Tin tức - Sự kiện

Một số chính sách tác động tăng lương hưu năm 2024

Tăng lương hưu cùng cải cách tiền lương, điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội... là những chính sách nổi bật về lương hưu năm 2024.

Đà Lạt 130 năm: Từ thiên đường nghỉ dưỡng đến “thánh đường” nghệ thuật / Dự báo thời tiết ngày mùng 3 Tết Nguyên đán năm 2024

Sẽ có những điều chỉnh lương hưu

Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 có đề cập tới việc cải cách tiền lương. Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Chú thích ảnh
Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: XC

Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.

Như vậy, lương hưu sẽ được điều chỉnh từ 1/7/2024. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cụ thể chờ văn bản quy định của Chính phủ.

Lần tăng lương hưu gần nhất là từ 1/7/2023 theo quy định tại Nghị định 42/2023/NĐ-CP với mức tăng 12,5% hoặc 20,8% tùy các đối tượng cụ thể.

Tăng lương tối thiểu vùng góp phần tăng lương hưu

Từ công thức tính lương hưu cho thấy, việc điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ góp phần tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, từ đó sẽ góp phần tăng lương hưu cho người lao động.

 

Dự kiến từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu với người lao động sẽ được tăng thêm 6% so với hiện nay.

Với mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng, trong đó, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2024, sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).

Như vậy, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, cải cách tiền lương giúp tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cao hơn, từ đó góp phần tăng lương hưu của người lao động.

Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành thông tư quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Các quy định của thông tư được áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Theo thông tư, đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội gồm người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 trở đi, hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024.

Bên cạnh đó, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024.

Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024.

Với việc điều chỉnh tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2024, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, theo công thức tính lương đã đề cập, mức lương hưu cũng sẽ tăng theo.

 

Việc tăng này nhằm đảm bảo lương hưu không bị trượt giá so với giá cả tiêu dùng. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2024; các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 1/1/2024.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm