Tin tức - Sự kiện

Hà Nội: Đủ nguồn cung thực phẩm, người dân không nên tích trữ

DNVN - Sau khi Hà Nội phát hiện ca nhiễm virus Corona thứ 17 vào đêm 6/3, sáng 7/3 tại nhiều siêu thị, chợ người dân Thủ đô đổ xô đi mua hàng tích trữ như thực phẩm, gạo, mì tôm, thịt, gà, trứng. Lãnh đạo Hà Nội khẳng định, Hà Nội đủ nguồn cung thực phẩm cho người dân, do đó không nên tích trữ, tránh xếp hàng đông nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao.

Hành khách Nhật Bản nhiễm Covid -19 đã quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất / Các nhà khoa học nữ phân lập thành công SARS-CoV-2 nhận Giải thưởng Kovalevskaia

Lúc 21h30 ngày 6/3, chị N.H.N 26 tuổi sống tại phố Trúc Bạch - Hà Nội được xác định là bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam dương tính với virus Covid-19. Thông tin này gây xôn xao dư luận bởi trước đó, chị N biết mình có thể nhiễm bệnh nhưng không khai báo.

Đêm cùng ngày, Ban chỉ đạo thành phố Hà Nội đã họp khẩn để tìm hướng giải quyết. Ngay khi đó, nhiều người dân Hà Nội đã nhanh chóng ra đường để mua đồ ăn, nhu yếu phẩm như: mỳ tôm, gạo, giấy vệ sinh, hoa quả, rau xanh, thịt,… để dự trữ trong nhiều ngày.

Người dân đổ xô đi mua đồ dự trữ. Ảnh: người lao động

Người dân đổ xô đi mua đồ dự trữ. Ảnh: Người lao động

Ghi nhận tại các của hàng tiện lợi như Vinmart, Circle K,… người dân đổ xô đi mua hàng ngày càng đông từ 23h30 đêm qua và liên tục tấp nập tới 11h sáng ngày 7/3. Các nhân viên cửa hàng làm việc không nghỉ tay, phải liên tục xếp thêm đồ mới lên kệ.

Tình trạng này xuất phát từ nỗi lo ngại nguồn thực phẩn eo hẹp và tăng giá trong đợt dịch của mọi người. Bên cạnh đó, Bộ Y Tế cũng đã khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển tới nơi đông người.

Sáng 7/3, tại các chợ Khương Đình, Vĩnh Hồ, chợ cóc khu vực Mai Động, các hàng thực phẩm tươi như gà, vịt, thịt lợn, thịt bò, cá bán hết ngay từ sáng sớm do người dân đổ xô đi mua. Đến 8h các bàn thịt đã trống trơn. Hàng gạo người dân cũng đổ xô đến mua số lượng lớn 40-50kg, mì tôm cũng được nhiều người khuân vác về tích trữ. Tâm lý đám đông ảnh hưởng tới một bộ phận những người lo lắng dịch bệnh, bị cách ly sẽ thiếu thực phẩm.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch sáng 7/3, Bí thư Thành Uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ khuyến cáo người dân thủ đô không nhất thiết phải tích trữ lương thực. Thành phố đủ năng lực đáp ứng nhu yếu phẩm. Trong khi đó việc tới các khu vực đông người để mua tích trữ lại có thể mang tới nguy cơ lây nhiễm nhiều hơn.

Vì vậy điều đầu tiên lãnh đạo Thành phố gửi đến người dân Thủ đô thông điệp: "Sự lo lắng cần thể hiện bằng hành động thực tế, bằng cách tự vảo vệ mình, bảo vệ gia đình, có trách nhiệm thông báo tình hình sức khoẻ cho chính quyền các cấp, không nên hoang mang, lo lắng quá mức".

Về thực phẩm, Thành phố đã liên hệ với các đơn vị cung cấp, tiêu biểu như sáng nay Big C cho biết sẽ bảo đảm nguồn hàng cung cấp thực phẩm.

"Thành phố đủ nguồn lực để bảo đảm thực phẩm cho người dân, chúng ta không cần đi mua tích trữ. Việc đông người xếp hàng mua sắm tại các siêu thị nếu không thực đúng các biện pháp bảo đảm an toàn sẽ dễ lây nhiễm dịch bệnh", Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết.

Hàng thịt lợn ở chợ Khương Đình hết từ sáng sớm do người dân mua tích trữ.

Hàng thịt lợn ở chợ Khương Đình, Thanh Xuân hết từ sáng sớm do người dân mua tích trữ.

Đổ xô đi mua gạo tích trữ tại chợ Khương Đình, Thanh Xuân.

Đổ xô đi mua gạo tích trữ tại chợ Khương Đình, Thanh Xuân.

Đang xét nghiệm người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 17
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau cuộc họp vào 22h tối qua (6/3), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP. Hà Nội tiếp tục làm việc phiên sáng nay (7/3) với mục tiêu khẩn trương làm rõ quá trình đi lại của bệnh nhân, người tiếp xúc với bệnh nhân, người tiếp xúc với người tiếp xúc với bệnh nhân, khẩn trương làm các biện pháp xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, báo cáo của Sở Y tế cho biết, tính đến 8h ngày 7/3, cả nước ghi nhận 17 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó đã có 16/17 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Hiện tại, chỉ còn 1 trường hợp đang được cách ly theo dõi chặt chẽ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Tại Hà Nội, ngày 6/3 ghi nhận 1 trường hợp dương tính (bệnh nhân nữ 26 tuổi, trở về Việt Nam sau khi đi duc lịch tại Anh, Pháp, Italy). Tính đến 8h ngày 7/3, toàn thành phố ghi nhận 1 trường hợp mắc, chưa ghi nhận tử vong.
Ngay từ 20h30 tối 6/3, thành phố đã điều tra lập danh sách 33 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này và 90 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần.
Hiện đã lấy 27/33 mẫu xét nghiệm của người tiếp xúc gần với bệnh nhân và có kết quả: 2 trường hợp nghi ngờ (lái xe Dương Đình Phong 27 tuổi, đại chỉ 113 Trúc Bạch, Ba Đình và bác gái bệnh nhân tên là Lê Tuyết Hằng 64 tuổi, địa chỉ 125 Trúc Bạch, Ba Đình); 25 trường hợp còn lại âm tính.
Hiện các đơn vị chức năng đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp còn lại; phối hợp với sân bay Nội Bài để thu thập thông tin 217 trường hợp hành khách và phi hành đoàn đi cùng chuyến bay VN 0054 với bệnh nhân.

Lê Hằng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm