Tiết kiệm điện để giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu
Đà Nẵng phát hiện hơn 1.900 đồ chơi trẻ em nhập lậu / Quý 4 trình Thủ tướng quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Theo Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Lâm Giang, tại hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" vào năm 2050.
Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức tại Đà Nẵng ngày 19/9.
Các tham luận tại hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 tổ chức ở Đà Nẵng ngày 19/9 khẳng định, chuyển đổi xanh hướng đến kinh tế tuần hoàn đã và đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới. Đây là một trong những giải pháp được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.
Theo thông tin tại hội nghị, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu tiết kiệm từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025; và từ 8 - 10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Chương trình đề ra các giải pháp toàn diện và đồng bộ trong việc xây dựng, kiện toàn và thực thi mạnh mẽ các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thiết lập các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, các hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên tất cả các mặt của nền kinh tế và của toàn xã hội.
Tìm hiểu các sản phẩm, thiết bị hỗ trợ và giải pháp tiết kiệm năng lượng trưng bày bên lề hội nghị.
Đáng chú ý, báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tại hội nghị cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu.
Việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện đỏi hỏi nguồn lực rất lớn của xã hội; các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao cũng như bị giới hạn về tỷ trọng công suất trong hệ thống điện do các rào cản kỹ thuật trong việc vận hành ổn định hệ thống.
“Trong bối cảnh đó, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hoá thạch nhập khẩu, bảo đảm cung ứng điện, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo