Điểm sáng kinh tế 10 tháng đầu năm
Đại học Cần Thơ khánh thành 2 công trình trị giá hơn 105 triệu USD / Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá: Địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn
Tiếp tục đà phục hồi là điểm nhấn toát lên từ các số liệu kinh tế khi các số liệu tháng 10 tiếp tục đóng góp đáng kể vào mức tăng đó. Trước tiên, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ, mà trong đó ngành chế biến chế tạo vẫn có mức tăng vượt trội. Lực cầu cũng tiếp tục cải thiện rõ nét khi mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.
Dòng vốn đầu tư tiếp tục khởi sắc, trong đó, vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Còn vốn đầu tư nước ngoài, dù lượng vốn đăng ký 10 tháng có giảm nhẹ hơn 5%, nhưng lượng vốn thực hiện tăng tới 15,2%, đạt 17,45 tỷ USD. Đây cũng là con số cao nhất cùng kỳ 5 năm qua.
Đáng chú ý, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều duy trì đà tăng so với cùng kỳ. Nếu xuất siêu 10 tháng lên tới 9,4 tỷ USD, thì riêng con số tháng 10 đã chiếm tới gần ¼ số đó.
Trong bối cảnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 10 tháng được kiểm soát ở mức tăng 2,89% so với cùng kỳ, đảm bảo mục tiêu cả năm sẽ dưới mức 4%.
Đó là những con số cho thấy nội lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, chắc hẳn nền kinh tế cũng không tránh khỏi những thách thức và áp lực.
Xu thế cắt giảm chi tiêu tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ
Trước tiên là nhu cầu của các thị trường phương Tây đang có xu hướng sụt giảm đáng kể. Theo một khảo sát mới đây của hãng McKinsey, tình hình lạm phát đã tác động lên thói quen chi tiêu của người dân nhiều nước châu Âu.
Cụ thể, khảo sát trên 1000 người dân đến từ một vài nền kinh tế lớn trong EU đã chỉ ra cứ 10 người thì tới 4 người đã giảm thiểu chi tiêu của họ đối với những mặt hàng không phải là thực phẩm - tức là không thiết yếu bằng thực phẩm. Lòng tin của người tiêu dùng tại Đức, kinh tế đầu tàu EU cũng giảm 22%, còn tại Pháp là 10%.
Trong vòng vài tháng cuối năm, hầu hết người dân EU không hề có kế hoạch mua sắm nhiều cho bản thân. 10 người thì có 7 người trả lời họ không có kế hoạch đi shopping. Còn tại Mỹ, hãng Deloitte chỉ ra rằng tình hình lạm phát từ đầu năm tới giờ, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao, đã tạo ra một sức ép dai dẳng, khiến người tiêu dùng Mỹ cũng hạn chế chi tiêu hơn. Mức giảm chi tiêu cảm nhận rõ từ tháng 5 trở đi.
Với những áp lực từ sự suy yếu trong nhu cầu tiêu dùng từ 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đại diện Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận, những con số kinh tế 10 tháng của nền kinh tế cũng bắt đầu cho thấy những tín hiệu cần lưu tâm.
Nâng chất thu hút đầu tư nước ngoài
Lãi suất toàn cầu gia tăng cũng khiến dòng vốn đầu tư có xu hướng quay đầu. Với Việt Nam, dù số vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục cùng kỳ 5 năm qua, nhưng ngược lại, dòng vốn FDI đăng ký lại có xu hướng giảm. Con số 10 tháng đạt 22, 46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Thực tế này cũng đặt ra lo ngại về dòng vốn FDI chảy vào nền kinh tế trong những quý tiếp theo. Trong bối cảnh đó, xu hướng chú trọng vào chất của dòng vốn ngoại trong giai đoạn tới càng được nhắc tới nhiều hơn.
Đầu tư vào Việt Nam đã được 25 năm, đến năm 2021, nhận thấy hoạt động hiệu quả, Công ty TNHH LS Electric Việt Nam đã xây dựng thêm một nhà máy tại Việt Nam và sử dụng toàn bộ năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường.
Ông Kwak Soo Hyuk, Tổng Giám đốc Công ty TNHH LS Electric Việt Nam, cho biết: "Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, là một trong những thị trường rất tiềm năng và rộng. Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và các cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực điện được đầu tư chú trọng. Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chính sách linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời kì khó khăn của COVID-19".
Tuy vốn đầu tư đăng ký mới giảm, nhưng cả vốn thực hiện vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Dòng tiền FDI thực tế đưa vào sản xuất kinh doanh đã tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh, đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước gắn kết chặt chẽ hơn với chuỗi sản xuất lớn toàn cầu.
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cơ khí chính xác HBT Việt Nam, chia sẻ: "Các yêu cầu sẽ ngày càng cao hơn, luôn luôn thay đổi. Các doanh nghiệp trước hay báo cáo bằng tay, kể cả công đoạn kiểm soát chất lượng, chúng ta vẫn phải có những cái kiểm soát bằng tay và ghi chép bằng tay. Bây giờ khách hàng đang hướng chúng ta đến việc giảm bớt con người đi. Ví dụ có những thiết bị đo không cần đo bằng tay, chỉ cần đặt sản phẩm vào là máy tự động đo, tự động cập nhật lên hệ thống của khách hàng".
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: "Rất nhiều công ty phụ trợ cũng phát triển và đặc biệt các doanh nghiệp Việt Nam thấy làn sóng đó họ tự nâng cấp mình, nhập khẩu công nghiệp, tìm kiếm công nghệ, liên doanh liên kết để học hỏi công nghệ, mua lại công nghệ người ta xây dựng nhà máy và cung cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp FDI cũng muốn nội địa hóa để giảm chi phí. Theo đó, doanh nghiệp trong nước và FDI tăng tiệm cận lại nhau trở thành động lực cho phát triển".
Theo các chuyên gia, hiện nay, xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang các lĩnh vực khác như sản xuất hàm lượng công nghệ cao, tăng trưởng xanh, năng lượng xanh, nên Việt Nam cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ, tạo hành lang chính sách phù hợp để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.
Đa dạng hoá dòng vốn đầu tư nước ngoài
Không chỉ nâng chất dòng vốn ngoại, mà song song với đó, một giải pháp được mở ra trong thời gian tới, đó là cần thiết phải đa dạng hoá của dòng vốn, tận dụng được các dòng vốn từ các thị trường khác, ví dụ như vùng Vịnh hay OECD chẳng hạn.
Ông Abdala Abuassi, Quỹ đầu tư Nông nghiệp Amima, UAE: Khi đầu tư vào một quốc gia, chúng tôi quan tâm tới sự cam kết, tính nhất quán và những thành tích của quốc gia ấy thời gian qua. Những gì chúng tôi đang thấy được từ Việt Nam đều là những tín hiệu tích cực. Nó thôi thúc chúng tôi sang Việt Nam để đi tìm cơ hội cho mình.
Ông Yoshiki Takeuchi, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, lạm phát nhiều nền kinh tế tăng cao, thì lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt. Bình quân 9 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 2,7%, mức này thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước OECD. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia tránh được suy thoái liên quan tới COVID-19. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam tương đối mạnh. Điều này được thúc đẩy một phần bởi đầu tư nước ngoài, khi nhiều công ty trong khối OECD đang hướng đến Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, dù ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được, nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn, thách thức như giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột mà phải bám sát thực tiễn để điều hành theo quy luật của thị trường. Phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể, trong đó điều hành chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa hai chính sách tiền tệ và tài khóa; tháo gỡ vướng mắc để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn; kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là trong những tháng trước thềm Tết Nguyên đán.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng