Tin tức - Sự kiện

Lý giải nguyên nhân Hà Nội thường xuyên tắc đường gần đây

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội, có nhiều nguyên nhân khiến mật độ giao thông tăng cao đột biến trong thời gian trở lại đây khiến giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.

Hà Nội dành hơn 97.000 tỷ đồng đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích / Vì sao đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai hơn 8km phải đi ngầm?

Thời gian trở lại đây tình hình giao thông tại trục đường, tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội tăng cao đột biến so với thời gian dài ứng phó với dịch Covid-19. Số điểm thường xuyên xảy ùn tắc ngày càng tăng lên, đặc biệt có nơi xảy ra ách tắc nghiêm trọng kéo dài khiến người dân “kêu trời” khi di chuyển qua.

Nhiều người dân cho rằng, "đặc sản" tắc đường ở Hà Nội đã bắt đầu tái diễn sau khi qua đỉnh dịch. Một số ý kiến còn cho rằng, mật độ giao thông Hà Nội hiện nay đã tăng cao như chưa hề có dịch và “chỉ còn một điểm tắc đó là tắc toàn thành phố”.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội (Công an TP. Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân để lý giải về mật độ giao thông tăng cao đột biến trong thời gian trở lại đây khiến giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.

“Đầu tiên phải nhắc đến là tình hình dịch Covid-19 ở Thủ đô và các địa phương trên cả nước dần được kiểm soát hoàn toàn, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội được khôi phục trở lại khiến lượng người đổ ra đường đi lao động, sản xuất… sẽ tăng cao hơn nhiều so với khi dịch còn phức tạp. Tiếp đến là hàng triệu học sinh các cấp, bậc học và sinh viên ở Thủ đô quay trở lại trường, kèm theo người đưa đón làm tăng áp lực giao thông vô cùng lớn tại các tuyến phố”, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội chia sẻ.

Cùng với đó, hoạt động du lịch được mở cửa trên cả nước, lượng khách du lịch và người lao động hoạt động trong các ngành dịch vụ đi kèm quay trở lại Thủ đô khiến lượng người cũng tăng cao hơn rất nhiều so với tình hình du lịch bị đóng băng trước đó.

Bên cạnh đó, khi mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường thì các công trình giao thông được đẩy nhanh tiến độ. Văn hóa tham gia thông của một bộ phận người dân vẫn còn quá tùy tiện và thiếu tự giác.Thậm chí nhờn luật, cố tình vi phạm dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông như: Đỗ xe sai luật, đi lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… đang dần trở thành chuyện thường nhật ở Hà Nội.

Hạ tầng giao thông ở Hà Nội hiện tại chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế… cũng là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông ở Hà Nội trong thời gian trở lại đây.

 

Ngoài ra, theo các chuyên gia giao thông một trong những nguyên nhân khác là do quy hoạch kiến trúc xây dựng bất cập, thậm chí yếu kém. Các "trường điểm, trường chuyên" mở tràn lan và các trường tư thục nhận học sinh, không phụ thuộc vào nơi cư trú; dẫn đến tình trạng nhiều em đi học "chéo cánh", từ quận nọ sang quận kia, từ cuối lên đầu thành phố… khiếngia tăng mật độ, lưu lượng giao thông.

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các đơn bị có liên quan rà soát, đánh giá nguyên nhân để đưa ra các phương án cho phù hợp.

“Trước mắt Phòng CSGT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Đội CSGT tại địa bàn, phân chia các ca trực, cắt cử cán bộ, chiến sĩ đóng chốt tại các điểm đen ùn tắc giao thông để phân luồng, hướng dẫn giao thông kịp thời. Mặt khác sẽ tích cực kiểm tra, giám sát vi phạm giao thông, xử lý nghiêm những người vi phạm. Áp dụng các hình thức xử phạt nguội, phối hợp để cán bộ chiến sĩ mặc thường phục đi tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông. Đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa tham gia giao thông…”, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội, trong quý I/2022, Phòng CSGT Hà Nội xử lý 31.442 trường hợp vi phạm giao thông; tạm giữ 1.295 phương tiện, 8.641 bộ giấy tờ; tước 2.619 giấy phép lái xe.

Đáng chú ý, kết quả xử lý một số hành vi vi phạm trọng tâm như xử lý 8.844 trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm; 4.269 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; 4.119 trường hợp dừng, đỗ sai quy định; 1.590 trường hợp vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera và đã được lập biên bản…

 

Sáng 15/4, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đồng loạt ra quânđợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.Đợt cao điểm sẽ kéo dài một tháng (từ 15/4 đến 14/5), trọng tâm của đợt cao điểm là kiềm chế tai nạn giao thông, giảm ùn tắc, nhất là tại thành phố lớn và các tuyến giao thông trọng điểm; không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để phát hiện, xử lý vi phạm, quản lý công tác cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông.

Tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy...

Bộ Công anyêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành gây cản trở giao thông, chống lại lực lượng thi hành công vụ; phòng, chống đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, chủ động ngăn chặn ngay từ khi nhen nhóm; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm...; thường xuyên tuần tra, kiểm soát cơ động bằng xe ôtô, mô tô để xử lý các vi phạm; sử dụng hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm.

Duy trì và phát huy hiệu quả các tổ công tác phối hợp giữa Cảnh sát giao thông và các lực lượng Công an khác để phát hiện, xử lý các đối tượng cố ý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tụ tập xe mô tô phóng nhanh lạng lách gây mất trật tự công cộng, đua xe trái phép, kết hợp với đấu tranh phòng chống tội phạm...

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm