Không 'đóng cửa' giao thông trong bất cứ cấp độ nào của dịch
Ngày 18/10: Có 3.168 ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng và 43 tỉnh, thành khác / Giám sát 15 tổ chức đảng và 26 đảng viên diện Trung ương quản lý
Việc lưu thông của người dân, doanh nghiệp qua các địa phương vì bị cản trở hoặc “ngăn sông cấm chợ” như thời gian trước, đã thuận lợi hơn nhiều kể từ khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành.
Trao đổi với Zing, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết trên cơ sở Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Bộ GTVT đã xây dựng hướng dẫn, kế hoạch cụ thể với từng loại hình giao thông để việc đi lại của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong bối cảnh bình thường mới.
Tối đa hóa không gian cho hoạt động kinh tế, vận tải
- Với quan điểm sống thích ứng, an toàn với dịch được Chính phủ quán triệt trong Nghị quyết 128, việc lưu thông, đi lại của người dân giữa các vùng, nhất là từ các vùng có nguy cơ khác nhau sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Hướng dẫn của Bộ GTVT đã được quán triệt toàn bộ tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4800. Qua đó, hoạt động vận tải sẽ được tổ chức theo các cấp độ dịch khác nhau, phạm vi đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã.
Chúng ta đã tối đa hóa không gian cho các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội và các dịch vụ vận tải. Và quan trọng nhất là không “đóng cửa” đối với hoạt động giao thông vận tải trong bất cứ hoàn cảnh, cấp độ nào của dịch bệnh.
Hoạt động vận tải tại khu vực cấp 1, cấp 2 là bình thường, cấp 3, cấp 4 được hoạt động với một số điều kiện cụ thể về y tế, về tần suất.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh tinh thần không đóng cửa giao thông trong bất cứ cấp độ nào của dịch. Ảnh: Nhật Bắc.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc tổ chức hoạt động vận tải đã đáp ứng tinh thần, chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Thời điểm hiện nay đang “hạ nhiệt” về dịch. Chúng ta đã sẵn sàng để vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế nên vấn đề đi lại của người dân sẽ rất lớn và chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu này.
- Để cụ thể hóa Nghị quyết 128, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch như thế nào cho từng loại hình , đảm bảo hoạt động giao thông liên tỉnh cũng như lưu thông hàng hóa trên cả nước được thông suốt ?
- Trong suốt 2 năm vừa qua, cùng với cả nước phòng, chống dịch COVID-19, ngành GTVT luôn xác định rõ trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ phải giữ vững vững mạch máu giao thông, trong đó phải đảm bảo tổ chức vận tải hàng hóa phải thông suốt, không để đứt gãy nhất là giai đoạn đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Lực lượng phương tiện và đội ngũ nhân sự liên quan của ngành GTVT luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ.
Thời điểm hiện nay đang “hạ nhiệt” về dịch nên vấn đề đi lại của người dân sẽ rất lớn và chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu này.
Trên cơ sở thực tiễn, đến tháng 8, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn tạm thời tổ chức vận tải hàng hóa cả 05 lĩnh vực để triển khai thống nhất trên cả nước.
Từ cuối tháng 9, ngay thời điểm Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, Thủ tướng nêu quan điểm chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, Bộ GTVT đã xây dựng Hướng dẫn tạm thời tổ chức thí điểm hoạt động vận tải hành khách cả 5 lĩnh vực từ ngày 10/10. Hướng dẫn gồm những quy định, điều kiện y tế cụ thể đối với hành khách và các đối tượng liên quan, quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ngành GTVT và địa phương.
Khi Nghị quyết 128 được ban hành, trên căn cứ hướng dẫn chuyên môn y tế được ban hành kèm theo Quyết định số 4800 của Bộ Y tế, ngày 16/10, Bộ GTVT đã nghiên cứu, ban hành Quyết định số 1812 về Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt và hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Do tính đặc thù và quy định riêng tại Nghị quyết 128, lĩnh vực đường sắt và hàng không sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm theo các hướng dẫn trước đây cho đến ngày 20/10. Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức đánh giá, sơ kết và sẽ ban hành hướng dẫn khác thay thế để đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 128.
Việc này nhằm tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.
Trong quá trình triển khai phải phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Các đơn vị của Bộ GTVT trong một cuộc làm việc đến 2h để xây dựng hướng dẫn tạm thời tổ chức thí điểm hoạt động vận tải hành khách sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành. Ảnh: V.D.
Đối với các loại hình vận tải, Bộ GTVT cũng hướng dẫn cụ thể về từng đối tượng. Thứ nhất là người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện, người đi theo phương tiện (đối với vận tải hàng hóa, vận tải người nội bộ) và hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải 5 lĩnh vực. Thứ hai là các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng kiểm soát dịch, đơn vị kinh doanh vận tải của 5 lĩnh vực.
Và một điều rất đáng lưu ý là chúng tôi không khuyến nghị xét nghiệm đối với hành khách đi trên các phương tiện vận tải. Thay vào đó, chỉ xét nghiệm khi người dân đi từ khu vực cấp 4 (nguy cơ rất cao), khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3, người có biểu hiện ho, sốt, khó thở...
Giải quyết vướng mắc “mỗi nơi làm một kiểu”
- Theo ông, Nghị quyết 128 sẽ tạo chuyển biến như thế nào tới hoạt động giao thông vận tải nói riêng và các hoạt động kinh tế, xã hội nói chung trong giai đoạn tới?
- Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã khiến nhiều địa phương trên cả nước áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch, phong tỏa trên diện rộng.
Với Nghị quyết 128, chúng ta sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động giao thông vận tải, một cách khoa học.
Hoạt động vận tải hành khách vì vậy phải tạm dừng, vận tải hàng hóa gặp nhiều khó khăn do địa phương đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát dịch khác nhau, ban hành những quy định và điều kiện y tế cao hơn so với hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
Việc áp dụng kéo dài các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị 15, 16 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế của đất nước, cũng như gây áp lực lớn đến đời sống, tâm lý của nhân dân.
Vì vậy, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 để chuyển đổi chủ trương phòng, chống dịch sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch là một quyết sách rất đúng đắn. Điều này thể hiện quan điểm chúng ta sẵn sàng sống chung với dịch một cách chủ động, khoa học; đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.
Với Nghị quyết 128, hoạt động giao thông vận tải sẽ được tổ chức một cách khoa học. Ảnh: Việt Linh.
Với Nghị quyết 128, chúng ta sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động giao thông vận tải, một cách khoa học. Từ đó, sẽ tạo ra chuyển biến về nhận thức, tư duy và nguyên tắc phòng, chống dịch một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước; giải quyết được vướng mắc do các địa phương áp dụng biện pháp, quy định phòng, chống dịch khác nhau.
Điều đó đồng nghĩa với việc các hoạt động giao thông vận tải sẽ được tổ chức một cách thuận lợi, thông suốt nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu xuất nhập khẩu của đất nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh