểm đến có yêu cầu) và không phải tự cách ly sau khi trở lại Mỹ.
Người dân ở Mỹ được phép du lịch nội địa và không cần phải xét nghiệm trước hoặc sau khi đi du lịch và không phải tự cách ly sau khi đi du lịch. Ảnh minh họa: AP.
Tại Australia, bang New South Wales có những quy định cụ thể với người đã tiêm chủng đầy đủ. Theo đó, những người đã tiêm chủng được phép đến thăm nhà người thân, nhưng không được tập trung quá 10 người. Trong khi đó, các hoạt động thể thao ngoài trời được phép tập trung không quá 20 người. Các hoạt động ngoài trời khác như dã ngoại, tham quan không được tập trung quá 30 người. Tất cả đều phải đem theo chứng chỉ tiêm chủng, thực hiện khai báo trên ứng dụng và đeo khẩu trang mỗi khi đến bất cứ địa điểm nào.
Tại Pháp, những người tiêm chủng đầy đủ sẽ được cấp một thẻ sức khỏe, điều kiện cho phép mọi người vào nhà hàng, quán bar, đi máy bay và tàu hỏa.
Tại Singapore, chỉ những người tiêm chủng đầy đủ mới được phép ăn trong nhà hàng nhưng cũng không chung quá 5 người.
Nhiều quốc gia coi tỉ lệ tiêm chủng cho người dân đạt 70% là điều kiện quan trọng để trở lại với cuộc sống bình thường mới không phải vì dịch bệnh không còn lây lan nữa, mà là vì dịch bệnh không còn nguy hiểm nữa.
Về vấn đề một số nơi vẫn e dè, chưa thực sự thông thoáng như kỳ vọng, ông Vũ Tú Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết: "Viễn cảnh virus vẫn còn lang thang ở trong cộng đồng và nguy cơ bùng phát dịch với quy mô rất lớn như ở TP Hồ Chí Minh trước khi phủ vaccine trong mùa hè vừa qua khiến người ta "chùn tay", không dám đưa ra quyết định quá mạo hiểm. Mô hình 3 tại chỗ thực sự chỉ rất ít doanh nghiệp có thể thực hiện được. Họ cũng không thể thực hiện được mô hình này trong một khoảng thời gian quá dài mà chỉ có thể làm được khoảng vài tuần hay vài tháng. Có rất nhiều bất cập ở đây. Về mặt chi phí tăng vọt lên khiến doanh nghiệp hầu như không còn lãi nữa, thậm chí là phải chấp nhận lỗ bởi phải đáp ứng đơn hàng của khách hàng".
Ông Vũ Tú Thành cũng đồng ý với ý kiến cho rằng những người tiêm 2 mũi vaccine cần có một chính sách riêng cho họ bởi đây đều là những nguồn lực rất quan trọng, là những lực lượng lao động, doanh nghiệp, doanh nhân tuyến đầu.
"Cứ đáp ứng được tiêu chí của Bộ Y tế là đáp ứng được tiêm chủng đầy đủ thì phải được hưởng quyền đi lại không giới hạn. Tất nhiên là căn cứ thêm vào yếu tố an toàn về mặt dịch tễ" - ông Thành cho biết thêm.
Chính phủ ngay từ đầu đã khẳng định, đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết. Bởi vậy một nguồn lực rất lớn đã được huy động để mang vaccine về nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Trong số những người người sớm được tiêm, có những người ở lực lượng tuyến đầu, người trực tiếp tham gia quá trình sản xuất kinh doanh…
Chính phủ xác định, đó chính là nguồn lực to lớn trong quá trình chống dịch và sau này là khôi phục kinh tế. Nếu coi việc tiêm vaccine là một sự đầu tư của Chính phủ thì trong ngắn hạn, chúng ta đã bắt đầu có được hiệu quả khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Dài hơi hơn, những người tiêm đủ 2 mũi chính là nguồn lực, không chỉ để bảo vệ sức khỏe của họ, của cộng đồng mà là lực lượng tuyến đầu để khôi phục sản xuất kinh doanh và nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo