Doanh nghiệp ‘tăng tốc’ hoạt động nhờ chính sách giảm thuế
Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm rất chậm / Hà Nội có 711 ca mắc COVID-19 mới ngày 3/5, gần 150.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1
Tính chung 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%. Kết quả trên cho thấy các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 4/2022, có 5.391 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,1% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021; có 3.762 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 52,1% và giảm 32,9% và có 1.227 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% và giảm 20,4%.
Theo Tổng cục Thống kê, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Chính sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các doanh nghiệp mới đã giúp thu ngân sách quý I/2022 đạt khá. Đơn cử, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) quý I/2022 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 389.320 tỷ đồng, bằng 33,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 105,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu nội địa ước đạt 374.581 tỷ đồng, bằng 32,7% so với dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021; thu từ dầu thô ước đạt 14.739 tỷ đồng, bằng 52,3% so với dự toán, tăng 67,6% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách quý I/2022 đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán và tăng so cùng kỳ là do: Tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát; hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt, các doanh nghiệp đã có sự tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Đáng chú ý là khu vực dịch vụ quý I/2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I/2022 như sau: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, kể từ ngày 1/2/2022 đến 31/12/2022, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10% của cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Mức thuế GTGT mới đối với các mặt hàng thuộc nhóm được giảm là 8%.
Ngoài ra, để giảm áp lực tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-UBTVQH15 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu. Theo đó, mức thuế BVMT đối với xăng (trừ ethanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn sẽ được giảm 50% từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa giảm 70% từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Từ nay tới cuối năm, ngành Thuế đã yêu cầu các đơn vị trong ngành Thuế cần tiếp tục rà soát kỹ, nắm bắt từng nguồn thu, sắc thuế chi tiết đến từng tháng, từng khu vực, sắc thuế để đánh giá dự báo sát diễn biến, tình hình thu; tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Thuế phương án điều hành ngân sách cho phù hợp.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp cần tăng cường công tác quản lý nợ, chủ động phân tích nguyên nhân từng khoản nợ thuế, tính chất nợ tại các địa phương để tổng cục có giải pháp xử lý, thu hồi nợ thuế hiệu quả. Bên cạnh đó, Vụ Quản lý nợ cần tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin sẵn có, đẩy nhanh tiến độ xử nợ chủ động đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra, cơ quan quản lý thuế cần sớm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo