Tin tức - Sự kiện

Liệu pháp điều trị ung thư đạt giải Nobel: Đây có phải cứu cánh cho “bản án tử”?

(DNVN) - Giải Nobel Y sinh học 2018 đã vinh danh hai nhà khoa học James P.Allison và Tasuku Honjo vì những nghiên cứu đột phá với liệu pháp miễn dịch dùng trong chữa trị một số bệnh ung thư. Nhiều bệnh nhân Việt Nam đang kỳ vọng vào phương pháp điều trị này.

Có thể sàng lọc dị tật tim bẩm sinh ở tuổi thai 18 tuần / Hơn 53 nghìn người mắc bệnh tay chân miệng và 6 người tử vong, Bộ Y tế yêu cầu phòng chống dịch khẩn

a
Chân dung Giáo sư James Allison của Mỹ. (Ảnh: Internet)
GS Mỹ James P Allison (người phát hiện ra CTLA4) và đồng nghiệp Nhật Bản - GS Tasuku Honjo (người phát hiện ra PD1).
Cả 2 yếu tố trên là tác nhân điều biến miễn dịch, có vai trò quan trọng trong bệnh học ung thư. Cụ thể, kháng thể kháng PD1 và kháng thể kháng CTLA4 chính thức trở thành thuốc điều trị ung thư mới nhất trên thế giới. Các thuốc trên có vai trò hoạt hoá và kéo dài tuổi thọ các tế bào miễn dịch đặc hiệu, để các tế bào này có thể tấn công các tế bào ung thư.
Chân dung Giáo sư Tasuku Honjo của Nhật Bản

Chân dung Giáo sư Tasuku Honjo của Nhật Bản.(Ảnh: Internet)

Việt Nam sử dụng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư từ 2017
TS.BS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K (Hà Nội) trả lời Zing, ở Việt Nam, từ cuối năm 2017, Bộ Y tế mới chính thức cho lưu hành thuốc điều trị theo liệu pháp miễn dịch.
Tại Bệnh viện K, TS Tú cho hay: Từ năm 2016, một số bệnh nhân từ nước ngoài trở về Việt Nam đã sử dụng thuốc miễn dịch. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2017, được sự cho phép của Bộ Y tế, cơ sở này mới chính thức áp dụng. Đến nay, Bệnh viện K đã điều trị cho hàng chục bệnh nhân với phương pháp miễn dịch.
Các nhà khoa học tại Trường ĐH Y Hà Nội đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân tại Việt Nam từ đầu năm 2017 theo cơ chế tương tự nhưng với một hướng tiếp cận khác.
Tế bào miễn dịch (T cell) nhận “hối lộ” qua cặp tín hiệu PD-1 và PD-L1, im re “công nhận” tế bào ung thư là “người nhà” . Thuốc kháng PD-1 hoặc PD-L1 làm hệ miễn dịch nhận ra kẻ địch và vùng lên chiến đấu.

Tế bào miễn dịch (T cell) nhận “hối lộ” qua cặp tín hiệu PD-1 và PD-L1, im re “công nhận” tế bào ung thư là “người nhà” . Thuốc kháng PD-1 hoặc PD-L1 làm hệ miễn dịch nhận ra kẻ địch và vùng lên chiến đấu. (Ảnh: Internet)

Theo đó, các tế bào miễn dịch của bệnh nhân được phân lập, nhân lên và biệt hoá ở ngoài cơ thể sau khi đạt được số lượng lớn thì được truyền trở lại cơ thể người bệnh.
GS Tạ Thành Văn trả lời Dân trí, sau hơn hai năm triển khai tại Trường ĐH Y Hà Nội, liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư đã được áp dụng điều trị cho 5 hình thái ung thư: phổi, gan, dạ dày, đại tràng và vú, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao.
Bệnh nhân nào có thể điều trị bằng phương pháp này?
Theo Zing TS.BS Đào Văn Tú, thuốc miễn dịch được chỉ định cho bệnh nhân ung thư phổi, hắc tố melanoma tiến triển, đầu mặt cổ, và ngày càng được nghiên cứu mở rộng ra nhiều bệnh ung thư khác như gan, thận, dạ dày, đại tràng,…
Ở Bệnh viện K, thuốc được xem có hiệu quả ưu việt đối với bệnh nhân ung thư phổi và đang được mở rộng nghiên cứu với các loại bệnh khác.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, lưu ý phương pháp này không thể sử dụng cho tất cả bệnh nhân ung thư. Thường áp dụng cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư không thể điều trị, giai đoạn cuối, di căn. Bởi những bệnh ở giai đoạn sớm, các biện pháp như phẫu thuật, hóa trị liệu đã có thể phát huy tác dụng rất cao.
Thuốc chỉ sử dụng được đối với bệnh nhân có chốt kiểm dịch, không phải ai cũng có thể dùng. "Bệnh nhân phải trải qua một số xét nghiệm để xác định có chốt kiểm soát miễn dịch hay không thì mới sử dụng được liệu pháp miễn dịch", giáo sư Hùng nói.
Hoàng Tuyết (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm