Giá sách giáo khoa xã hội hóa cao, cần có chính sách bình ổn
DNVN - Chiều 16/5, cho ý kiến về thực hiện, triển khai nghị quyết của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, một số ủy viên UBTVQH đề nghị Chính phủ có chính sách bù giá SGK hoặc hỗ trợ học sinh nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.. mua SGK xuất bản theo hình thức xã hội hóa có giá cao hơn giá sách hiện nay…
Vì sao môn Tiếng Anh chưa công bố sách giáo khoa? / Sách giáo khoa mới giúp giáo viên, học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo
Đã sẵn sàng triển khai SGK mới
Trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, Bộ GD&ĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả để tổ chức biên soạn SGK theo quy định, nhưng không đủ ứng viên tham gia.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018-2022, trong đó có kế hoạch xuất bản SGK mới đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục đáp ứng lộ trình triển khai chương trình mới.
Kết quả chuẩn bị SGK đến nay đã triển khai tốt việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK được 9 đầu SGK lớp 1 kịp thời triển khai chương trình mới từ năm học 2020-2021.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp của UBTVQH chiều 16/5/2020. (Ảnh: VPQH)
Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới. Cụ thể, năm học 2020-2021 áp dụng đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Để triển khai năm học 2020-2021 với lớp 1, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình, SGK lớp 1 từ năm học 2020-2021; hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu tối thiểu, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa đối với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục tại địa phương thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới đối với lớp 1; ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1; hướng dẫn việc tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; dự thảo văn bản hướng dẫn cho cơ sở giáo dục lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Giá SGK cần được quan tâm thích đáng
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói, báo cáo của Chính phủ không nêu vấn đề giá sách giáo khoa, nhưng đây là vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
Hiện nay, các SGK lớp 1 đã phát hành là SGK xã hội hóa do các nhà xuất bản công lập tự chủ tài chính phát hành. Vì vậy, vấn đề giá bán SGK cần được Chính phủ quan tâm thích đáng.
Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhìn chung, các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm túc việc kê giá với Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT. Bộ Tài chính cơ bản chấp thuận bản kê giá của các nhà xuất bản.
Kết quả khảo sát cho thấy, tuy đơn giá tính trên mỗi trang in biến động không nhiều nhưng giá của cả bộ SGK mới có cao hơn giá của cả bộ SGK lớp 1 hiện hành từ 3,3 lần đến 3,7 lần (SGK mới có giá từ 179.000 đ/bộ đến 199.000 đ/bộ bao gồm cả SGK điện tử, trong khi SGK hiện hành có giá là 54.000 đ/bộ). Nguyên nhân sự chênh lệch giá là do bộ SGK lớp 1 mới có số lượng quyển nhiều hơn, kỹ thuật trình bày, in ấn có thay đổi so với bộ SGK hiện hành.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sớm xác định nguồn kinh phí hỗ trợ và đối tượng cần hỗ trợ SGK (học sinh thuộc diện chính sách và nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt), cung cấp SGK cho các thư viện trường phổ thông,...
Rất chia sẻ với Chính phủ cũng như Bộ GD&ĐT về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội và những lý do dẫn tới giá SGK mới cao hơn SGK hiện hành, nhưng Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh tới sự quan tâm của cử tri và nhân dân về vấn đề giá SGK. Từ đó, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ quan tâm tới lộ trình bình ổn giá SGK.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nêu quan điểm cần kiểm soát được giá SGK trên cơ sở tính đến mặt bằng thu nhập của nhân dân. Đồng ý rằng, việc xã hội hóa biên soạn và phát hành SGK chắc chắn sẽ làm cho giá sách cao hơn, nhưng Tổng thư ký Quốc hội đề nghị cần có sự kiểm soát về giá hoặc có hình thức hỗ trợ thích hợp cho học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, con em người có công.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc tới chính sách không tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để bảo đảm đời sống cho nhân dân và cho rằng, việc SGK không được tăng giá sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất bản. Nếu không được tăng giá SGK, dẫn tới bị thua lỗ thì các nhà xuất bản sẽ không in sách nữa. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, nếu không cho tăng giá SGK thì có cần đưa SGK vào diện bình ổn giá, được nhà nước bù giá không?
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, SGK mới được in rất đẹp, có thể sử dụng lại nhiều lần. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị quan tâm, có chính sách trợ giá để hỗ trợ học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
Cột tin quảng cáo