Miễn học phí trẻ mầm non lớp 5 tuổi và THCS: Bao giờ mới triển khai?
Việt Nam và 6 thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công / Bộ Chính trị họp cho ý kiến về các đề án chuẩn bị trình Hội nghị TW 8
Học sinh mầm non lớp 5 tuổi, THCS trường công lập sắp tới sẽ không phải đóng học phí. Ảnh minh họa: Q.A
Mới chỉ là chủ trương
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, một phụ huynh ở Mê Linh (Hà Nội) có con học mầm non lớp 5 tuổi cho biết: “Đầu năm học, cô giáo có thông báo thu tiền học phí tháng 9 của con tôi, mà theo tôi được biết đã có chủ trương miễn hoàn toàn học phí đối với lứa tuổi mầm non 5 tuổi. Vì đây là lứa tuổi phổ cập giáo dục, được đi học miễn phí”. Tương tự, một số phụ huynh có con học THCS ở Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình… cũng cùng chung thắc mắc: “Vì sao con đi học vẫn phải đóng học phí, trong khi trên một số báo-đài thông tin là được miễn học phí?”.
Đây là những thắc mắc mà sẽ nhiều phụ huynh đang vướng phải, trong khi vẫn chưa mạnh dạn hỏi giáo viên, nhà trường giải đáp. Thậm chí, không ít phụ huynh còn đặt ra nghi vấn nhà trường thu như thế là sai quy định hiện nay… Thực tế, dù nóng lòng, song nhiều phụ huynh đã chưa hiểu đầy đủ về chủ trương không thu học phí đối với trẻ mầm non lớp 5 tuổi, học sinh THCS công lập. Bởi vấn đề này, hiện đang được lấy ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó có đề xuất miễn học phí cho hai đối tượng này vì là lứa tuổi phổ cập giáo dục (giống như cấp tiểu học).
Mới đây, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trình bày các nội dung liên quan đến chính sách không thu học phí đối với trẻ mầm non lớp 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Nhiều đại biểu ủng hộ chủ trương không thu học phí đối với trẻ mầm non lớp 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập. Tuy nhiên, cũng không ít đại biểu lo ngại về ngân sách có đảm bảo thực hiện được không.
Trước đó, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 nêu rõ một số chủ trương liên quan đến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), cụ thể: Chính phủ thống nhất thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non lớp 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29 khóa XI.
Miễn học phí, lo “lạm thu”
Như vậy, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ bổ sung thêm đối tượng trẻ mầm non lớp 5 tuổi, học sinh THCS sẽ được miễn học phí, khi Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua, sẽ chính thức thực hiện chính sách này. Đồng nghĩa với việc thời điểm hiện tại, việc thu học phí năm học 2018-2019 vẫn triển khai theo các quy định hiện hành. Trong khi đó, TPHCM là địa phương tiên phong khi đã kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép thành phố được miễn học phí bậc THCS tại các trường công lập như đề xuất của liên Sở: Tài chính - GD&ĐT TPHCM vào cuối tháng 8. Dự kiến, sẽ thực hiện vào năm 2019.
Bộ GD&ĐT cho biết, những năm qua Nhà nước mới miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn trẻ mầm non lớp 5 tuổi và học sinh THCS chưa được miễn học phí, gây khó khăn khi huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ ở lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho các em THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, thông tin được miễn học phí, phụ huynh và dư luận rất phấn khởi, tuy nhiên sau khi thực hiện chính sách miễn học phí, nhiều người lại lo lắng đến phát sinh lạm thu. Lấy học sinh tiểu học làm ví dụ, nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, cấp học này không phải đóng học phí, nhưng lại phát sinh ra khá nhiều khoản như tiền học ngoại ngữ liên kết, trông giữ ngoài giờ… Thậm chí, một số nơi có các khoản núp bóng xã hội hóa để thu thêm, gây bức xúc đối với phụ huynh.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: “Miễn học phí cho học sinh THCS và mầm non lớp 5 tuổi là một chính sách nhân văn. Khi thực hiện áp dụng miễn học phí thì các khoản thu khác trong trường học phải được công khai, minh bạch, nếu không phụ huynh lại phải gánh thêm các khoản phí mập mờ khác. Sau khi áp dụng chính sách miễn học phí, các khoản thu sau cũng cần được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh mới được phép thu. Các trường làm sai, cố tình thu nhiều sẽ phải xử lý thật nghiêm và trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở. Có như vậy, phụ huynh mới thực sự được giảm gánh nặng”.
Theo Bộ GD&ĐT, khi đưa ra đề xuất miễn học phí trẻ mầm non lớp 5 tuổi, bậc THCS trường công lập, Bộ đã cân nhắc tới vấn đề phụ huynh có thể phải đóng các khoản khác tăng lên hoặc có thể xảy ra tình trạng lạm thu. Do đó, để khắc phục, thời gian qua Bộ đã ban hành các văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, không được thu và yêu cầu các cơ sở giáo dục không được phép thu các khoản trái quy định, sẽ xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm.
|
Các trường đại học ở Nhật Bản đang gặp phải một cuộc khủng hoảng tuyển sinh xuất phát từ tình trạng lão hóa dân...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước