Hậu Giang kêu gọi đầu tư vào xứ “Tình anh bán chiếu”
Đà Nẵng: GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5% / Nhân viên vệ sinh nhà ga T2 sân bay Đà Nẵng trả 1,4 tỷ đồng cho khách nước ngoài bỏ quên
Sáng nay (29/6), trong khuôn khổ ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tư thành phố Ngã Bảy năm 2024, UBND thành phố này tổ chức hội thảo với chủ đề “Ngã Bảy - Cơ hội cho bạn” nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong các lĩnh vực. Đồng thời, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của địa phương.
Thành phố Ngã Bảy được xem là mũi nhọn kinh tế của tỉnh Hậu Giang, với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.
Sức bật du lịch
Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hậu Giang, TP Ngã Bảy được ví như trung tâm liên kết, giao thương khu vực; là điểm đầu của tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp nối liền hai TP Ngã Bảy - Cà Mau, tương lai nằm trong trục của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau.
Bên cạnh đó, Ngã Bảy còn là nơi giao thoa của 7 nhánh sông, tạo nên mạng lưới sông, rạch, kết nối với sông Hậu, là trục chính vào cảng quốc tế Cái Cui - Cần Thơ, tuyến đường thủy quốc gia từ TP Hồ Chí Minh xuyên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ra vùng biển Tây Nam. Với lợi thế về vị trí, Ngã Bảy có khả năng kết nối với các tỉnh, thành khác về đường bộ lẫn đường thủy.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, trong năm 2023, lượng khách du lịch đến Hậu Giang tăng mạnh. Tỉnh đã đón 519.860 lượt khách, tăng 133,29% so với năm 2022, đạt 103,97% kế hoạch năm 2023. Tổng thu đạt khoảng 236 tỷ đồng. Riêng trong quý I/2024, toàn tỉnh đón 150.150 lượt khách tham quan du lịch, tổng doanh thu đạt gần 69 tỷ đồng. Trong thành tích chung của ngành du lịch tỉnh, với ưu thế nằm giữa trục đường giao thông quan trọng, TP Ngã Bảy đóng vai trò quan trọng trong việc là đầu mối giao thông đường thủy và đường bộ giúp tiếp cận nhanh chóng các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Với chỉ số trên, ThS Lê Thị Phương - Trưởng Khoa Văn hóa, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, nhận định, Ngã Bảy được xem là mũi nhọn kinh tế của tỉnh Hậu Giang, với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nổi bật là sông Hậu, kênh xáng Xà No, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp.
“Cùng với cảnh quan sinh thái hữu tình dọc theo sông, rạch, những cánh đồng rộng lớn, vườn cây trái đặc sản tạo nên không gian xanh mướt, yên bình, thuận lợi hình thành sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch miệt vườn, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa”, bà Phương đánh giá.
Ông Trần Tường Huy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội cho rằng, sông nước, chợ nổi là “đặc sản” của du lịch Hậu Giang nói chung và Ngã Bảy nói riêng. Với lợi thế sông nước đặc trưng, cùng với giá trị của hoạt động văn hóa chợ nổi Ngã Bảy, địa phương này có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển các tuyến sản phẩm du lịch đường sông đa dạng, phong phú, mang tính đặc thù.
“Từ TP Ngã Bảy có thể kết nối các tuyến du lịch đường thủy với các địa phương khác trong kết nối vùng ĐBSCL. Trong giai đoạn ngắn hạn, TP Ngã Bảy cần tập trung đầu tư tuyến sản phẩm theo sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy trở thành sản phẩm du lịch chủ”, ông Huy phân tích.
Đồng quan điểm trên, ThS Nguyễn Văn Thanh - Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị lữ hành, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận, "du lịch đường sông nổi lên như một loại hình du lịch hấp dẫn và đầy tiềm năng, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, nơi sở hữu hệ thống sông ngòi chằng chịt và phong cảnh thiên nhiên hữu tình.
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, sinh thái biển, đảo…".
Lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch TP Ngã Bảy giai đoạn 2019 - 2023.
Về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Xuyên - Chủ tịch UBND TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết, thực hiện chủ trương phát triển 4 mũi nhọn (công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch) của tỉnh, TP Ngã Bảy ưu tiên thu hút đầu tư, mở rộng trung tâm thành phố. Xây dựng trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn, nhà hàng, siêu thị, nâng cấp hạ tầng dịch vụ du lịch hiện có, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
“Để tạo điểm nhấn, TP Ngã Bảy hướng đến phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa sông nước đặc thù, nhất là giá trị bài hát “Tình anh bán chiếu” nổi tiếng trong cả nước. Vận động, hỗ trợ các chủ cơ sở hoàn thiện, chỉnh trang các sản phẩm du lịch hiện có như: du lịch homestay, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nhà vườn; khuôn viên khu di tích lịch sử Liên hiệp Đình chiến Nam Bộ; điểm du lịch tâm linh…”, Chủ tịch UBND TP Ngã Bảy thông tin.
Nói về du lịch Ngã Bảy, các chuyên gia còn cho rằng, tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch xanh, bất động sản du lịch kết hợp văn hóa, ẩm thực và sản phẩm OCOP… tại TP Ngã Bảy là nguồn lực lớn cho ngành du lịch của tỉnh Hậu Giang và khu vực Tây Nam Bộ nói chung. Tình hình thực tế hiện nay mở ra nhiều cơ hội cho người dân Ngã Bảy tham gia đa dạng các hoạt động du lịch cộng đồng, nâng cao sinh kế địa phương.
Ẩn số tiềm năng
Theo Chủ tịch UBND TP Ngã Bảy, sau gần 5 năm được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, Ngã Bảy ngày càng chứng minh được tiềm năng phát triển về mọi mặt. Những năm qua, tranh thủ mọi nguồn lực, thành phố đã chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng và mở rộng không gian đô thị, hình thành nhiều khu dân cư; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường đô thị trọng điểm, tạo thuận lợi giao thương liên vùng, rút ngắn thời gian lưu thông từ các khu công nghiệp đến TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Sóc Trăng.
“Bên cạnh, kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi, chính quyền từ thành phố đến xã, phường đều cam kết phục vụ người dân và doanh nghiệp với phương châm chỉ đạo của tỉnh là “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất.
Đợt này, TP Ngã Bảy có kêu gọi 15 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như cụm công nghiệp Tân Thành (50ha); trung tâm logistics (15 - 20ha) tại cụm công nghiệp Tân Thành; chợ đầu mối và trung tâm sơ chế nông sản (5ha); siêu thị (0,82ha)...”, ông Xuyên thông tin về các dự án.
Về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào TP Ngã Bảy, bà Huỳnh Thị Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH HTC Vị Thanh cho biết, tính đến năm 2024, công ty đã hiện diện và đầu tư tại tỉnh Hậu Giang được hơn 5 năm và đạt được những thành công nhất định. Trong đó, có thể kể đến khách sạn Hậu Giang, đây là khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao đầu tiên tại tỉnh được chính thức đi vào hoạt động vào tháng 5/2019.
“Hiện, công ty chúng tôi đang là chủ đầu tư của dự án khu đô thị trung tâm TP Ngã Bảy (May Luxury House) có quy mô 2,2ha với tổng vốn đầu tư hơn 420 tỷ đồng, bao gồm 1 trung tâm thương mại kết hợp khách sạn 4 sao 12 tầng và 90 căn Shophouse”, bà Hà nói.
Thành phố Ngã Bảy đang kêu gọi đầu tư vào 15 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ông Phạm Văn Luận - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ thông tin, theo quyết định số 1588/QĐ-TTg, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Hậu Giang cần thực hiện đột phá chiến lược là phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, bao gồm: TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Đến năm 2030 TP Ngã Bảy sẽ là đô thị loại II, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, là cực phát triển phía Đông của tỉnh.
Có thể nói, TP Ngã Bảy là mũi nhọn kinh tế của tỉnh, là khu vực có khả năng kết nối giao thông thuận lợi trên cả đường thuỷ lẫn đường bộ. Theo kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của ĐBSCL, Ngã Bảy sẽ là một trong những địa phương hưởng lợi lớn nhất khi nằm gần 3 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Sóc Trăng, Hà Tiên - Bạc Liêu. Chính điều này là một trong những yếu tố then chốt, là điểm mạnh để Ngã Bảy có thể đẩy mạnh phát triển thương mại (trung tâm thương mại, chợ đầu mối nông sản, nâng cấp các chợ), dịch vụ (vận tải, logistic,...).
Hiện nay, Ngã Bảy đang đưa ra các cơ chế thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố vẫn tiếp tục tập trung khai thác hiệu quả cụm công nghiệp Hiệp Thành; mời gọi doanh nghiệp đầu tư các nhà máy sản xuất dọc theo đường Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau và ven sông Cái Côn, đầu tư hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp Tân Thành.
Tiếp tục khai thác thế mạnh vận tải thủy của sông Cái Côn và kênh Quản lộ Phụng Hiệp cũng như gần vùng nguyên liệu từ nông nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến. Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn vùng đất này để đầu tư các dự án như các công ty: mía đường Cần Thơ; thủy sản Biển Đông Hậu Giang…
“Với những lợi thế sẵn có và định hướng phát triển của Hậu Giang, có thể thấy TP Ngã Bảy là vùng đất hứa, đầy tiềm năng cho công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch phát triển. Để có thể hiện thực hóa những mục tiêu trên, lĩnh vực bất động sản là một trong những ngành nghề đóng góp không nhỏ vào công cuộc thay da, đổi thịt của thành phố.
Chính điều này làm cho thành phố trở thành vùng đất lành cho nhiều nhà đầu tư bất động sản tham gia nghiên cứu và đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam