Tin tức - Sự kiện

Miền Trung chủ động ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới

Sáng 26/10, các tỉnh tại Nam Trung bộ có mưa lớn tại nhiều nơi. Các địa phương đang khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Khẩn trương hoàn thiện chiến lược ứng phó dịch COVID-19 trong tình hình mới / Nghị quyết 113 đã cơ bản tháo gỡ khó khăn về vật liệu làm cao tốc Bắc-Nam

Mưa lớn trong những ngày qua đã làm sạt lở nhiều nơi ở tỉnh Bình Định. Trong sáng 26/10, các địa phương tỉnh này khẩn trương khắc phục hậu quả sạt lở đất, đồng thời rà soát, tổ chức sơ tán người ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét đến nơi an toàn và đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Khắc phục sạt lở tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND huyện Phù Cát có phương án sơ tán 36 hộ dân sinh sống gần khu vực sạt lở núi Gành ở xã Cát Minh nếu có mưa bão đến nơi an toàn. Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương sẵn sàng các phương án bảo vệ tài sản và tính mạng người dân, trong đó đảm bảo an toàn các công trình hồ đập.

“Ngành nông nghiệp chú trọng an toàn đê điều, hồ đập, tổ chức giám sát an toàn vận hành hồ đập trên địa bàn, đặc biệt là các hồ, đập xung yếu. Cơ bản hồ đập của chúng ta mực nước vẫn đảm bảo. Lần này, bão cũng không lớn, nhưng mà mưa nó đã lâu rồi, tất cả quả đồi, quả núi của chúng ta thấm nước rất nhiều”, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu.

Lực lượng chức năng Phú Yên chuẩn bị phương tiện ứng phó mưa lũ.

Còn tại tỉnh Phú Yên, hiện ngành chức năng tiếp tục thông báo hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới cho các chủ tàu cá biết và thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn. Các địa phương ở tỉnh Phú Yên sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”, chuẩn bị sơ tán dân gắn với đảm bảo phòng chống COVID-19.

“Khu vực triều cường có xã An Chấn, An Hòa Hải, huyện Tuy An và đã có trường học và các nhà văn hóa thôn bố trí trong phương án rồi. Đi vào các khu đó tránh trú triều cường, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Các khu vực có nguy cơ sạt lở thì bắt buộc phải người dân phải di dời”, ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, các địa phương đã chủ động phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người dân. Hơn 3 ngàn tàu, thuyền và 4.500 lao động trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản đã được Bộ đội biên phòng kêu gọi vào bờ. 6 điểm nguy cơ sạt lở cao với hơn 5 ngàn người đã được sơ tán đến khu vực an toàn. Học sinh tại tỉnh Khánh Hòa đã tạm dừng đến trường chuyển sang học trực tuyến.

 

Người dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị bao cát để gia cố nhà cửa.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, áp thấp nhiệt đới có suy giảm cấp nhưng các địa phương không được chủ quan, đặc biệt là phải có phương án ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất đá.

Các địa phương, các ngành quản lý dự án đang thi công kè, đường, công trình xây dựng cần lưu ý đảm bảo an toàn con người và tài sản. Hiện nay, mực nước bình quân tại các hồ ở tỉnh Khánh Hòa mới đạt 62% dung tích, ngành thủy lợi cần chủ động, linh hoạt trong việc tích nước hồ.

“Quan tâm đến công tác chuẩn bị đề phòng để có ứng cứu trong tình huống bất ngờ. Khả năng mưa đi kèm gây ra sạt lở. Đặc biệt là ngành giao thông, rồi các địa phương ở những khu vực có khả năng. Cần chú ý các tuyến đường đèo, Tỉnh lộ 9, Quốc lộ 27 C… để chúng ta có phương án tránh gây ra thiệt hại”, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm