Tin tức - Sự kiện

Giáo sư Y khoa người Việt tại Đức nói về cách người Đức chống dịch Covid-19

DNVN - Tiến sĩ Trương Hồng Quang (BCS - Berlin Crisis Solutions từ CHLB Đức) đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Thoại – Nguyên Giáo sư Y khoa tại Đại học Tự do Berlin (Freie Universität Berlin), nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt tại Vivantes Klinikum Berlin về cách người Đức phòng, chống dịch Covid-19 và những lời khuyên cho người dân.

Bác sĩ người Việt ở Bệnh viện Hannover tiết lộ cách người Đức phòng và chống đại dịch Covid-19 / Tiến sĩ miễn dịch học tại Bệnh viện Đại học Würzburg bàn về dịch Covid-19 ở Đức và châu Âu

TS. Trương Hồng Quang trò chyện trực tuyến với GS. TS. Phạm Duy Thoại.

TS. Trương Hồng Quang trò chyện trực tuyến với GS. TS. Phạm Duy Thoại.

Tiến sĩ Trương Hồng Quang: Xin mời Giáo sư Phạm Duy Thoại điểm qua những bài học từ việc đối phó và khắc phục những đại dịch trong quá khứ?

Giáo sư Phạm Duy Thoại: Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918–1920, chúng ta biết được cách ly là biện pháp tốt nhất. Từ Trung Cổ người ta đã cách ly những người có bệnh để virus không lan tỏa ra những người khác. Biện pháp này rất quan trọng. Mỗi người chúng ta đều có thể làm được ngay cả trong thời buổi bây giờ. Qua đó chúng ta cũng biết được dịch bệnh có thể tự giới hạn lại. Tức là khi nó đã qua giai đoạn đỉnh rồi thì sẽ đi đến giai đoạn thoái trào. Nó có tính chất tự giới hạn bởi vì rất nhiều người khi bị nhiễm có khả năng miễn dịch nên trường họp lây lan bệnh dịch không phải là vô hạn. Từ đó, nếu ta tập trung tất cả những người bị mắc bệnh vào một vùng, không cho người nào đi ra hay đi vào thì khi qua cao điểm rồi nó sẽ tự động hết.

Liên quan đến việc đó thì có câu chuyện về miễn nhiễm cộng đồng. Một số chuyên gia đặc biệt từ Việt Nam cũng cho ý kiến miễn nhiễm cộng đồng là một chiến lược buộc phải chấp nhận hậu quả, số lượng người chết sẽ rất lớn. Anh có nhận xét gì về quan điểm này? Đây có phải chiến lược đang thực hiện ở châu Âu hay không? Đặc biệt là mô hình ở Anh thời gian gần đây khác với việc ngăn chặn như các quốc gia ở châu Á?

Theo như giả thuyết của những người làm về dịch tễ, nếu cứ để lây nhiễm đại dịch tới lúc nào đó đại đa số những người bị nhiễm họ sẽ phản ứng lại được, tức là tự miễn dịch. Ta không cần phải làm gì hơn. Miễn dịch cộng đồng được bàn bạc gần đây tôi nghĩ một phần do người ta nhìn vào việc cách xử lý từ tháng 3, khi bắt đầu virus lây lan ở phương Tây, đặc biệt là Anh và Pháp. Trong một cuộc họp báo tại Anh, người ta đã đề ra cách giải quyết.

Khi sử dụng ngôn ngữ của người chuyên về dịch tễ, tôi nghĩ họ đã không khéo lắm khi giải thích cho người nghe, đặc biệt là khi báo chí đăng lại càng làm cho người dân xôn xao khi thấy rằng nếu cứ để cho người ta tự nhiễm rồi tự có miễn dịch thì trong tình hình đại dịch như bây giờ, ta tính nguy cơ nếu từ 1% thì số người chết vẫn rất đông. Mọi người nghĩ cách này là vô nhân đạo nhưng thực sự thì không có người nào nói rằng tôi chịu tử vong để mọi người được miễn dịch. Đặc biệt từ thứ 2 vừa qua, sau buổi họp báo tại Anh, cũng đã xác định rằng họ không theo chủ trương, chiến lược miễn dịch cộng đồng. Đây không thể là một chiến lược của Anh, càng không thể là chiến lược của Đức. Ta thấy mỗi nước đều có cách phát triển, một lối hành xử và cách xử lý thông tin khác nhau.

Bài phát biểu chính thức của Thủ tướng Merkel trong khối nghị sĩ của một đảng tại nghị viện lần đầu tiên đưa lên con số 60–70% dân số Đức sẽ nhiễm Corona. Những con số ấy được dựa vào phát biểu của các nhà chuyên môn. Người ta tính khoảng 80% cộng đồng người nhiễm rồi thì lúc đó mới có khả năng miễn dịch cộng đồng. Chính vì thế người dân mới hiểu rằng cách làm của Đức và của châu Âu khi đó là cứ để cho dịch tràn vào và tạo ra sự lây nhiễm cộng đồng. Như vậy sau đó dịch mới dừng lại. Cách hiểu ấy chắc là cũng không đúng bởi vì rõ ràng hiện nay ở châu Âu đang dùng phương pháp cách ly để làm giảm toàn bộ quá trình lây nhiễm.

Nếu 60-70% người bị nhiễm thì sẽ có số lượng người có miễn dịch, làm cho dịch không tăng lên được nữa. Từ tính toán đó cũng không ai có thể nói trước được trong thời gian tới tình hình sẽ như nào, bản thân các nhà khoa học qua vài tháng vừa qua cũng học hỏi thêm được nhiều điều bởi vì loại virus mới này họ phát hiện được một số thứ mới và học tập thêm.

Trong cuộc họp báo, một Viện trưởng đã đưa ra con số, trong vòng vài tháng nữa Đức không làm tốt công tác cách ly và giãn cách xã hội thì có thể số người nhiễm Corona sẽ tăng lên 10 triệu tới 15 triệu. Ông đánh giá về dự báo này như nào?

Tôi nghĩ tình hình ở Đức đã thay đổi. Ông Viện trưởng ý đã tính theo sự phát triển cho đến nay. Đầu tháng 3 mới có 117 người nhưng sau 1 tuần con số đã lên tới 10.000 người. Theo cấp độ 3–4 ngày tăng gấp đôi. Cứ 10 ngày tăng lên gấp 10 lần. Hiện nay ở Đức có gần 20.000 người bị nhiễm Corona. Với tốc độ như vậy nếu chúng ta không làm gì hơn và áp dụng biện pháp như hiện tại thì có nguy cơ người nhiễm bệnh sẽ tăng lên hàng triệu. Vì vậy, chúng ta cần nắm rõ số lượng người hiện đang bị nhiễm và có những biện pháp thích hợp thì sẽ giảm thiểu được số lượng người bị nhiễm và tử vong. Tình hình bây giờ rất khẩn trương. Trong những ngày vừa qua, càng lúc Chính phủ càng siết chặt hơn những biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong xã hội. Ở châu Âu, nhà nước không muốn người dân bị rối loạn nên họ đã tạo điều kiện về đời sống, việc làm cho công dân. Dĩ nhiên Chính phủ sẽ ưu tiên những người già, quyết không để họ phải nằm ngoài hành lang không ai chăm sóc. Khi diễn biến dịch bệnh chưa quá lớn thì chúng ta chưa cần những biện pháp quá mạnh. Vì vậy, nếu không nắm rõ số liệu chính xác thì chính phủ sẽ không kiểm soát được dịch bệnh và lúc đó tình hình sẽ ngày càng hoảng loạn.

Viện trưởng Viện virus của Charité đã nói trong các bài phát biểu: “Đức đã áp dụng biện pháp để xét nghiệm vào thời gian khá sớm và cập nhật được tương đối sớm so với các nước châu Âu khác về các ca nhiễm bệnh”. Trong một bài phát biểu gần đây, ông có nói: “Đến một thời điểm nào đó, phương pháp này không thể áp dụng một cách đại trà được nữa bởi số lượng người nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân như hiện nay. Ngay cả phương pháp PCR cũng không thể 1 lúc nhân đôi, nhân 3 lên được”. Chính vì thế, ông đã đi đến kết luận có thể sắp tới chỉ ứng dụng trong một số trường hợp. Nếu trong gia đình có người bị nhiễm thì coi cả gia đình đó bị nhiễm, không cần xét nghiệm những người đấy nữa để tập trung vào những người có tuổi hoặc có bệnh nền. Giáo sư Thoại có thể nói qua về phương pháp PCR có gì khác so với các phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể hay không?

Phương pháp PCR là phương pháp tương đối chính xác. Đây là phương pháp được đưa ra sử dụng ở Đức khá sớm và hiện nay PCR được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) sử dụng ở nhiều nước. Phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể của Việt Nam cũng giống như thế. Ta sẽ dùng một chất được gọi là chất mồi để kích thích những con virus này tăng nhanh và từ đó sẽ dễ nhận biết nó hơn. Cũng giống như trồng cây thì ta phải có hạt giống và Việt Nam cần có những cải biến để nó phát triển thành cây nhanh hơn. Có thể từng nơi sẽ có những kit thử này tuy nhiên phương pháp sử dụng PCR dễ nhận biết dương tính với Covid-19. Đó là phương pháp tương đối chính xác.

Phương pháp tìm kháng thể chỉ có thể sử dụng khi mình đã nhiễm rồi. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân cần khoảng vài ngày thì cơ thể mới sản sinh ra kháng thể. Có thể nói những người mới nhiễm mà dùng phương pháp này thì không thể phát hiện được. Nếu phát hiện trong cơ thể có kháng thể thì chắc chắn trên 90 - 95% người này đã bị bệnh. Tuy nhiên không phải người nào âm tính cũng có nghĩa người này không có bệnh. Cho nên chỉ có thể sử dụng được với độ xác xuất như thế. Khi dùng test người ta dựa vào 2 yếu tố: test kháng thể không được nhạy lắm nhưng đúng bệnh. Cho nên khi virus trong thời gian ủ bệnh thì test kháng thể không phát hiện được.

Liên quan đến test kháng thể là việc tìm vắc xin và các phương pháp trị liệu. Trong bài phát biểu chính thức của Thủ tướng Merkel ngày 22/3/2020 có thông điệp: “Hiện nay chưa có hy vọng có vắc xin phòng bệnh trong thời gian tới và chưa có thuốc đặc trị để chữa được dịch bệnh này”. Bên cạnh đó chúng ta cũng biết rất nhiều công ty dược phẩm ở Đức đang trong quá trình thể nghiệm các giải pháp khác nhau. Có một nhóm nghên cứu ở Marseille vừa đưa ra giải pháp dùng thuốc chữa bệnh sốt rét để điều trị Covid-19. Ông đánh giá việc này như nào? Bao giờ chúng ta sẽ có vắc xin hay thuốc đặc hiệu để phòng, chống dịch bệnh này?

Thủ tướng Merkel đưa ra thông điệp ngày 22/3/2020.

Thủ tướng Merkel đưa ra thông điệp ngày 22/3/2020.

Chúng ta cần phân biệt rõ thuốc chủng và thuốc chữa. Hiện tại có 37 hãng đang nghiên cứu thuốc chủng vắc xin. Hầu như trong một mức độ nào đó họ cũng trao đổi, tiếp xúc với nhau những hiểu biết mới về khoa học. Trong 37 hãng thì Đức có 2 hãng. Mỹ có 15 hãng, Anh, Pháp hay một số nước khác ở châu Âu cũng có các hãng tham gia vào nghiên cứu. Hãng CureVac tuy chỉ là hãng nhỏ nhưng đã có phương án tương đối táo bạo. Chúng ta sẽ dùng một đoạn của virus giống như virus đang gây bệnh ở trong thí nghiệm.

Đây là đoạn của virus báo động cho người bệnh để cơ thể tự tạo ra những kháng thể loại bỏ virus đó. Chúng ta tìm xem đâu là đoạn làm ra báo động thì sẽ làm giống như vậy và sản xuất với số lượng lớn. Vấn đề đặt ra là bộ di truyền được tạo ra có gây báo động cho cơ thể hay không? Đó là khâu cực kỳ khó khăn. Phương pháp này chưa được thử nghiệm lâm sàng. Phải qua những khâu thử nghiệm như: người bình thường có chịu được thuốc hay không? Cơ thể người bệnh có từ chối nhận thuốc không?. Thời gian thử nghiệm có thể kéo dài cả năm hoặc lâu hơn. Theo CureVac nếu mùa hè bắt đầu đi vào khâu thử lâm sàng thì phải 1 năm sau mới có khả năng tạo ra những vắc xin để dùng cho những người có nguy cơ bị bệnh.

Một số nhà chuyên môn phát biểu: “Hiện nay vẫn dùng các biện pháp phi dược phẩm để can thiệp vào quá trình dịch này. Do các ca nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân, dù sao cũng chỉ mỗi biện pháp làm chậm quá trình để cách ly xã hội cũng không đủ được. Chúng ta vẫn phải nghĩ đến việc nhanh chóng hết mức có thể để có các biện pháp trị liệu và thuốc vắc xin. Yêu cầu về phía chính trị phải có suy nghĩ khác vì không thể để quá trình thử nghiệm lâm sàng kéo dài 1–2 năm, nhiều khi phải áp dụng các biện pháp khác so với thông lệ để thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc xin và phương pháp trị liệu”. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Có những người bệnh ta không chữa cho họ được thì ta phải rút ngắn thời gian tìm ra thuốc chữa. Quá trình này sẽ rất phức tạp và lâu. Khi đã tìm thấy thuốc thì phải thử trên người thường và người bệnh. Như vậy chúng ta cần 10–15 năm để sản xuất ra thuốc chữa bệnh. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ giấy tờ hành chính xuống mức đơn giản nhất. Chúng ta có thể thử các loại thuốc mà các nhà nghiên cứu đã thử thành công trên người. Họ sử dụng một loạt thuốc từ bên Nhật hoặc Trung Quốc như thuốc cúm ở Nhật. Loại thuốc này đã được thử lâm sàng và cho kết quả: Những người bệnh sau một thời gian sử dụng thuốc, lượng virus trong người đã giảm bớt. Thuốc ho xuyễn, thuốc chữa Ebola hay thuốc chữa sốt rét, thuốc chữa bệnh AIDS cũng là sự lựa chọn của các nhà nghiên cứu. Họ dùng những loại thuốc đã qua thử nghiệm trên động vật và người cho ra kết quả tốt để điều trị bệnh Covid-19. Qua giai đoạn thử lâm sàng thì có một số trường cho ra kết quả không được tốt lắm nhưng đây chỉ là con số rất nhỏ.

Quay trở lại với tình hình ở Đức. Đức hiện có 28.000 giường bệnh điều trị tích cực và cũng có khoảng số lượng trên máy thở như vậy được coi là cao nhất trên thế giới. Nếu trong thời gian tới, các ca bệnh vẫn tăng theo cấp số nhân như hiện nay, thì đến thời điểm nào đó, hệ thống y tế của Đức sẽ đứng trước nguy cơ rất lớn, thậm chí là quá tải như Italia. Trước thách thức như vậy, ông đánh giá mặt mạnh hệ thống y tế của Đức và để đối phó với những thách thức này thì chúng ta cần làm gì? Đâu là những điểm yếu, những thách thức lớn nhất đặt ra cho hệ thống y tế của Đức hiện nay?

Hệ thống y tế của Đức so với một số nước khác thì có nhiều mặt thuận lợi hơn. Số giường bệnh cần chăm sóc tích cực nhiều hơn Ý gấp 3 lần. Số lượng người tử vong tại Ý là rất lớn. Khi có người tử vong, y tế sẽ kiểm tra xác định người này có dương tính với virus Corona hay không. Đây là việc rất nhiều nước không làm. Vì vậy số người tử vong ở các nước là bao nhiêu chúng ta không thể biết được. Như vậy chúng ta chỉ có thể sử dụng những con số thống kê này để biết được một phần tình hình dịch bệnh xảy ra ở các quốc gia trên thế giới chứ những con số này cũng không thể nói lên hệ thống y tế của các nước yếu kém hay không.

Số lượng tử vong ở Đức do Covid-19 rất thấp thì có thể nói những ca nhiễm thực tế ở Đức được phát hiện tương đối đầy đủ. Chính vì vậy trên số ca nhiễm đấy và từ đó tính ra số lượng tử vong nên tỉ lệ thấp. Còn ở Ý, phần lớn những ca nhiễm không được phát hiện nên số người tử vong rất cao mặc dù số ca bệnh được phát hiện rất ít. Có đúng như vậy không thưa Giáo sư?

Tôi nghĩ là lý do như vậy. Theo đánh giá của tôi, Đức có con số ca nhiễm và tử vong khá chính xác. Nói vậy không có nghĩa Đức xét nghiệm tất cả mọi người. Nhưng qua mô hình toán học ta có thể phần nào biết được mức độ thực tế. Trong thời gian đầu tháng 3, Đức không chỉ khám cho người nghi nhiễm mà còn khám cả những người bị cúm. Đủ thấy rằng, khi họ làm rất kỹ chuyện này nên số liệu thống kê của họ tương đối chính xác và cũng phù hợp với con số bắt đầu ở Vũ Hán lây lan ra các nước khác. Tỉ số tử vong bên ngoài thấp rất nhiều so với Vũ Hán. Ở bên ngoài khoảng 0,2 – 0,3% thì ở Vũ Hán con số gấp nhiều lần như thế. Khi dịch bệnh bùng phát, bệnh viên bên Trung Quốc không thể khám hết được. Nhưng đây cũng là 1 lý do số người bị bệnh rồi lây sang những người khác rất nhiều.

Ông đánh giá thế nào về việc: Việc gia tăng các ca nhiễm bệnh ở Đức như phỏng đoán của RKI có thể đến mức từ 10 đến 15 triệu người trong mấy tháng tới, nếu các biện pháp làm chậm quá trình dịch hiện nay không thực sự thành công. Lúc đó sẽ có nhiều bệnh nhân phải vào các phòng cấp cứu. Ngay cả với hệ thống 28.000 giường bệnh như hiện nay thì Chính phủ Liên bang đang có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng giường bệnh, máy cấp cứu và máy thở. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ có kịch bản như thế nào ạ?

Như thế thì ở Đức cũng “vỡ trận”. Đức sẽ cố gắng ép số lượng người mắc bệnh xuống cho hợp lý với hệ thống y tế đất nước có thể cấp cứu được. Đấy là ý muốn của chính quyền. Chúng ta thấy rằng số lượng biện pháp được đưa ra cứ luôn tăng dần. Tôi nghĩ rằng ngày mai bà Thủ tướng Merkel sẽ phải tăng cấp độ lượng giới nghiêm là không tránh khỏi. Họ sẽ phải đi đến biện pháp đó mặc dù như vậy đối với tâm trạng của người dân Đức và châu Âu sẽ không thoải mái. Họ sẽ phải tự cách ly ở nhà. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại tôi nghĩ với sự đồng lòng của người dân thì nước Đức hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp giới nghiêm toàn quốc gia được.

Trong bối cảnh với những diễn biến không lường như vậy thì theo ông, từng cá nhân, từng gia đình có thể làm được gì? Và với viễn cảnh sắp tới mà mình bị nhiễm bệnh thì mình có thể chờ đợi được sự trợ giúp gì từ phía xã hội, từ phía nhà nước?

Như tính toán ban đầu, nếu ta không có biện pháp gì mới hơn thì trong vòng 1 tuần nữa, con số sẽ không dừng lại ở 20.000 người mà có thể tăng lên gấp 10 lần như thế. Với con số cao như vậy thì bây giờ Đức bắt buộc phải giảm số người mắc bệnh xuống. Và để làm được điều này, không có cách nào khác, trong nội dung bà Merkel kêu gọi ngày thứ 4: “Mỗi người có thể góp phần để tình hình dịch bệnh không tăng lên”.

Ta phải tạo được khoảng cách, không đi tụ họp đông người, giới hạn việc đi chợ, mua bán. Ở một số nơi họ cho đi vào cửa hàng từng người. Bản thân chúng ta phải có ý thức tình hình bây giờ đang rất nghiêm trọng, mỗi cá nhân đều có thể tác động trong đó. Ở các nước công nghệ phát triển, nhà nước đang tính tới việc sử dụng điện thoại để kiểm soát sự di chuyển của từng người. Chính sự di chuyển của mọi người là lý do gây lây lan bệnh dịch nhanh chóng. Chiến lược của Đức là giữ được sự phát triển của virus trong khả năng kiểm soát. Nếu chúng ta không thể kiểm soát được sự lây nhiễm này thì tình hình sẽ rất nguy kịch. Mỗi người chúng ta đều có thể góp phần để tình hình không đi đến mức độ như vậy.

