Đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Trước thềm xuân Quý Mão 2023, hoa Sa Đéc và quýt hồng Lai Vung cùng “trẩy hội” / Ngành Công Thương: Hoàn thành nhiều chỉ tiêu chính phủ giao năm 2022
Thông tin này vừa được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra tại họp báo về tiến độ triển khai dự án trong chiều 28/12. Ngoài ra, nhiều vấn đề liên quan trong quá trình triển khai thi công cũng đã được Bộ GTVT làm rõ.
Trả lời báo chí về việc giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam sẽ giải quyết tình trạng thiếu nguồn đất đắp nền đường và nguyên vật liệu như đã xảy ra ở giai đoạn 1 ra sao, đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện 4 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ gồm: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Sóc Trăng đã cơ bản đáp ứng đủ nguồn cát sông cho dự án. Ngoài ra, các mỏ vật liệu cũng đã có giải pháp tháo gỡ.
Để có thể khởi công các gói thầu của giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT chỉ có khoảng 1 tháng cho công tác chuẩn bị. (Ảnh minh họa - Ảnh: VOV)
"Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 nghị quyết, Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 cho phép các nhà thầu tiếp cận và khai thác các mỏ, không phải mua mỏ thương mại. Với dự áncao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, về nguồn vật liệu hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tiến độ triển khai thi công các dự án", ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình, Bộ GTVT, cho biết.
Liên quan đến việc chỉ định thầu làm sao đảm bảo công khai minh bạch, đại diện Bộ GTVT khẳng định, các nhà thầu tham gia vào giai đoạn 2 đều là các đơn vị lớn, có năng lực về tài chính và kỹ thuật. Đặc biệt, các nhà thầu chậm tiến độ, bị cắt chuyển hợp đồng trong giai đoạn 1 chắc chắn sẽ không được tham gia vào giai đoạn 2 này.
Chuẩn bị các điều kiện khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Để có thể khởi công các gói thầu của giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT chỉ có khoảng 1 tháng cho công tác chuẩn bị. Áp lực về thời gian được xem là khó khăn lớn nhất đòi hỏi các đơn vị liên quan phải lên kế hoạch chi tiết cho các công việc theo từng ngày nhằm đảm bảo tiến độ.
12 gói thầu khởi công đầu tiên của giai đoạn 2 có tổng chiều dài 331 km. Dự kiến đến ngày khởi công, sẽ có khoảng 75% mặt bằng được các địa phương bàn giao.
"Về công tác giải phóng mặt bằng, hiện dự án đi qua 2 tỉnh là Quảng Bình và Quảng Trị, mỗi tỉnh khoảng 32,5 km. Hiện đang chi trả đền bù để giải phóng mặt bằng khoảng 60% và đến 25/2 theo kế hoạch sẽ vượt 70% toàn bộ phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án", ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, thông tin.
Theo đại diện Bộ GTVT, 13 gói tiếp theo cũng đã được Bộ chỉ đạo các mốc công việc cụ thể; dự kiến sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu trước ngày 10/1/2023, đảm bảo có tổng cộng 25 gói thầu sẽ được khởi công trước Tết Nguyên đán.
"Đã có kế hoạch cụ thể. Đến nay, tiến độ của các dự án đều đáp ứng và đảm bảo được mốc khởi công 25 gói thầu trước Tết Nguyên đán và sẽ tổ chức triển khai đồng loạt trước 31/3 theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ", ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình, Bộ GTVT, nhận định.
Xác định giải phóng mặt bằng luôn là nút thắt của các dự án, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 18, Bộ GTVT và các địa phương đã tổ chức làm 3 đợt triển khai giải phóng mặt bằng ngay từ tháng 3 năm nay, song song với các công việc khác. Đây được xem là một trong những cơ chế đặc thù quan trọng góp phần đảm bảo tiến độ cho dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam.
Sẵn sàng thi công ngay các dự án Bắc - Nam giai đoạn 2
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc không để các dự án khởi công xong rồi để đó, các ban quản lý dự án và nhà thầu đã phải gấp rút chuẩn bị các nguồn lực để có thể bắt tay ngay vào thi công, nhằm kịp thời giải ngân được nguồn vốn phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.
Với 2 dự án thành phần có tổng chiều dài 103 km, đi qua 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho biết, trong thời gian rất ngắn phải hoàn thành các điều kiện, nếu chỉ nỗ lực của một mình Ban sẽ là không đủ, mà lực lượng tư vấn rất quan trọng.
"Lực lượng tư vấn trong ngành giỏi đều tham gia vào và họ làm các dự án khác nữa. Do đó, ngoài bộ máy của ban vận hành cần phải có một bộ phận lực lượng theo sát bộ máy vận hành để kịp tiến độ", ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT, cho hay.
Giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng, phải cơ bản hoàn thành vào năm 2025. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
"Ngay sau khi nhà thầu khởi công xong, chúng tôi cũng yêu cầu nhà thầu phải tập trung toàn bộ máy móc thiết bị cũng như lực lượng cán bộ để xử lý các vướng mắc, ví dụ như về nguồn vật liệu, phối hợp với địa phương tiếp tục giải quyết công tác giải phóng mặt bằng để tạo mọi điều kiện cho nhà thầu thi công", ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT, cho biết.
Thời điểm này, hầu hết các ban quản lý dự án đều đã bố trí xong các văn phòng và nhân sự thường trực tại hiện trường. Việc chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị phục vụ thi công cũng đã sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu xây dựng đồng loạt càng sớm càng tốt.
Giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng, phải cơ bản hoàn thành vào năm 2025. Với một khối lượng vốn cần giải ngân lớn như vậy, không chỉ ở khâu khởi công mà quyết tâm bám sát tiến độ sẽ phải được duy trì đều đặn trong suốt quá trình triển khai thi công, như chỉ đạo trước đó của Thủ tướng Chính phủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước