Hà Nội chi 406 tỷ đồng cho 5 chế độ đặc thù trong phòng chống COVID-19
Thủ tướng: Cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định gây khó cho người dân và doanh nghiệp / Thừa Thiên Huế: Khẩn trương hỗ trợ các đối tượng còn lại theo Quyết định 15 của Thủ tướng
Ngày 15/5, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV tổ chức Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp không thường kỳ) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Lan Hương, cùng đại diện các cơ quan Trung ương và sở, ngành, quận, huyện của thành phố Hà Nội.
Quang cảnh kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV.
Thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, gây tổn thất lớn về sinh mạng con người và gây khủng hoảng kinh tế nặng nề trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, Thủ đô Hà Nội cùng các địa phương trong cả nước đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ; tập trung lãnh đạo thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô, đặc biệt là thành phố đã kiểm soát tốt được dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục tinh thần thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ kép", vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, HĐND sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng ngân sách thành phố; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố (đợt 1) năm 2020.
Tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội với 100% đại biểu có mặt tán thành gồm: Phụ cấp thêm 4 nhóm đối tượng tham gia chống dịch COVID-19; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà cho sinh viên, công nhân; hỗ trợ kinh phí cho giáo viên dạy học trên truyền hình; hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp; tạo cơ chế đặc thù hỗ trợ đơn vị sự nghiệp công lập.
Tổng kinh phí để thực hiện 5 chế độ chi đặc thù nêu trên dự khiến khoảng 406 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp thành phố là 351 tỷ đồng, ngân sách các quận là 55 tỷ đồng. Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, với các biện pháp điều hành ngân sách địa phương và thành phố đang triển khai (bao gồm các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, các biện pháp cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết) đủ đảm bảo kinh phí để thực hiện các chế độ chi mới này như UBND thành phố Hà Nội đề xuất.
Phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án mới, điều chỉnh đầu tư 4 dự án đang triển khai
Cũng tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng ngân sách thành phố, cũng như việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố (đợt 1) năm 2020 với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Cụ thể, phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án mới nhóm C sử dụng vốn đầu tư công của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến gần 34,64 tỷ đồng. Điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 713,3 tỷ đồng.
Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, 6 dự án nhóm C mới dự kiến triển khai trong giai đoạn năm 2021-2022 đều là những dự án nhằm xây dựng cầu vượt cho người đi bộ trong nội đô, phục vụ nhu cầu dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông của Thành phố.
4 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư (gồm 03 dự án nhóm B và 01 dự án nhóm C) là những dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Cả 4 dự án đều đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, được ngân sách Thành phố bố trí kế hoạch vốn và đang trong quá trình thực hiện dự án.
Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án là cần thiết nhằm phù hợp với tình hình biến động thực tế, đảm bảo đáp ứng đủ các hạng mục, công việc cần thiết phát sinh, nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như đảm bảo tránh trùng lặp với các nội dung được doanh nghiệp tự nguyện đầu tư, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh nhằm đảm bảo thực hiện các hạng mục bổ sung phát sinh, phù hợp với điều kiện thực tế triển khai dự án.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024