EPR - thúc đẩy chuyển đổi xanh - Bài 1: Nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp
Hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững / Bão số 3 - Bài học dự báo từ sớm, từ xa - Bài 1: Siêu bão với nhiều bất thường
Hiện có hơn 400 hệ thống EPR khác nhau trên toàn cầu đang được các quốc gia áp dụng. Với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á xây dựng chính sách này.
Ngoài mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải, EPR sẽ tác động thay đổi thói quen của nhà sản xuất và người tiêu dùng, mở rộng khả năng sử dụng nguyên, nhiên vật liệu thân thiện với môi trường. Chính sách này được đánh giá là cơ hội của ngành công nghiệp tái chế, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta. Nộidung này được phóng viên thể hiện qua hai bài viết: EPR -thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Bài 1: Nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp
Theo ông Phan Tuấn Hùng,Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), EPR là chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Chính sách này yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm suốt vòng đời của sản phẩm hay hàng hóa đó, bao gồm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng đến thải bỏ.
Chính sách đột phá trong quản lý chất thải
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không phải là chính sách mới ở Việt Nam. Điều này được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và tiếp tục được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ vào năm 2013 và quy định này đã được sửa đổi, bổ sung năm 2015.
Tuy nhiên, 19 năm qua quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu chưa được thực hiện hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là trước đây mô hình này hoàn toàn tự nguyện. Quy định này chỉ thật sự trở thành công cụ chính sách kinh tế môi trường khi được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và lộ trình thực hiện rõ ràng.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có 2 trách nhiệm. Cụ thể tại Điều 54 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; Điều 55 quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải.
Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì bao gồm: săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì; điện và điện tử; phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc.
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Nhà sản xuất, nhập khẩu 4 nhóm sản phẩm, bao bì (săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện từ ngày 1/1/2025 và nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện từ ngày 1/1/2027.
Về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật, pin sử dụng một lần, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá, một số sản phẩm, hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nylon khó phân hủy kích thước nhỏ…).
Theo các chuyên gia EPR là chính sách đột phá trong quản lý chất thải, đưa ra giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm và giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu về môi trường.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Không phải chính sách nào khi ban hành đều được đồng thuận và triển khai hiệu quả, nhất là chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của đa số doanh nghiệp như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Vì vậy trước và sau khi ban hành quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hội thảo tham vấn, phổ biến, tập huấn cho các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân; thành lập các đơn vị liên quan đến việc thực hiện EPR.
Tháng 2/2023, Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia được thành lập. Hội đồng EPR quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành có nhiệm vụ chính là giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tư vấn, giúp Bộ trưởng quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu
Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia có nhiệm vụ giúp Hội đồng EPR quốc gia tổ chức xây dựng tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và hoạt động xử lý chất thải để Hội đồng EPR quốc gia đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt và công bố công khai theo quy định của pháp luật.
Nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc đăng ký, kê khai, báo cáo khi thực hiện EPR, tháng 2/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia,
Việc chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia sẽ giúp các nhà sản xuất, nhập khẩu thuận lợi, dễ dàng hơn và tiết kiệm chi phí tuân thủ trong việc đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng Thông tin điện tử EPR quốc gia, nhà sản xuất, nhập khẩu có thể truy cập Cổng thông tin này để cập nhật các thông tin về quy định pháp luật và giải đáp pháp luật liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang hoàn thiện và sẽ sớm ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Theo đó, tiền đóng góp tài chính chỉ được dùng để hỗ trợ chi phí tái chế cho các cơ sở tái chế đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật (không hỗ trợ cho các mục đích khác). Đối tượng được hỗ trợ gồm các doanh nghiệp tái chế các sản phẩm, bao bì như: Bao bì giấy, bao bì nhựa, bao bì kim loại, ắc quy, pin sạc nhiều lần, dầu nhớt, săm, lốp các loại, thiết bị điện, điện tử, phương tiện giao thông.
Điều kiện để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ là được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp tái chế phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và chưa bị xử phạt vi phạm về lĩnh vực môi trường…
Việc hỗ trợ xử lý chất thải cũng chỉ dành cho một số đối tượng nhất định và kèm theo nhiều điều kiện bắt buộc. Đối tượng được hỗ trợ xử lý chất thải là các chủ đầu tư thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.
Nhằm cung cấp hỗ trợ thông tin cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu biết, tham khảo trong quá trình thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách hơn 50 đơn vị đủ năng lực thực hiện tái chế bao bì, ắc quy, pin, dầu nhớt, săm lốp, điện, điện tử và 2 tổ chức được ủy quyền tái chế là Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Công ty Cổ phần tái chế bao bì – PRO Việt Nam.
Bài cuối: Cơ hội phát triển ngành công nghiệp tái chế
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đợt không khí lạnh mạnh nhất: Miền Bắc nhiều nơi dưới 1 độ C, Hà Nội lạnh nhất từ đầu mùa đông
Hoàn thiện phương án sắp xếp của bộ, ngành
Đà Nẵng: Ba khâu đột phá phát triển du lịch trong 2025
Xây dựng thương hiệu công nghiệp TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Đưa sản phẩm chủ lực vào chuỗi cung ứng
Công ty bảo hiểm lần thứ 9 xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Hiệu quả từ chiến lược phát triển bền vững