Đó là xét từ nghĩa vụ và đóng góp của từng cá nhân đối với xã hội. Trong trường hợp một người, một gia đình phát hiện mình bị nhiễm bệnh và đặc biệt là người ngoại quốc, khả năng giao tiếp ngôn ngữ không được tốt thì mình nên làm gì? Nhà nước sẽ giúp đỡ gì cho mình trong trường hợp này?

Nếu chúng ta bị cảm, nhức đầu, người nóng lên một chút thì chưa phải lý do bạn hoảng loạn lên. Hiện nay trong nước mới có vài trăm người bị bệnh. Không phải bạn cứ ra đường là gặp người nhiễm. Mình không nên tiếp xúc để tạo cơ hội lây lan dịch bệnh. Nếu bạn cảm thấy nhiệt độ tăng quá cao, thở có chút khó khăn thì phải lập tức tìm cách liên lạc với các cơ sở y tế gần đó để có cách giải quyết tích cực hơn.

Hiện nay ở Đức có khuyến cáo, nếu có triệu chứng như vậy thì người bệnh không tự động đến phòng mạch mà hãy gọi điện cho bác sĩ gia đình, sau đó họ sẽ thông báo cho bác sĩ của Nhà nước để có biện pháp tiếp theo. Ông nghĩ sao?

Để an toàn, nếu mình nhiễm rồi thì không nên tiếp xúc với người khác. Ở Berlin có 5 chỗ chúng ta có thể đến được khi nghi mình bị mắc. Đức đã công bố số điện thoại khẩn để khi người dân có các triệu chứng nghi bị nhiễm bệnh có thể gọi thông báo cho cơ sở y tế. Đối với người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền thì nên đi tiêm phòng, ngừa vi khuẩn viêm phổi.

Theo chính sách của Đức từ trước đến nay, những người từ 60 tuổi trở lên thì được tiêm chủng miễn phí loại vắc xin này. Nhưng hiện nay có vẻ lượng thuốc này đang ít dần. Vì vậy Chính phủ quyết định những người 70 tuổi trở lên mới đủ tiêu chuẩn để tiêm miễn phí. Theo ông, việc này có thể giải quyết như nào ạ?

Vì vậy người dân cần gọi điện hỏi bác sĩ gia đình xem mình có cần tiêm vắc xin này không? Có thể nhận thuốc này ở đâu? Nhiều khi sẽ có ưu tiên trước sau thì mọi người phải liên lạc để biết thêm những thông tin đó mà cập nhật cho đúng.

Giáo sư có đánh giá gì về diễn biến của dịch bệnh cũng như chính sách mà Chính quyền Đức đưa ra trong thời gian tới như thế nào ạ?

Cái này rất khó để có thể tiên đoán được. Nhưng chúng ta cũng nên tính tới khả năng sẽ có giới nghiêm. Người dân không cần thiết đi mua đồ tích trữ, chỉ cần mua vừa đủ 2 tuần là được. Những người bị nghi mắc bệnh thì cũng phải tự cách ly tại nhà. Đó là những việc làm tôi thấy cần thiết nhất trong thời buổi dịch bệnh đang có diễn biễn phức tạp như này.

Hiện nay có rất nhiều luồn thông tin xung quanh virus Corona này. Theo ông đâu là những kênh chính xác nhất để người dân nên theo dõi diễn biến dịch bệnh cũng như những chính sách đối phó từ phía Chính phủ?

Từ thứ 2 đến thứ 6 trong khung giờ 10h sẽ có họp báo của Viện Vệ Sinh Dịch Tễ thuộc Bộ Y tế liên bang. Ngoài ra, người dân cũng có thể coi trên Internet cũng có trang của Viện này. Họ có hướng dẫn khá đầy đủ, những câu hỏi ta thắc mắc cũng sẽ được đề ra ở đó với cách giải quyết hiệu quả nhất.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Lê Hằng (ghi)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo